5. Cấu trúc của luận văn
1.3.3. Ngôn ngữ môi trường
Ngôn ngữ môi trường (Environmental language) trong Anna Karenina
được biểu hiện ở địa điểm và thời gian giao tiếp, khoảng cách đối thoại và một số yếu tố khác như ánh sáng, nhiệt độ.
Địa điểm và thời gian giao tiếp trả lời cho câu hỏi: ở đâu? khi nào? Đó là những nhân tố quan trọng tham gia vào quá trình giao tiếp. Từ việc lựa chọn đa chủ đề, địa điểm và thời gian trong Anna Karenina được mở rộng ra đến vô cùng, trong đó một số không – thời gian giao tiếp mang ý nghĩa biểu tượng và có ý nghĩa đặc biệt như: Không gian sân ga, toa tàu có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời Anna. Nàng tìm thấy tình yêu định mệnh của mình, trải qua bao sóng gió, cuối cùng kết thúc cuộc đời tại nơi đây. Cái nhìn đầu tiên của Anna và Vronsky là ở sân ga. Sau cái nhìn qua nhau là những đối thoại. Họ có hai cuộc gặp gỡ tiếp theo tại nhà Doly (lúc 9h30, từ trên cầu thang tầng 2, Anna khẽ gật
đầu chào Vronsky) và trong vũ hội. Lần thứ tư họ lại gặp nhau ở hành trình trở về của Anna. Cơn bão tuyết xuất hiện đột ngột, tàu dừng, Anna xuống tàu và bất ngờ phát hiện ra Vronsky đi theo mình. Mặc dù lí trí cố trấn an nhưng việc gặp lại Vronsky làm cho Anna “bỗng cảm thấy một niềm vui sướng tự hào xâm chiếm tâm hồn, một niễm vui sướng không nén nổi bỗng sáng lên trên khuôn mặt nàng” [73, tr.115]. Tại ga Peterburg, Karenin đến đón Anna, Vronsky gặp Karenin. Mọi thứ vẫn thế nhưng Anna lại “ngạc nhiên về cái cảm giác bất mãn với bản thân khi nhìn thấy chồng, nhận thấy đôi tai của chồng hôm nay sao mà to thế?” [73, tr.116]. Cuối cùng, Anna chọn cách kết thúc cuộc đời mình cũng ở ga tàu. Đứng trước không gian nhộn nhịp của ga tàu, trước con mắt soi mói của bao người, Anna nhớ lại giấc mơ, nàng cảm thấy mọi sự thật gớm ghiếc, bỉ ổi. Ý nghĩ lao đầu vào con tàu xuất hiện và nàng đã hành động.
Không gian sinh hoạt của giới quý tộc cũng là môi trường được đề cập đến nhiều lần. Nó bao gồm không gian sống hàng ngày và các không gian vui chơi giải trí như sân gôn, sân băng, nhà hát, vũ hội...Tất cả đều nổi bật ở tính chất sang trọng, lộng lẫy nhưng thiếu vắng hơi ấm tình người, nơi có những “con bệnh”. Điều này thể hiện ở cách bài trí ngôi nhà, bố cục sân vườn, các hoa văn, ánh sáng…
Phần đầu của cuốn tiểu thuyết được mở đầu với không gian giao tiếp vui vẻ của buổi vũ hội. Nó được trang trí lộng lẫy với: “Cầu thang lớn trang trí đầy hoa và tràn ngập ánh sáng, với những người hầu đeo tóc giả rắc phấn, quần áo đỏ, đứng thành hàng rào danh dự” [73, tr.88]. Tiếng nhạc cử điệu valse đầu tiên nổi lên, hòa với âm thanh nhịp nhàng của tiếng vĩ cầm. Lần gặp gỡ thứ ba của Anna và Vronsky diễn ra trong không gian đầy lãng mạn và những điệu nhảy nhẹ nhàng, uyển chuyển này.
Giới quý tộc thường có những buổi xã giao tập trung tại một số gia đình. Phòng khách nhà quận chúa Betsy được rất nhiều các quý ông, quý bà lui tới. Nó được miêu tả đặc trưng cho kiến trúc của những ngôi nhà lớn: “Phòng khách lớn có tường màu sẫm và trải thảm êm, có chiếc bàn sáng rực trên đó màu trắng khăn trải bàn, chất bạc chiếc ấm đun trà và chất sứ trong suốt bộ khay chén, lấp lánh dưới ngọn lửa nến” [73, tr.149]. Anna đã gặp lại Vronsky trong không gian này
và Karenin bắt đầu nhận ra mối quan hệ của hai người khi họ ngồi riêng một góc để nói chuyện. Ngoài ra họ cũng thường luy tới các rạp hát. Anna và chồng đi xem buổi biễu diễn ba lê, Vronsky đi cùng Betsy. Đáng chú ý hơn là không gian nhà hát ở cuối tác phẩm – nơi Anna đã hoàn toàn bị cô lập: “Rạp sáng trưng những chùm đèn treo và đèn đất bằng đồng đen, tiếng vỗ tay vẫn kéo dài” [73, tr.576]. Đây trở thành không gian hò hẹn của những cuộc tình vụng trộm trong giới thượng lưu.
Ngôi nhà của Anna là tiêu biểu cho không gian sống của tầng lớp thượng lưu. Trong đó căn phòng của Anna là nơi nàng trở về, đối diện với chính mình và những bậc cảm xúc khác nhau: hạnh phúc, đau khổ, nhớ nhung, tuyệt vọng...Càng về cuối, căn phòng càng trở nên chán ngán trong con mắt của Anna. Sau khi gặp con trai, Anna “trở về căn buồng cô độc của mình” [73, tr.568]. Đó là không gian im ắng của phòng khách khi Anna đợi Vronsky về: “Nàng ngồi trong phòng khách dưới ngọn đèn, với một cuốn sách mới của Tel, vừa đọc vừa lắng nghe gió rít bên ngoài và từng giây từng phút đợi cỗ xe tới” [73, tr.779]. Sau những cuộc cãi vả với Vronsky, ngôi nhà chỉ còn là “những đường cong của gờ tường trên trần nhà bị bong tấm bình phong làm tối sầm một góc…Đột nhiên, bóng tấm bình phong rung rinh, lần hết cả gờ tường, cả trần nhà; rồi những bóng khác ở phía kia ùa đến nhập vào. Lát sau, chúng trở lui rồi lại xô về phía trước mỗi lúc một nhanh thêm, tan ra thành những làn sóng run rẩy, và căn phòng chìm trong bóng tối” [73, tr.791].
Thêm vào đó, Anna Karenina có một số không gian lãng mạn, nên thơ. Lúc Anna gặp Vronsky tại khu vườn, không gian rất lãng mạn: “Mọi cái nhìn thấy qua tấm kính, mọi cái trong bầu không khí tinh khiết và lạnh giá, trong ánh chiều tà bàng bạc, đều tươi mát, vui vẻ và cường tráng như bản thân chàng; cả những mái nhà sáng ngời dưới ánh nắng, cả những bóng bộ hành và xe ngựa thỉnh thoảng gặp trên đường, cả những rặng cây, bãi cỏ xanh im phăng phắc, những cánh đồng với những luống khoai đều đặn, cả những bóng râm đổ nghiêng từ nhà và hàng cây, bụi rậm và luống khoai, mọi cái đều đẹp như bức tranh phong cảnh tinh tế vừa vẽ và quang dầu xong” [73, tr.337]. Đó còn là không gian nước Ý và tòa biệt thự Palazzo khi Anna cùng Vronsky đi du lịch
nước ngoài: “hoang phế cũ kỹ với trần nhà cao chạy đường chỉ, với những bích họa, sàn đá khảm, những rèm gấm vàng dày trước cửa sổ cao, những chậu hoa trên chân quỳ lan can và lò sưởi, những cửa ra vào trạm trổ và những hành lang tối trang trí tranh ảnh” [73, tr.496]. Đây là khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi nhất trong cuộc đời Anna.
Sân thượng nhà Karenin đẹp, nên thơ trong lần Vronsky đến tìm Anna khi cơn mưa chợt đến: “Mưa rào không lâu, thì mặt trời lại hiện ra và những mái biệt thự, những cây bồ đề già trong các vườn dọc hai bên đường phố chính, lấp lánh một ánh sáng ẩm ướt. Nước ở lá cây vui vẻ nhỏ giọt từ mái nhà chảy xuống” [73, tr.204 - 205]. Lúc này, Vronsky nhận ra vẻ đẹp mê hồn của nàng. Vẫn là thiên nhiên đẹp, nhưng khi Anna bất an, nó đã nhuốm màu tâm trạng nàng, chứa đựng cả sự tàn nhẫn: “Sau những trận mưa dòng mấy ngày qua, trời quang đãng và trở rét. Không khí giá lạnh mặc dù ánh nắng rực rỡ vẫn luồn qua kẽ lá sạch láng (...) ngước nhìn ngọn cây hoàn diệp liễu đang đung đưa theo chiều gió. Lá cây bóng láng dưới ánh nắng, và hiểu rằng ông ta sẽ không tha thứ cho mình, giờ đây toàn thế giới sẽ tàn nhẫn như bầu trời này, rặng cây này” [73, tr.314].
Nếu không gian nước Ý có ý nghĩa trong khoảng khắc hạnh phúc của Anna thì sân băng cũng có ý nghĩa lớn lao như vậy trong lần Levin có ý định bày tỏ tình cảm với Kitty. Nó là mở đầu cho câu chuyện tình yêu giữa họ. Họ cùng nhau trượt băng, Levin đã có những hé lộ về mục đích đến Moskva của mình. Trong phòng riêng ở nhà Doly, Levin và Kitty ngồi bên cạnh chiếc bàn con, viết những chữ bằng kí hiệu chữ cái đầu tiên. Levin cầu hôn Kitty lần thứ hai và nàng đồng ý. Cánh đồng, bầu trời, trăng, sao...được nhà văn sử dụng khi miêu tả quá trình chuyển biến nội tâm của nhân vật Levin: “Bầu trời càng xanh hơn, càng sáng hơn (…) Mặt trời chói lọi mọc lên lại nuốt nốt lớp băng mỏng phủ lên trên mặt nước và bầu không khí ấm áp đang rung rinh khắp nơi luồng hơi nước bốc lên từ mặt đất hồi sinh” [73, tr.447]. Đẹp nhất là không gian nhà thờ, nơi Levin và Kitty chính thức trở thành vợ chồng. Và sau khi kết hôn, ngôi nhà là không gian chất chứa nhiều yêu thương nhất.
Nếu việc nhân vật trong tác phẩm sống, làm việc, yêu đương trong nhiều địa điểm khác nhau trở thành thuận lợi cho đạo diễn dàn dựng bối cảnh thì thời gian giao tiếp góp phần thể hiện nhịp điệu (dài ngắn, nhanh/ chậm) của các sự kiện.
Thời gian sinh hoạt của các nhân vật có nhiều đặc điểm đáng chú ý. Ở nông thôn, thường được tính theo mùa: mùa xuân, mùa cắt cỏ...Thời gian tham gia các hoạt động vui chơi giải trí của giới quý tộc cũng diễn ra triền miên, chậm rãi. Không đề cập đến giờ giấc cụ thể, vũ hội kéo dài hết bài nhảy này đến bài nhảy khác, người này nhảy hoặc nói chuyện với người khác. Cũng có những khoảng thời gian tính bằng ngày, giờ, phút thể hiện mức độ gấp gáp của cuộc sống. Thời gian hò hẹn giữa Anna với Vronsky thường có thời gian cụ thể. Nàng viết thư thông báo Karenin sẽ đi vắng từ 7 giờ đến 10 giờ, và chàng chỉ được đến trong khoảng thời gian ấy. Vronsky ngủ quên đến 8 giờ 30 dậy, 9 giờ kém 10 đi, đến nơi khoảng 15 phút…Tâm trạng Anna trong cuộc đua ngựa được miêu tả đến từng phút để thể hiện cảm giác căng thẳng tột đỉnh: “trong những phút đầu”; “cùng lúc đó”; “đúng lúc đó”. Khi Anna và Vronsky cãi cọ, Anna ghen tuông, nghi ngờ, thời gian lúc này cũng tính theo từng phút “mười hai phút đã trôi qua…năm phút nữa…mười lăm phút đi…mười lăm phút về” [73, tr.1126]. Nó thể hiện sự khủng hoảng, sự đợi chờ dồn nén, căng thẳng trong tinh thần Anna. Đặc biệt trong vũ hội, khi Anna và Vronsky nhảy cùng nhau, thời gian như ngừng trôi.
Bên cạnh không gian, thời gian giao tiếp, ngôn ngữ môi trường còn được biểu hiện ở tính kề cận và khoảng cách đối thoại. Khoảng cách (xa - gần) nói lên mức độ quan hệ, tin cậy và sự thân thiết của những người đang tham gia giao tiếp. Khoảng cách đối thoại của Anna Karenina phong phú và đa dạng. Nhân vật có lúc ngồi sát bên nhau, có khi lại đứng từ xa. Để Doly cảm nhận hết được tấm lòng và tình cảm, mong muốn hàn gắn hạnh phúc gia đình cho anh chị, Anna đã “ngồi sát bên chị dâu” [73, tr.79]. Sau này khi Doly đến thăm Anna ở nông thôn, nàng cũng chọn cách ngồi thật gần ấy: “Nàng vừa nói, vừa đứng dậy, lại ngồi bên Doly” [73, tr.673]. Đôi khi cũng có những khoảng cách xa như khi Levin nằm dưới đống cỏ và nhìn ngắm bầu trời, suy ngẫm. Khi Vronsky xuất hiện lúc 9h30 ở nhà Oblonsky, Anna nhìn xuống và gật đầu chào từ trên tầng hai. Một số
giao tiếp khác trong tiểu thuyết gây ấn tượng cho người đọc như: kiểu “đi qua nhau” của Anna và Vronsky ở ga tàu. Đôi khi là sự đối diện trực tiếp, áp sát cơ thể như khi Vronsky nhảy với Anna trong buổi vũ hội, cảnh Levin và Kitty nắm tay nhau khi trượt băng, ngồi ở bàn nhỏ trong nhà Doly, hôn nhau dưới chân cầu thang. Khoảng cách giao tiếp còn là cái nhìn “qua gương”. Đặc biệt là những cao trào của tình yêu và sự gần gũi của các nhân vật thông qua các hành động như ôm, hôn. Khoảng cách đối thoại trong các tình huống xác định mối quan hệ giữa các nhân vật tham gia vào quá trình giao tiếp như độ thân quen, mức độ thân mật và những diễn biến tâm lí của nhân vật.
Ngôn ngữ môi trường còn biểu hiện ở một số yếu tố như ánh sáng, nhiệt độ, mùi vị. Ánh sáng trong tuyến nhân vật Levin chủ yếu là nguồn sáng tự nhiên như mặt trời, trăng, sao...Bên cạnh đó là nguồn sáng được phát ra từ đèn. Ánh sáng trong nhà thờ khi đám cưới của Levin – Kitty sáng trưng, rực rỡ từ của các ngọn nến. Ánh sáng ngập tràn trong buổi lễ hội: “Người khách đứng đợi ở ngọn đèn phòng chờ (...) cầu thang lớn trang trí đầy hoa và tràn ngập ánh sáng” [73, tr.87 – 88 - 576]. Và ánh sáng rực rỡ của rạp hát tượng trưng cho sự đối lập giữa không gian rộng lớn, tráng lệ và tâm trạng bi kịch, tủi nhục của Anna khi đối mặt với dư luận xã hội: “Rạp sáng trưng, những chùm đèn treo và đèn đất bằng đồng đen, tiếng vỗ tay vẫn kéo dài” [73, tr.576].
Căn phòng đặt bức chân dung Anna được miêu tả với một sắc thái rực rỡ, gây ấn tượng mạnh với Levin: “Phòng làm việc rải thảm mềm chỉ có một ngọn đèn che chụp, sẫm chiếu sáng. Một tấm kính phản chiếu treo trên tường hắt sang vào bức chân dung phụ nữ vẽ toàn thân khiến Levin bất giác chú ý…Levin ngắm nghía bức chân dung như đang ra khỏi chiếc khung dưới ánh sáng rực rỡ” [73, tr.734]. Cuối tác phẩm là hình ảnh ánh sáng lờ mờ của ngọn nến sắp tàn: “ngắm mãi trong ánh sáng lờ mờ của ngọn nến sắp tàn những đường cong của gờ tường trên trần nhà bị bóng tấm bình phong làm tối sầm một góc” [73, tr.791].
Trong cơn bão tuyết, nhiệt độ lạnh buốt sau đó lại nóng bỏng thực ra là do tâm trạng đầy mâu thuẫn của nhân vật Anna: “luồng hơi nước nóng bỏng chuyển từ nóng sang lạnh, rồi lại từ lạnh chuyển sang nóng” [73, tr.112]. Khi mối quan hệ của Anna và Vronsky trở nên căng thẳng, thời tiết nóng bức và bụi bặm của
Moskva vào mùa hè càng khiến cho tâm trạng của Anna thêm tồi tệ hơn: “Quả là không chịu nổi đối với cả Vronsky lẫn Anna. Nắng thiêu đốt như vào hè, mặc dầu còn đang xuân và cây cối ở các thành phố lớn từ lâu đã sum suê và lá đã phủ đầy bụi” [73, tr.778]. Trên chuyến tàu Anna đi tìm Vronsky, không khí mát dịu và trong lành cũng không thể khiến tâm trạng Anna tốt hơn: “Mặt trời xế bóng, chiếu những tia nắng chói qua cửa sổ và một làn gió nhẹ thổi bay màn cửa lên. Anna quên hẳn những hành khách ngồi bên cạnh, và lắc lư nhè nhẹ theo nhịp tàu, nàng lại vừa tiếp tục nghĩ, vừa hít thở không khí mát dịu” [73, tr.1140].
Cũng như ánh sáng, nhiệt độ, mùi vị cũng có nhiều cấp độ. Đó là mùi thơm âm ấm, dìu dịu của Xerioja làm Anna không bao giờ quên: “cái mùi thơm âm ấm, dìu dịu của trẻ con đang ngủ bao bọc lấy nàng rồi dụi mặt vào vai và cổ nàng” [73, tr.564]; là mùi sơn trên tường làm nàng khó ngửi; mùi bánh mì và pho mát làm nàng ghê sợ. Mùi vị cuối cùng trước khi Anna chết là mùi vị trong lành của không khí cũng không làm Anna thấy dễ chịu hơn. L.Tolstoy không ngần ngại đưa mùi hoa cúc với mùi phân đồng ruộng vào tác phẩm để diễn tả sự gắn bó của Levin với với thiên nhiên, lao động.
Như vậy, khi đưa các yếu tố như đôi mắt, nét mặt, đồ vật vào trong tác phẩm, nhà văn đã không lấy việc liệt kê làm mục đích. L.Tolstoy sử dụng bút pháp tạo hình phi ngôn từ hết sức phong phú và đa dạng. Từ sắc thái biểu đạt và ý nghĩa biểu tượng, chúng đã nói được nhiều hơn thế. Chúng trở thành một phần quan trọng trong việc khắc họa tâm trạng, tính cách nhân vật. Những thay đổi về tâm lí đều dẫn đến những biến đổi về nét mặt, cử chỉ, sắc thái…Không những thế, qua diện mạo, cử chỉ được nhìn từ nhân vật khác, người đọc sẽ cảm nhận được tính cách, tâm lí của nhân vật, cũng như tình cảm, thái độ của người đối diện. Đây là một trong những lí do giải thích sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết đối với các nhà đạo diễn và thuận lợi cho việc định hướng dàn dựng bối cảnh,