Quan điểm chỉ đạo

Một phần của tài liệu Đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay (Trang 86)

7. Kết cấu của luận văn

3.1.Quan điểm chỉ đạo

3.1.1. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới thực hiện chính sách dân tộc

Vấn đề đổi mới thực hiện chính sách dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, cùng với quá trình đổi mới đất nước, việc đổi mới thực hiện chính sách dân tộc cũng được đề cập và thực hiện mạnh mẽ, thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng.

Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Đảng ta đã xác định: “...phải có chính sách và tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc miền núi vươn lên mạnh mẽ, phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, coi trọng đào tạo cán bộ người dân tộc; tôn trọng và phát huy những phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Nền văn minh ở miền núi phải được xây dựng trên cơ sở mỗi dân tộc phát huy bản sắc văn hóa của mình, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác và góp phần phát triển nền văn hóa chung của cả nước, tạo ra sự phong phú, đa dạng trong nền văn minh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.[24, tr.1214]. Đặc biệt trong nghị quyết này, Đảng ta đã chỉ ra một số các chủ trương và chính sách lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội miền núi và cả vấn đề đổi mới thực hiện chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực khác nhau. Cũng trong nghị quyết này Đảng ta

đã bổ sung chính sách, chế độ đối với cán bộ người dân tộc cũng như người miền xuôi công tác ở địa bàn miền núi, nhất là cán bộ công tác ở vùng cao, vùng hẻo lánh, hải đảo.

Sau nghị quyết trên, vấn đề đổi mới thực hiện chính sách dân tộc đã triển khai và phát triển trong nghị quyết của các kỳ Đại hội và hội nghị của Đảng ta. Tiêu biểu là Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc. Nghị quyết đã nêu lên năm quan điểm cơ bản nhằm chỉ đạo việc thực hiện chính sách dân tộc:

“ - Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam.

- Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc.

- Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc, quan tâm, phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng dân tộc Việt Nam thống nhất.

- Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi, trước hết tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc, đồng thời tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương

và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước.

- Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chín trị. ”[20, tr.34 - 35]

Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX cũng đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo đổi mới thực hiện chính sách dân tộc trong những năm đầu của thế kỷ XXI: “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới. Xem việc quán triệt và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.”[20, tr.40], “Đổi mới nội dung và phương pháp công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc; quán triệt phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc; sử dụng nhiều phương thức phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương. Cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi phải quán triệt và thực hiện thật tốt công tác dân vận : “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”.[20, tr.42]. Đây là những quan điểm chỉ đạo khoa học của Đảng nhằm thực hiện tốt chính sách dân tộc ở nước ta. Những quan điểm này là cơ sở lý luận quan trọng tạo nên những thành tựu to lớn của công tác dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian qua.

3.1.2. Quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế

Chính sách dân tộc dù có được hiểu theo nghĩa chính sách quốc gia dân tộc hay chính sách dân tộc - tộc người thì khi đưa vào quá trình thực hiện nó cũng có những điểm chung, với hai cấp độ chủ yếu là trung ương và địa phương. Do đó, chính sách dân tộc ở trung ương là chính sách ở cấp chiến lược, vĩ mô do các cơ quan quan trọng của nhà nước và chính phủ vạch ra. Bên cạnh đó các địa phương cũng có những chính sách được áp dụng trong

phạm vi thẩm quyền của mình cho phù hợp với thực tiễn địa phương trên những nguyên tắc chung của chính sách và pháp luật quốc gia. Thực hiện tinh thần trên, dựa trên những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, căn cứ vào đặc thù vùng dân tộc và miền núi của tỉnh, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc bằng những định hướng cụ thể.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIII đã đưa ra phương hướng phát triển vùng gò đồi, miền núi: “Tập trung đầu tư hình thành vùng kinh tế tổng hợp nông - lâm - công nghiệp chế biến, phát triển kinh tế trang trại, dịch vụ, du lịch. Xác định rừng kinh tế, cây công nghiệp (cao su, cà phê), kinh tế vườn, chăn nuôi gia súc, khai thác khoáng sản là hướng chủ yếu để thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tiếp tục hoàn chỉnh và thực hiện tốt các chương trình mục tiêu134, 135; các dự án thủy lợi, thủy điện. Áp dụng các chính sách thu hút vốn đầu tư công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên công nghiệp chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số sớm thoát nghèo, kiên quyết chống tái nghèo trở lại. Phấn đấu đến năm 2010, không còn các xã đặc biệt khó khăn. Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, kết hợp chặt chẽ quốc phòng an ninh với kinh tế, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng mối quan hệ hữu nghị với các tỉnh Salavan, Sêkông.”[51, tr.60-61] .

Trên những thành tựu đã đạt được, Dự thảo báo cáo chính trị của ban chấp hành đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (khóa XIII) trình đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV tiếp tục khẳng định: “Xây dựng và phát triển vùng gò đồi - miền núi, hình thành một vùng kinh tế nông - lâm - công nghiệp chế biến gắn với phát triển dịch vụ du lịch theo hướng bảo vệ

cảnh quan và phát triển bền vững. Khai thác có hiệu quả tiềm năng thủy điện và khoáng sản. Phát triển các vùng sản xuất cây công nghiệp, rừng nguyên liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm trở thành một ngành kinh tế làm giàu. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng các vùng kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là khu kinh tế A Đớt. Giữ vững một quan hệ hữu nghị đặc biệt với các tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới”[52, tr.25].

Những định hướng trên là một trong những tiền đề quan trọng để đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể nhằm đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay (Trang 86)