a) Cải thiện chính sách đất đai
Phương hướng phát triển kinh tế của Thái Bình là phát triển KCN. Mục tiêu mà Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đề ra là tập trung thu hút được nhiều các nguồn vốn từ bên ngoài vào Tỉnh. Trong đó đặc biệt chú trọng đến nguồn vốn FDI. Để
đẩy nhanh quá trình thu hút vốn FDI và triển khai các dự án FDI ở các KCN, tỉnh Thái Bình đã lập kế hoạch quy hoạch phát triển KCN đến năm 2020. Với 12 KCN có tổng diện tích quy hoạch là 1871 ha. Như vậy, số diện tích đất quy hoạch là rất lớn. Điều đó cho thấy nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng và làm mọi thủ tục liên quan đến việc cho thuê đất là rất nặng nề, cấp bách, đòi hỏi Tỉnh phải có các biện pháp cụ thể và thiết thực hơn nữa nhằm giải quyết những khó khăn, tồn tại trong công việc này như: diện tích đất nằm trong qui hoạch chủ yếu là đất nông nghiệp, đường giao thông đi lại vào khu vực này là rất khó khăn, chưa nói đến vấn đề san, lấp làm phẳng mặt bằng.
Ngoài ra, đối với những phần đất quy hoạch nằm trong diện đền bù cũng gặp nhiều khó khăn. Nông dân ở một số huyện không chấp nhận giá đền bù mà Tỉnh đưa ra, họ thường yêu cầu một giá trị cao hơn. Thông thường, UBND Tỉnh có trách nhiệm lập phương án bồi thường, cùng chính quyền địa phương triển khai thực hiện phương án bồi thường, hướng dẫn chủ đầu tư chi trả tiền bồi thường cho chủ được bồi thường. Trường hợp người có đất khiếu nại về phương án đền bù, UBND Tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết các vướng mắc. Nhưng ở Thái Bình, chính doanh nghiệp phải tham gia đàm phán với người nông dân để xác định giá đền bù, như vậy làm tăng thêm khó khăn cho nhà đầu tư.
Để khắc phục những khó khăn này Tỉnh cần phải:
- Trong giai đoạn 2010-2020 tỉnh Thái Bình cần xây dựng nguồn kinh phí khoảng 25 - 30 tỷ VNĐ để hỗ trợ cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tạo và làm mới các tuyến đường giao thông trên trục đường đi vào các khu quy hoạch. Xây dựng, làm mới các trạm cung cấp điện, nước cho các KCN trong khu vực quy hoạch.
- Khuyến khích các dự án đầu tư vào KCN tự làm công việc cải tạo cơ sở hạ tầng.
- Nhanh chóng tiến hành san, lấp, giải toả mặt bằng quy hoạch. Tập trung huy động các phương tiện hiện đại giải quyết việc san, lấp, ủi mặt bằng. Huy động một lực lượng lao động đáng kể tham gia thực hiện công việc này. Bên cạnh đó khuyến khích các chủ đầu tư FDI dùng các phương tiện máy móc hiện đại của mình để tham gia cùng thực hiện.
- Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng phải nhất quán, biện pháp phải kiên quyết, dứt điểm không để tình trạng dây dưa làm ảnh hưởng thời cơ và hiệu quả đầu tư. Điều này không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền mà còn cần sự nhận thức, sựủng hộ của người dân vì sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
- Đồng thời cần có những biện pháp kịp thời và nghiêm khắc đối với những trường hợp làm trái pháp luật về đất đai, gây phiền hà, cản trở đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng.
b) Tăng cường hơn nữa các chính sách ưu đãi và khuyến khích FDI
• Hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, rà phá vật liệu nổ
Đối với các khu đất được quy hoạch để hình thành các KCN, UBND Tỉnh nên:
- Hỗ trợ 100% kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá vật liệu nổ trên lô đất mà chủ đầu tư thuê để thực hiện dự án.
- Hỗ trợ 50% đối với các trường hợp khác
• Hỗ trợ đào tạo
- Tỉnh đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp FDI. Nhà đầu tư không mất chi phí cho việc đào tạo lao động.
- Trường hợp doanh nghiệp tự đào tạo lao động thì sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo. Hỗ trợ này chỉ áp dụng đối với số lao động là người địa phương được tuyển lần đầu và ký hợp đồng dài hạn.
- Khoản hỗ trợ này nằm trong kế hoạch chi ngân sách thường xuyên của Tỉnh.
• Chính sách một giá
Giá nước sạch, nước thô, chi phí thu gom rác, phí xây dựng và các chi phí khác (thông tin, quảng cáo ...) thuộc thẩm quyền quyết định của Tỉnh được áp dụng thống nhất một giá cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.