Những yếu tố quy định các hình thức ghép

Một phần của tài liệu phương pháp tiếp cận cá thể hóa trong dạy học tiếng việt ở lớp ghép (Trang 34)

Việc tạo ra những tổ hợp ghép như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết do những yêu cầu thực tế mà có kiểu ghép đôi, ghép ba, ghép bốn… Riêng về kiểu ghép đôi, việc nghiên cứu đặc điểm của tâm lí lứa tuổi và những

khó khăn của giáo viên đứng lớp đã đưa ra kết luận ghép đôi kiểu lớp 6+8, lớp 7+9 tốt hơn kiểu ghép 6+7, 8+9. Kinh nghiệm cũng cho thấy, ghép đôi đồng môn trong một giờ học tốt hơn ghép đôi khác môn vì tạo được thuận lợi hơn cho cả thầy và trò [1; 89 - 90].

Dựa vào đặc điểm, nội dung chương trình môn tiếng Việt ở trung học, chúng ta có thể xây dựng giờ học cho cả lớp lớn theo một đề tài (một bài học) chung. Nội bộ chương trình tiếng Việt trung học có nội dung đồng tâm: một số khái niệm được đưa ra nhiều lần ở những lớp khác nhau. Nhưng lần đầu chỉ đưa ra những khái niệm để học sinh làm quen với khái niệm, nhận ra những dấu hiệu trực tiếp tác động vào giác quan, không hướng đến mở ra toàn bộ nội dung. Lần sau sẽ hướng học sinh chú ý đến những dấu hiệu mới, dần dần mở ra toàn bộ nội dung khái niệm. Ví dụ, danh từ được dạy ở cả lớp 6,7,8. Những bảng từ cung cấp cho học sinh ở các lớp có thể bao hàm nhau. Ví dụ, một chủ đề nào đó được học ở lớp 6, lớp 7. Một kiểu bài chính tả được dạy ở nhiều lớp bằng những ngữ liệu khác nhau. Cả lớp lớn học cùng một đề tài đã có sự soạn lại yêu cầu và nhiệm vụ cho phù hợp với từng lớp con đồng thời tạo điều kiện cho các lớp con bổ sung kiến thức cho nhau.

Soạn thảo nội dung tài liệu dạy học tiếng Việt cụ thể theo các tổ hợp ghép khác nhau là một công việc đòi hỏi rất nhiều công sức và sự sáng tạo.

Một phần của tài liệu phương pháp tiếp cận cá thể hóa trong dạy học tiếng việt ở lớp ghép (Trang 34)