NGÀNH THAN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
1) Công nghệ khai thác than hầm lò.
Từ năm 1995 trở lại đây, công nghệ khai thác than hầm lò có những bước phát triển vượt bậc về sản lượng, năng suất lao động và hiệu quả khai thác với mức tăng trưởng các chỉ tiêu hàng năm đạt 15 -20%. Sản lượng khai thác hầm lò tăng hơn 4,5 lần; từ 2,44 triệu tấn năm 1995 lên 11,4 triệu tấn
năm 2005. Đạt được những tăng trưởng các chỉ tiêu khai thác hầm lò là do những năm qua, các đơn vị khai thác đã đổi mới nhiều trong công nghệ đào lò và khai thác. Trong lò chợ đã chuyển đổi từ chống gỗ sang chống bằng cột thuỷ lực, trong nhiều gương lò đã chuyển đổi khâu khoan, xúc bốc thủ công sang sử dụng thiết bị cơ giới. Tuy nhiên so với trình độ công nghệ khai thác than của nhiều nước trên thế giới, sự cố gắng đổi mới nêu trên mới chỉ là ở bước đầu của quá trình phát triển. Thực chất công nghệ khai thác hầm lò hiện nay vẫn là mang tính truyền thống: khấu than bằng khoan nổ mìn gắn liền với việc tổ chức sản xuất không liên tục và các công đoạn sản xuất thủ công nặng nhọc. Chính vì thế, năng xuất và sản lượng khai thác hầm lò còn thấp. Theo quy hoạch, từ năm 2020, sản lượng khai thác than bằng phương pháp hầm lò vượt sản lượng than khai thác bằng phương pháp lộ thiên gần 10 lần. Điều này không cách gì khác là phải đổi mới công nghệ.
2) Công nghệ khai thác mỏ lộ thiên.
Đa số các mỏ khai thác lộ thiên có hệ thống khai thác với góc dốc bờ công tác được nâng cao nên một phần đất đá thải được đẩy lùi sang giai đoạn sau, chế độ công tác mỏ hợp lý hơn, tuy nhiên việc đổ thải còn những bất cập nên cần phải có các giải pháp điều chỉnh quy hoạch, thiết kế kịp thời. Trong
công tác khoan, tuy đã đầu tư các loại máy khoan đập xoay thuỷ lực đường kính nhỏ song vẫn còn sử dụng loại máy khoan CБШ-250 MH với đuờng kính 250 mm, năng suất thấp, cồng kềnh, kém cơ động. Trong công tác nổ mìn, việc nạp lỗ vẫn thủ công. Công tác xúc bốc có những tiến bộ đáng kể, từ năm 2000 các doanh nghiệp đã đầu tư đưa dây chuyền công nghệ xúc bốc bằng các máy xúc thuỷ lực hiện đại có năng xuất cao của các Hãng Caterpillar, Komatsu…:CAT-5090, CAT-385B, EX-750, PC-400…Công tác
vận tải trong mỏ cũng như từ khai trường đến địa điểm sàng tuyển đã đang được chú trọng.
3) Công nghệ trong nhà máy tuyển.
Hiện nay đang áp dụng một số công nghệ tuyển: huyền phù nặng, sàng bãi thải, xoáy lốc nước, máng xoắn, nổi và kết tụ dầu. Qua kết quả khảo sát, thống kê phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động của các thiết bị chính trong 2 nhà máy tuyển có thể đưa ra những nhận xét sau đây:
- Các thiết bị trong khâu chuẩn bị than nguyên khai đều hoạt động với công suất nhỏ hơn so với công suất thiết kế và hoàn toàn có khả năng nâng cao năng suất khi có yêu cầu.
- Hệ thống máy lắng than không phân cấp chưa có hiệu quả cho than cục cấp +6 mm, than lẫn trong đá thải còn cao (8-12%). Hệ thống tuyển xoáy lốc huyền phù, các thiết bị xử lý bùn nước bị quá tải trầm trọng và cũng do vậy làm giảm chất lượng chung của sản phẩm than sạch nên cần đầu tư bổ sung hệ thống tuyển máng xoắn và phục hồi hệ thống thiết bị lọc ép xử lý bùn thu hồi nước tuần hoàn.
4) Tình hình cơ giới hoá và tự động hoá trong các doanh nghiệp.
Công việc này đang rất được chú trọng, tuy nhiên còn nhiều bất hợp lý (chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật thấp, tiêu hao điện năng lớn, các chỉ tiêu điều khiển trong các dây chuyền công nghệ phức tạp của ngành than…) thiếu tính đồng bộ (hầu hết các dây chuyền công nghệ đều được dẫn động bằng động cơ điện xoay chiều không đồng bộ)… Mới chỉ chú trọng áp dụng các hệ thống thông tin điện thoại để điều hành sản xuất, chưa có các hệ thống thông tin chỉ huy, điều độ sản xuất và toàn doanh nghiệp; đặc biệt chưa có hệ thống giám sát từ xa nên điều hành sản xuất còn hạn chế; chưa có khả năng phản ứng nhanh chóng, kịp thời để điều hành, khắc phục nhanh các sự cố trong quá trình sản xuất.
5) Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các doanh nghiệp.
Việc ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp đã khá phổ biến, không ngừng đầu tư. Tuy nhiên chủ yếu phục vụ cho soạn thảo văn bản, tiếp theo công tác kế toán-tài chính và mới bắt đầu thực hiện (còn rất hạn chế và còn nhỏ lẻ) công việc mô hình hoá các công tác thiết kế, theo dõi khai trường…Các doanh nghiệp đã có mạng cục bộ, mới 10% đơn vị có trang Web song việc khai thác thông tin chưa chú trọng, việc chia sẻ thông tin với bên ngoài còn rất hạn chế.
6) Công tác tổ chức quản lý và nhân lực.
Tại vùng than từ lâu đã tồn tại một cơ cấu lao động bất hợp lý (số công việc chỉ phù hợp cho đàn ông, chưa có điều kiện giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động dôi dư…Năng xuất lao động tăng bình quân trên 20% năm. Công nhân có mức lương bình quân trên 3 triệu đồng tháng. Công tác đào tạo
nhìn chung đã vượt yêu cầu về số lượng cán bộ tốt nghiệp đại học, trung học, công nhân kỹ thuật tuy nhiên về chất lượng thật sự còn những bất cập.