Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức đã được Thành uỷ, chính quyền Thành phố quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Bên cạnh những thành tích đạt được trong đào tạo, bồi dưỡng công chức theo chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của Trung ương về đối tượng, nội dung, chương trình,
phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng, Thành phố đã có một số chính sách, cách làm sáng tạo mới là:
+ Ngày 02/10/2002 Thành uỷ đã ban hành Quyết định số 209/QĐ- TU về việc tổ chức hoạt động của chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ trẻ năm 2001- 2005. Việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của chương trình được thực hiện tại các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài, với yêu cầu đào tạo ngang với các nước phát triển.
+ Thực hiện đào tạo ngoại ngữ cho một số công chức trong diện quy hoạch tại nước ngoài bằng nguồn ngân sách Thành phố và các nguồn khác.
+ Ngày 10/7/2002 Thành uỷ ban hành Quyết định số 375/ QĐ- TU quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ được luân chuyển theo quy hoạch. Trong đó đã tạo điều kiện về nhà ở công vụ; bảo lưu lương khi công chức được luân chuyển đến vị trí công việc có mức lương thấp hơn; hỗ trợ kinh phí đào tạo; được hưởng nguyên lương trong thời gian được cử đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài, đài thọ 100% kinh phí đào tạo được trợ cấp thêm từ 500 000 đ đến 700 000 đ/ tháng nếu đào tạo tập trung tại Hà Nội và từ 50 USD đến 60 USD nếu đào tạo ở nước ngoài, được trợ cấp 5 000 000 đ sau khi bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và 10 000 000 đ sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, được hỗ trợ thêm 200 000 đ đến 300 000 đ/ tháng nếu được luân chuyển đến huyện Cần Giờ.
+ Ngày 03/12/2003 Thành uỷ có thông báo số 525/TB-TC về biên chế, tiền lương của cán bộ, công chức được cử đi học trung dài hạn, theo đó công chức được cử đi học trung dài hạn được chuyển sang biên chế dự trữ không làm ảnh hưởng đến biên chế và tiền lương của công chức đang làm việc, thời gian công chức đi học vẫn được xét nâng bậc lương và theo thành tích học tập, coi đi học là một nhiệm vụ công tác.
+ Ngày 13/9/2004 Ban Tổ chức Thành uỷ có công văn số 1062/CV-TC hướng dẫn chế độ trợ cấp cho cán bộ diện quy hoạch của Thành uỷ công tác
tại xã, phường, thị trấn được trợ cấp thêm 200 000 đ/ tháng đối với ở phường và 400 000 đ/ tháng đối với công tác ở xã, thị trấn.
+ Ngày 05/8/2005 UBND Thành phố ban hành Quyết định số 140/ 2005/QĐ-UB về chế độ chính sách khuyến khích người có trình độ đại học công tác tại xã, phường, thị trấn: Được ưu tiên tuyển dụng nếu đủ điều kiện và thích ứng với công việc, được hỗ trợ thêm từ 400 000 đ đến 800 000 đ/ người/ tháng theo hình thức đào tạo chính quy, tại chức và ở phường, xã, thị trấn.
Có thể nói cùng với chính sách khuyến khích đào tạo công chức và chính sách hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh đã thúc đẩy đội ngũ công chức của Thành phố tích cực học tập, nâng cao năng lực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo yêu cầu tình hình, nhiệm vụ mới. Đây là một kinh nghiệm quý để các địa phương học tập.