Việc nghiên cứu thuật ngữ ở Việt Nam được bắt đầu từ những năm 30- 40 của thế kỷ XX. Phải kể đến là cuốn Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn, xuất bản năm 1942. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử và xã hội, vấn đề thuật ngữ thực sự trở thành mối quan tâm lớn của các nhà khoa học Việt Nam vào những năm 60 của thế kỷ XX ( Hội nghị bàn về vấn đề xây dựng thuật ngữ khoa học, 28-29/12/1964; hội nghị trưng cầu ý kiến về vấn đề dùng thuật
ngữ khoa học tháng 5/1965 ). Một Hội đồng Thuật ngữ - Từ điển khoa học do GS Nguyễn khánh Toàn là Chủ tịch đã ra đời. Vào tháng 6/1966, Viện Khoa học Xã hội nhân văn (tiền thân của Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam) đã công bố áp dụng tạm thời bản “Quy tắc phiên thuật ngữ khoa học nước ngoài (gốc Ấn -Âu) ra tiếng Việt”. Rất nhiều nhà ngữ học Việt Nam đã đi sâu vào nghiên cứu bản chất của thuật ngữ như: Lê Khả Kế, Hoàng Văn Hành, Lưu Vân Lăng, Nguyễn Văn Tu, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thiện Giáp,...
Có thể trích dẫn ra đây một vài định nghĩa tiêu biểu về thật ngữ của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam. Các tác giả Lưu Vân Lăng và Nguyễn Như Ý trong khi định nghĩa thuật ngữ đã khoanh vùng cho các khái niệm mà lớp từ vựng này phục vụ:
“Thuật ngữ là bộ phận ngôn ngữ (từ vựng) biểu đạt các khái niệm khoa học, là thuộc tính của khoa học, kỹ thuật, chính trị, tức là những lĩnh vực của xã hội đã được tổ chức một cách có trí tuệ ” [29, tr.114].
Rõ ràng, cụ thể hơn định nghĩa trên và có chỉ ra cả một số đặc điểm của thuật ngữ là định nghĩa của tác giả Nguyễn Văn Tu:
“Thuật ngữ là những từ và cụm từ cố định để chỉ những khái niệm của một ngành khoa học nào đó, ngành sản xuất hay ngành văn hoá nào đó,..v.v... Đặc điểm của thuật ngữ là từ chỉ có một nghĩa, không có từ đồng nghĩa, không có sắc thái tình cảm, có thể có tính chất quốc tế ( tuỳ từng ngành)”[46, tr.114]. Trong định nghĩa này tác giả Nguyễn Văn Tu đã có quan điểm gần như thống nhất với các nhà ngôn ngữ học Âu - Mỹ về bản chất và đặc điểm của thuật ngữ. Ông đã khẳng định “thuật ngữ là từ và cụm từ cố định” có chức năng định danh, có đặc điểm đơn nghĩa. Ngoài ra ông còn nói đến tính quốc tế của thuật ngữ, dù vào thời điểm đó, ông cho rằng nó chỉ tuỳ vào từng ngành, nhưng cho tới nay, khi sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm
cho việc giao tiếp quốc tế dễ dàng, thì tính quốc tế đã trở thành một đặc tính không thể thiếu được của hầu hết mọi thuật ngữ.
Nhà nghiên cứu Đái Xuân Ninh cũng đưa ra quan niệm như sau về thuật ngữ: “Thuật ngữ là từ hoặc cụm từ biểu đạt chính xác một khái niệm của ngôn ngữ, nhưng chỉ tồn tại trong một hệ thống thuật ngữ cụ thể, nghĩa là nó chỉ được dùng trong ngôn ngữ chuyên môn. Toàn bộ các thuật ngữ của một lĩnh vực sản xuất, hoạt động, tri thức tạo nên một lớp từ đặc biệt tạo thành một hệ thống thuật ngữ” [36, tr.64]. Quan niệm này nêu bật tính chính xác, tính hệ thống, phạm vi hành chức của thuật ngữ.
Như vậy có thể hiểu thuật ngữ là những từ ngữ làm tên gọi cho các khái niệm, các đối tượng được xác định một cách chặt chẽ, chuẩn xác trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực khoa học chuyên môn.
- Ví dụ: Trong sinh vật học ta có: họ, loài, giống, bộ, lớp, ngành, đột biến, di truyền, tính trội, tính lặn, biến dị, phân bào, đơn bào, đa bào, miễn dịch, kháng thể, kháng nguyên,...
Trong ngôn ngữ học ta có: âm vị, hình vị, từ vị, cú vị, nghĩa vị, ngữ pháp vị, âm tố, âm vực, nguyên âm, phụ âm, bán nguyên âm, âm tiết, âm đệm, âm chính, âm cuối, âm đoạn, âm vực,...
Mỗi môn khoa học, kĩ thuật đều có một hệ thống thuật ngữ của mình. Tuy nhiên, đó không phải là những từ vựng biệt lập mà chúng là những bộ phận riêng trong từ vựng của một ngôn ngữ thống nhất.
Thuật ngữ luôn luôn biểu thị khái niệm được xác định trong một ngành khoa học và lệ thuộc vào hệ thống khái niệm của ngành đó. Trong các khoa học còn có danh pháp (danh từ khoa học) của từng ngành. Danh pháp và thuật ngữ không phải là một. Danh pháp chỉ là toàn bộ tên gọi cụ thể của các đối tượng
được dùng trong từng ngành khoa học mà thôi. Chẳng hạn, nếu ta có một danh sách về tên các loài thực vật ở Việt Nam: xoan, muồng, bằng lăng, lát hoa, lát vân, lim, sến, táu, dổi, dẻ, xoan đào,... thì đó là danh pháp thực vật Việt Nam.
So với từ ngữ thông thường thì thuật ngữ có ngoại diên hẹp hơn nhưng nội hàm sâu hơn và được biểu thị một cách logic chặt chẽ hơn. Trong thuật ngữ không bao giờ biểu thị những sắc thái phụ như thái độ đánh giá của người nói, xấu nghĩa hay đẹp nghĩa, khen hay chê, kính trọng hay xem thường,... Từ ngữ bình thường cũng biểu thị khái niệm nhưng đó là “khái niệm đời thường” chứ không hẳn là “khái niệm khoa học”, có tính nghiêm ngặt của nó.
- Ví dụ: NƯỚC – “hợp chất của ô-xi và hi-đrô” khác với NƯỚC trong
nước mắt, nước dãi, nước bọt, nước tiểu, mỡ nước, nước phở, nước xốt, nước mắm, nước mưa, nước ao...
1.3. THUẬT NGỮ TOÁN HỌC THÔNG DỤNG
Khi trình bày về khái niệm thuật ngữ Toán học thông dụng, các tác giả Ngô Thúc Lanh - Đoàn Quỳnh - Nguyễn Đình Trí đã giải thích: "Cuốn từ điển Toán học thông dụng này nhằm mục đích định nghĩa và giải thích các thuật ngữ Toán học thông dụng trong Toán học phổ thông và Toán học đại học (hai, ba, năm đầu không kể các chuyên đề)" [27, tr.3].
Từ đó, chúng tôi xác định thuật ngữ Toán học thông dụng là những từ, những ngữ định danh để gọi tên các khái niệm… thuộc về lĩnh vực Toán học phổ thông và Toán học đại học (hai, ba năm đầu không kể các chuyên đề).
Đối với thuật ngữ tiếng Việt, chúng tôi dựa vào cách xác định thuật ngữ Toán học thông dụng của Ngô Thúc Lanh – Đoàn Quỳnh – Nguyễn Đình Trí. Các tiêu chí để chúng tôi lựa chọn phân tích và so sánh đối chiếu là những
thuật ngữ Toán học thông dụng cốt lõi, được in bằng chữ in hoa đậm trong từ điển này.
Đối với thuật ngữ tiếng Anh, chúng tôi dựa vào từ điển Anh – Việt (khoảng 17 000 từ) của nhà xuất bản KH và KT (1976) để trên cơ sở đó lựa chọn các thuật ngữ Toán học thông dụng tiếng Anh tương đương với các thuật ngữ Toán học thông dụng tiếng Việt.
TIỂU KẾT
Trong chương 1, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu cơ sở lý luận của đề tài về những vấn đề sau:
Từ vựng và các đơn vị từ vựng
Khái niệm từ vựng được dùng với nghĩa rộng nhất: tập hợp tất cả các từ của một ngôn ngữ, không phân biệt tiêu chuẩn tập hợp. Từ vựng là chất liệu cần thiết để tạo nên ngôn ngữ.
Các đơn vị của từ vựng là từ và ngữ định danh.
So với các ngôn ngữ Ấn - Âu thì từ của tiếng Việt là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa. Trong các ngôn ngữ Ấn - Âu, từ có thể đơn tiết, có thể đa tiết. Trong Việt ngữ, mỗi từ là một âm tiết, nếu phân tích từ thành những bộ phận nhỏ hơn nữa thì chỉ có thể thu được những âm vô nghĩa. Từ của tiếng Việt là một chỉnh thể nhỏ nhất có ý nghĩa dùng để tạo câu nói; nó có hình thức của một âm tiết, một khối viết liền.
Ngữ định danh là những cụm từ biểu thị các sự vật, hiện tượng hay khái niệm nào đó của thực tế.
Thuật ngữ
Khái niệm thuật ngữ được hiểu là bộ phận từ ngữ đặc biệt của ngôn ngữ. Nó bao gồm những từ và cụm từ cố định là tên gọi chính xác của các loại khái niệm và các đối tượng thuộc các lĩnh vực chuyên môn của con người.
Cấu tạo thuật ngữ bao gồm từ và ngữ định danh.
Trên cơ sở của những định nghĩa đã được nêu trong chương 1 về thuật ngữ có cấu tạo là từ và thuật ngữ có cấu tạo là ngữ định danh, chúng tôi đề xuất gọi tên các thuật ngữ có cấu tạo là từ là những thuật ngữ đơn và các thuật ngữ có cấu tạo là ngữ định danh là những thuật ngữ phức.
Các đặc trưng của thuật ngữ được thể hiện là tính khoa học, tính dân tộc, tính đại chúng và tính quốc tế.
Chúng tôi điểm qua một số quan niệm về thuật ngữ trên thế giới và những nghiên cứu về thuật ngữ ở Việt Nam.
Cuối cùng, chúng tôi đã đưa ra khái niệm về thuật ngữ Toán học thông dụng. Những vấn đề đã được nghiên cứu ở chương 1 sẽ là cơ sở lí luận cho việc nghiên cứu những đặc điểm của thuật ngữ Toán học thông dụng tiếng Anh và tiếng Việt trong chương 2.
CHƯƠNG 2
ĐẶC ĐIỂM CỦA THUẬT NGỮ TOÁN HỌC THÔNG DỤNG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT
Như đã trình bày ở trên, thuật ngữ có nhiều bình diện khác nhau. Trong phạm vi của luận văn, chúng tôi tập trung nghiên cứu đối chiếu thuật ngữ Toán học thông dụng tiếng Anh và tiếng Việt trên hai bình diện là cấu tạo và ngữ nghĩa.
2.1. ĐẶC ĐIỂM CỦA THUẬT NGỮ TOÁN HỌC THÔNG DỤNG TIẾNG ANH
2.1.1. Về cấu tạo
2.1.1.1. Các đơn vị cấu tạo
Từ chưa phải là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ. Nếu phân tích từ thành những bộ phận nhỏ hơn ta thu được các từ tố. Từ tố là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ.
Căn cứ vào ý nghĩa người ta chia các từ tố thành hai loại: chính tố và phụ tố. a. Chính tố:
Chính tố là hình vị mang ý nghĩa từ vựng. Ý nghĩa của chính tố thì cụ thể có liên hệ lôgic với đối tượng và hoàn toàn độc lập (tự nghĩa).
b. Phụ tố:
Phụ tố là hình vị mang ý nghĩa từ vựng bổ sung hoặc ý nghĩa ngữ pháp. Ý nghĩa của phụ tố thì trừu tượng, có liên hệ lôgic với ngữ pháp và không độc lập (trợ nghĩa), nó chỉ được rõ ràng khi nằm trong kết cấu của từ.
Ví dụ:
Trong từ “addition” - “phép cộng” của tiếng Anh, “add-“ là chính tố, biểu thị khái niệm “cộng” còn “–ition” là phụ tố. Bản thân “–ition” không
tồn tại độc lập với ý nghĩa nào cả. Khi kết hợp với các chính tố khác, nó bổ sung cho chính tố ý nghĩa ngữ pháp là danh từ “phép, việc, sự”.
Có nhiều loại phụ tố khác nhau. Phụ tố cấu tạo từ biểu thị ý nghĩa từ vựng bổ sung hoặc ý nghĩa ngữ pháp. Phụ tố -ition của tiếng Anh đã dẫn ở trên là thuộc loại phụ tố cấu tạo từ mang ý nghĩa từ vựng bổ sung. Căn cứ vào vị trí đối với chính tố, có thể chia phụ tố cấu tạo từ thành:
- Tiền tố là phụ tố đặt trước chính tố. Ví dụ:
+ Tiền tố “anti-“ trong từ “antiparallel” - “đối song”, “antisample” - “phản ví dụ”, “antisymmetric” - “phản xứng / phản đối xứng”, “antithesis” - “phản đề”
+ Tiền tố “bi-“ trong các từ “bijection” - “song ánh”, “binomial” - “nhị thức”, “bisector” - “song vectơ” …
- Hậu tố là phụ tố đặt sau chính tố. Ví dụ:
+ Hậu tố “-ion” trong các từ “acceleration” - “gia tốc”, “calculation” - “phép tính, sự tính toán”…
Nhiều từ được cấu tạo bằng cả tiền tố lẫn hậu tố. Đó là hiện tượng song tố.
Ví dụ:
+ Tiền tố “anti-“ và hậu tố “-ic” trong từ “antisymmetric” - “phản xứng / phản đối xứng” …
- Trung tố là phụ tố nằm chen vào giữa chính tố.
- Liên tố là phụ tố đặc biệt, có chức năng liên kết các chính tố trong từ phức. Tuy nhiên, trong phạm vi ngữ liệu của đề tài, chúng tôi không tìm thấy những thuật ngữ có chứa thành phần trung tố hoặc liên tố.
Bảng 2.1. Tiền tố trong thuật ngữ Toán học thông dụng tiếng Anh
STT Tiền tố Nghĩa Ví dụ
1 anti- chống, ngược, phản antiparallel, antisample, antithesis
2 auto- tự, tự động automorphism
3 bi- hai, cả hai bijection, binomial, bisector, bivector
4 centi- một phần một trăm centigrade, centimetre
5 contra- chống lại, đối nghịch contravariant
6 co- đồng, cùng, phụ, thay thế coplanar
7 deca- mười decametre
8 deci- một phần mười decimeter
9 dia- thông qua, xuyên qua diagram, diameter
10 en- gây ra enlarge
11 extra- ngoài, bên ngoài, ra khỏi extrapolate
12 half- nửa half-plane, half-open
13 hemi- một nửa, phần, bán hemisphere
14 homo- giống nhau, tương đồng homomorphic
15 hyper- quá, trên, quá mức hyperplane, hypersphere
16 in- không, trong inequality, inequation
17 inter- giữa, trong số, lẫn nhau interpolate, intersection
18 iso- ngang, bằng, tương đồng isomorphic
19 kilo- một ngàn kilogram
20 mid- giữa midperpendicular, midpoint
21 mili- một phần một ngàn millimeter
22 mono- một, đơn, độc monomapping, monovalent
23 multi- nhiều, đa multifold
24 poly- nhiều polyhedron
25 pre- trước pre-compact
26 pseudo- giả, giống như pseudo-lozenge
27 semi- một nửa semi-sphere
28 tetra- bốn, tứ tetrahedron
29 tri- ba, số ba, thứ ba triangle
Bảng 2.2. Hậu tố trong thuật ngữ Toán học thông dụng tiếng Anh STT Hậu tố Ví dụ 1 -ity convexity 2 -ion accelerate 3 -able developable 4 -ance accordance 5 -ant accordant 6 -ive derivative 7 -ic asymptotic 8 -or calculator
Bảng 2.3. Song tố trong thuật ngữ Toán học thông dụng tiếng Anh
STT Song tố Ví dụ 1 anti-/-ic antisymmetric 2 auto-/-ion automation 3 contra-/-ant contravariant 4 in-/-ity inequality 5 in-/-able invariable 6 ir-/ible irreducible 7 multi-/-ion multiplication 8 poly-/-al polyhedral 9 semi-/-ent semi-convergent 10 tetra-/-al tetrahedral 11 tri-/-ic trigonometric
2.1.1.2. Các phương thức cấu tạo
a. Đối với thuật ngữ đơn
Thuật ngữ đơn trong tiếng Anh được cấu tạo bởi phương thức từ hóa hình vị và phương thức phức hóa hình vị.
Về phương thức từ hóa hình vị, đối với các ngôn ngữ biến hình, họat động của phương thức này giống với hoạt động của nó trong các ngôn ngữ đơn lập chỉ trong những từ không biến đổi hình thức ngữ âm các từ hư thuộc ngữ pháp miêu tả và thuộc ngữ pháp phát ngôn. Còn trong các trường hợp khác, bao giờ nó cũng phải hoạt động kèm theo phương thức “tương liên hóa”, nghĩa là kèm theo với việc kết hợp hình vị tương liên vào hình vị căn tố.
Về phương thức phức hóa hình vị, thuật ngữ đơn tiếng Anh được cấu tạo bởi phương thức phụ gia hay còn gọi là phương thức phái sinh.
Thực chất của phép phụ gia là kết hợp hai hình vị khác loại với nhau, một hình vị “từ vựng thuần khiết” với một phụ tố. Tuy nhiên, căn cứ vào các loại phụ tố, phép phụ gia chia thành:
- Phép phụ gia định hình từ loại.
Đây là sự kết hợp căn tố với phụ tố định từ loại làm cho ý nghĩa của căn tố được định hình về từ loại, làm cho một ý nghĩa “từ vựng thuần khiết” trở thành một cấu trúc biểu niệm, có tính từ vựng – ngữ pháp.
Ví dụ: căn tố “add” có tính chất định từ (cộng) kết hợp với phụ tố “- itive” cho thân từ tính từ “additive” (cộng tính), kết hợp với phụ tố “-ition”
- Phép phụ gia phái sinh ngữ nghĩa.
Phép phụ gia phái sinh ngữ nghĩa kết hợp một phụ tố phái sinh ngữ nghĩa với một từ đã hoàn chỉnh để thay đổi ý nghĩa mà không thay đổi cấu trúc biểu niệm của từ.
Chức năng cơ bản chủ yếu của phép phụ gia vẫn là định hình từ loại.