Cho đến nay, tuy còn có những điều cần tranh luận, nhưng có thể thống nhất về những đặc điểm chung cơ bản của thuật ngữ, đó là: tính khoa học, tính dân tộc, tính đại chúng và tính quốc tế.
1.2.3.1. Tính khoa học
Tính khoa học của thuật ngữ thể hiện ở tính chính xác, tính đơn nghĩa và tính hệ thống .
a. Về tính chính xác của thuật ngữ, nhà ngôn ngữ học người Nga, A.A.Reformatski, có nhận định: “ Các khái niệm biểu thị trong các từ ngữ thông thường chỉ là các khái niệm thông thường, còn các khái niệm được biểu thị trong thuật ngữ là các khái niệm chính xác của một chuyên ngành khoa học nào đó”[18, tr.25]. Khoa học ngày nay càng phát triển sâu hơn và
rộng hơn, thuật ngữ phải là yếu tố cấu thành của một lý thuyết nhất định và có nắm được lý thuyết này thì mới hiểu chính xác được thuật ngữ. Có lẽ vì lý do này mà thuật ngữ trong các từ điển hiện có đều được định nghĩa chứ không giải thích như từ, ngữ thông thường khác. Để giúp người đọc hiểu và có một khái niệm chính xác về bất kỳ về một đối tượng khoa học nào, thuật ngữ có nhiệm vụ gọi tên, định nghĩa chính xác về khái niệm đó, để không gây lầm lẫn. Một yêu cầu cần có để đáp ứng đuợc tính chính xác của thuật ngữ là tính đơn nghĩa của nó.
b. Thuật ngữ cần phải đơn nghĩa, vì khác với các từ ngữ thông thường (có thể có nhiều hơn một nghĩa, hay đa nghĩa), thuật ngữ nên là những từ, cụm từ cố định (ngữ định danh) đơn nghĩa, tức là có một nghĩa duy nhất. Thuật ngữ luôn luôn hướng tới tiêu chí đơn nghĩa, tức là một thuật ngữ không nên miêu tả cùng một lúc nhiều hơn một khái niệm. Hơn thế nữa, các nhà ngôn ngữ học đều thống nhất rằng không nên có hơn một thuật ngữ cho một khái niệm khoa học. Theo tác giả Nguyễn Văn Tu: “Thuật ngữ là những cụm từ cố định để chỉ những khái niệm của một ngành khoa học nào đó, ngành sản xuất hay ngành văn hoá nào đó,.v.v... . Đặc điểm của thuật ngữ là từ chỉ có một nghĩa, không có từ đồng nghĩa, không có sắc thái tình cảm, có thể có tính chất quốc tế (tuỳ từng ngành)”. [47, tr.114]
c. Tính hệ thống của thuật ngữ được thể hiện trên cơ sở: có hai yếu tố xác định một thuật ngữ, đó là trường từ vựng và trường khái niệm. Trường từ vựng chỉ ra mối quan hệ của thuật ngữ với các từ ngữ khác trong vốn từ vựng chung của một ngôn ngữ. Trường khái niệm chỉ ra mối quan hệ giữa một thuật ngữ với các thuật ngữ khác trong cùng một chuyên ngành khoa học, tức là mỗi thuật ngữ không còn là thuật ngữ nếu không thuộc về một hệ thống
thuật ngữ của một chuyên ngành nhất định vì không có chuyên ngành khoa học nào tồn tại lại chỉ với một khái niệm duy nhất.
“Thuật ngữ là từ hoặc cụm từ biểu đạt chính xác một khái niệm của một chuyên môn nào đó. Thuật ngữ nằm trong hệ thống từ vựng chung của ngôn ngữ, nhưng chỉ tồn tại trong một hệ thống thuật ngữ cụ thể, nghĩa là nó chỉ được dùng trong ngôn ngữ chuyên môn. Toàn bộ các thuật ngữ của một lĩnh vực sản xuất, hoạt động, tri thức tạo nên một lớp từ đặc biệt tạo thành một hệ thống thuật ngữ”. [36, tr.64]
1.2.3.2. Tính dân tộc
Mỗi dân tộc hãy tận dụng vốn từ của ngôn ngữ mình để diễn đạt các khái niệm khoa học, chẳng hạn, chúng ta phải hết sức tận dụng vốn từ quý báu và phong phú của tiếngViệt trong việc đặt và dịch thuật ngữ, tránh lạm dụng các thuật ngữ nước ngoài, bảo đảm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Chúng tôi nhất trí với quan điểm của tác giả Lưu Vân Lăng cho rằng:
“Thuật ngữ, dù là thuộc lĩnh vực khoa học, chuyên môn nào, cũng nhất thiết phải là một bộ phận của từ ngữ dân tộc. Do đó thuật ngữ phải có tính chất dân tộc và phải mang màu sắc ngôn ngữ dân tộc” [28, tr.58].
1.2.3.3. Tính đại chúng
Bảo đảm tính chất ngôn ngữ dân tộc của thuật ngữ là góp phần xây dựng tính đại chúng của thuật ngữ. Khoa học kỹ thuật không thể tách rời quần chúng, tách rời người sử dụng, nhất là trong thời đại mà “nền kinh tế tri thức” đang được tiếp nhận trên phạm vi toàn cầu. Khoa học công nghệ phải thực sự xâm nhập sâu rộng vào quần chúng, muốn vậy thì thuật ngữ không thể là lớp từ cao siêu, xa lạ hoàn toàn với quần chúng, chỉ dành riêng cho các nhà chuyên môn, nhất là các ngành kinh tế, chính trị, tin học, viễn thông,... mà phải dễ dùng đối với đông đảo quần chúng. Có nghĩa là thuật
ngữ phải được hình thành từ ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nói, dễ đọc, dễ viết.
1.2.3.4. Tính quốc tế
Bên cạnh tính dân tộc thì thuật ngữ phải có tính quốc tế. Điều này thoạt nghe tưởng như mâu thuẫn nhưng thực ra lại rất logic. Bởi vì, vốn từ vựng riêng của từng ngôn ngữ mang sắc thái của dân tộc sử dụng ngôn ngữ đó, nhưng khoa học thì là tài sản tri thức chung cho toàn nhân loại. Các khái niệm vật lý, toán học, hoá học,... là của chung toàn cầu chứ không thể nào các khái niệm vật lý ở Việt Nam lại khác ở Nga, ở Mĩ,.... “Nếu chú ý tới mặt nội dung của thuật ngữ, thì phải thừa nhận rằng, tính quốc tế là một đặc trưng quan trọng, phân biệt thuật ngữ với những bộ phận từ vựng khác. Thuật ngữ là bộ phận từ vựng đặc biệt biểu hiện những khái niệm khoa học chung cho những người nói các tiếng khác nhau. Vì vậy, sự thống nhất thuật ngữ giữa các ngôn ngữ là cần thiết và bổ ích. Chính điều này đã tạo nên tính quốc tế của thuật ngữ” [16, tr.275]. Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, thuật ngữ cần thiết phải bảo đảm tính quốc tế trước hết là về mặt nội dung vì thuật ngữ biểu thị những khái niệm khoa học chung. Tuy nhiên, khi xét về tính quốc tế của thuật ngữ, người ta hay chú ý tới biểu hiện hình thức của nó. Thuật ngữ có thể được dùng chung ở một loạt các quốc gia do được cấu tạo từ một gốc từ chung của nhiều ngôn ngữ, ví dụ:
Tiếng Pháp telephon cathode antenne
Tiếng Anh telephone cathode antenne
Như vậy, tính quốc tế đòi hỏi một thuật ngữ phải có nội dung và hình thức biểu đạt gần gũi không phải chỉ với một cộng đồng ngôn ngữ mà với các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau và tính quốc tế là nét rất đặc trưng cho thuật ngữ nói riêng và từ ngữ khoa học nói chung.