Bối cảnh hoạt động của NHTM trong những năm tới

Một phần của tài liệu Huy động vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Tây Hồ (Trang 81)

Trong thời gian qua chúng ta đã chứng kiến nhứng biến động mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới. Đầu tiên là cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ khủng hoảng thị trường bất động sản Mỹ. Chưa kịp phục hồi sau suy thoái lại diễn ra cuộc khủng hoảng nợ công tại các nước Châu Âu kéo nền kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm nghiêm trọng.

Thị trường tài chính thế giới biến động thất thường không thể dự đoán trước. Từ sự suy giảm giá trị của đồng “bạc xanh” đến sự lên giá chóng mặt của vàng, sự mất điểm của chứng khoán, … Những quy luật thị trường dường như không còn ý nghĩa. Người ta không thể dự đoán chính xác cái gì sẽ diễn ra trong tương lai của nền kinh tế thế giới.

Tham gia ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới từ sau sự gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, nền kinh tế Việt Nam phản ứng ngày càng nhanh hơn trước những tác động của thị trường thế giới. Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Nếu năm 2008 trong hoạt động ngân hàng mức lãi suất huy động phổ biến ở mức 18%/năm thì đến cuối năm 2010 đầu năm 2011 có vẻ như lịch sử đang lặp lại. Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ lạm phát cao, giữa lúc tăng trưởng suy giảm và tình trạng thâm hụt cán cân thương mại kéo dài. Chính điều này buộc lãi suất huy động tăng cao (lãi suất huy động có kỳ hạn

thực tế khoảng 18%/năm). Đến năm 2012 lãi suất giảm một cách đáng kể, đầu năm 2012 mức trần lãi suất huy động là 14%/năm nhưng đến tháng 9/2012 trần lãi suất huy động chỉ ở mức 9%/năm.

Chắc chắn trong thời gian tới, hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn gặp phải vô vàn khó khăn. Về phía nền kinh tế thế giới thì một số nền kinh tế lớn (Mỹ và EU) sẽ được phục hồi nhưng sự phục hồi diễn ra với tốc độ không nhanh. Vì thế hoạt động tài chính và ngân hàng vẫn trên xu hướng hoạt động cầm chừng và dè dặt.

Chúng ta vẫn phải chứng kiến cuộc chạy đua vô cùng khốc liệt giữa các ngân hàng. Với một nền kinh tế nhỏ bé như nước ta mà có đến hàng trăm ngân hàng cùng hoạt động với hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch dày đặc. Theo thống kê, năm 2008 nước ta có 5 NHTM nhà nước, 6 ngân hàng liên doanh, 36 NHTM cổ phần, 10 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính, 998 quỹ tín dụng nhân dân và 46 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều đó gây ra một loạt các hệ lụy trong cạnh tranh giữa các ngân hàng về vốn, dư nợ, thẻ, tiện ích ngân hàng, …

Trên địa bản quận Tây Hồ hiện nay có rất nhiều chi nhánh NHTM, các phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm cùng hoạt động. Mật độ dày đặc các ngân hàng trên cùng một tuyến đường khiến cho công tác huy động vốn khó khăn, chi phí huy động vốn cao. Trong khi đó, đặc thù kinh tế của quận chủ yếu là làng nghề, hộ sản xuất thủ công, rất ít doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh khiến đầu ra cho nguồn vốn huy động gặp phải trở ngại. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với NHTM là phải có định hướng kinh doanh phù hợp và một hệ thống các biện pháp có căn cứ thích ứng và khả thi để tăng nguồn vốn huy động, giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, tăng thu dịch vụ, mở rộng địa bàn hoạt động, ... nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và đứng vững trong cạnh tranh.

Một phần của tài liệu Huy động vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Tây Hồ (Trang 81)