2.1.2. Quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về an ninh lương thực lương thực
Vấn đề lương thực, thực phẩm là một trong những mối quan tâm lớn thường xuyên của Nhà nước và nhân dân ta. Việt Nam có dân số đông, việc đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm sẽ đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện cơ cấu bữa ăn cho nhân dân; mặt khác tạo điều kiện đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến, thúc đẩy công nghiệp hoá và tạo nguồn hàng xuất khẩu quan trọng.
Qua thực tiễn hoạch định và chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xoá đói giảm nghèo bền vững. Mục tiêu phát triển nông nghiệp trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2001 – 2010 là: “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn”. Sau đó, Hội nghị Trung ương 3 (khóa IX) đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông thôn: 1) Nghị quyết “Đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 – 2010”; 2) Nghị quyết “Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) tiếp tục ban hành nghị quyết về “Nông nghiệp, nông thôn và nông dân” [12, tr.59].
Cụ thể hoá đường lối của Đảng về đảm bảo an ninh lương thực, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã ban hành nhiều chính sách quan trọng góp phần đảm bảo an ninh lương thực như sau:
Chính sách đất trồng lúa là một nhân tố quan trọng đối với sản xuất lúa gạo. Nhà nước đã giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp (theo Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (2008a)); đồng thời Chính phủ cũng đã quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất đai nhằm bảo vệ diện tích đất nông nghiệp, hạn chế chuyển diện tích đất nông nghiệp đặc biệt là đất lúa sang mục đích sản xuất khác (Nghị định 68/2001/NĐ-CP ngày 1/10/2001). Ngoài ra, chính phủ đã ban hành chính sách về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, chính sách khuyến khích đổi ruộng, tập trung và tích tụ đất nông nghiệp để nâng cao quy mô sản xuất lúa.
Theo Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006 - 2010 của cả nước (Nghị quyết 57/2006/NQ-QH11 ngày 29/6/2006), chỉ tiêu về đất trồng lúa nước là 3,86 triệu ha, trong đó đất lúa nước hai vụ trở lên là 3,31 triệu ha. Kế hoạch nói rõ “Kiểm soát chặt việc lấy đất chuyên trồng lúa, đất nông nghiệp khác có khả năng thâm canh, hiệu quả cao, đất có rừng, đất có mặt nước làm mặt bằng đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Điều tra thực trạng sử dụng đất nông nghiệp nhằm làm rõ ngoài diện tích đất đang trồng lúa nước hiện nay, diện tích đất lúa nước đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trồng rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày, trồng cỏ… vẫn có khả năng trồng được lúa nước khi cần thiết”. Tiếp theo đó, Quyết định 391/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, kiểm tra thực trạng công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp 5 năm 2006-2010 nói chung và đất trồng lúa nói riêng. Tuy nhiên, đến nay số diện tích đất nông nghiệp cần giữ để sản xuất lâu dài vẫn chưa được quy hoạch rõ và cụ thể hóa đến từng tỉnh và huyện trong cả
nước. Câu hỏi về số diện tích lúa hơn 3,8 triệu ha được phân bố theo các vùng, tỉnh, huyện với diện tích cụ thể là bao nhiêu vẫn chưa được sáng tỏ.
Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng vùng trồng lúa được thực hiện thông qua việc Nhà nước giành những khoản đầu tư lớn từ ngân sách hàng năm để chi xây dựng hệ thống thủy lợi các vùng trồng lúa nước tập trung. Vốn đầu tư thủy lợi sản xuất lúa chiếm tới 4/5 tổng đầu tư ngân sách nhà nước cho thủy lợi. Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương nội đồng ở các vùng trồng lúa, phát triển đường giao thông nông thôn giai đoạn 2001-2010 thông qua vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (Quyết định 184/2004/QĐ-TTg ngày 22/10/2004). Mặc dù vậy, các công trình thủy lợi hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất lúa; diện tích trồng lúa được tưới, tiêu chủ động mới đạt 85% với chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của tất cả các hộ nông dân trồng lúa.
Chính sách thương mại gạo đã có chuyển đổi căn bản. Về cơ bản, việc lưu thông và buôn bán gạo trong nước những năm qua đã được tự do hóa hoàn toàn. Đối với xuất khẩu gạo, Chính phủ đã xóa bỏ hạn ngạch xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cùng tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn giữ vai trò điều tiết xuất khẩu gạo trong những trường hợp cần thiết để đảm bảo cân đối cung – cầu gạo trong nước và đảm bảo an ninh lương thực. Ví dụ, việc Chính phủ chỉ đạo tạm ngừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3/2008 trong lúc giá gạo thế giới tăng cao, dự trữ trong nước giảm đến mức tối thiểu (107.116 tấn lúa, tương đương 60.000 tấn gạo) và tình trạng an ninh lương thực trong nước có dấu hiệu bất ổn đã thể hiện sự can thiệp kịp thời của Chính phủ vào xuất khẩu gạo để giữ an ninh lương thực trong nước (Trả lời chất vấn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).
Đối với việc hỗ trợ nông dân sản xuất lúa, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách như: (i) hỗ trợ sản xuất và sử dụng giống lúa mới, giống lúa lai,
giống lúa phù hợp với các vùng hạn hán, vùng bị ngập úng… để tăng năng suất đảm bảo cho người dân tự sản xuất đủ lương thực cho bản thân và gia đình, nhất là các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số; (ii) hỗ trợ đào tạo huấn luyện nông dân để nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất lúa, phát triển ngành nghề, dịch vụ ở vùng lúa; (iii) hỗ trợ sản xuất lúa thông qua khuyến khích sản xuất lúa gạo theo hợp đồng (Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002); (iv) miễn, giảm thủy lợi phí để hỗ trợ nông dân giảm chi phí sản xuất lúa (Nghị định 154/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007) [14].
Những năm qua Việt Nam đã sản xuất được lượng lương thực rất lớn (năm 2008 đã sản xuất được trên 52 triệu tấn), bảo đảm xuất khẩu. Tuy vậy, vẫn còn một số địa bàn, một bộ phận đồng bào bị thiếu lương thực. Vì vậy, liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 2 nội dung: Thứ nhất là bảo đảm đất đai cho sản xuất lương thực; thứ hai là đưa khoa học công nghệ vào sản xuất lương thực, thực phẩm, nhất là chế biến sau thu hoạch, tăng năng suất, nâng cao chất lượng lương thực, thực phẩm. Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các bộ ngành vào Đề án an ninh lương thực, thực phẩm đến năm 2020 nhằm đảm bảo diện tích đất trồng lúa, cây màu, đối phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng một cách bền vững nhu cầu lương thực, thực phẩm, trong mọi tình huống.