Các nhân tố tác động đến an ninh lương thực

Một phần của tài liệu An ninh lương thực của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 28)

1.3.1. Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế

Để có được an ninh lương thực đòi hỏi điều kiện trước tiên và căn bản là phải có đủ lương thực để có thể tiếp cận được, có thể sử dụng được. Nông nghiệp đã và đang đóng vai trò then chốt, quyết định trong việc đảm bảo an ninh lương thực; địa bàn nông thôn là nơi sinh sống và làm việc của người nông dân làm ra lương thực và cũng là nơi tập trung chủ yếu tỷ lệ đói nghèo, thu nhập thấp [7, tr.143]. Chính vì vậy, cần đi tìm hiểu tác động của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đối với nông nghiệp, nông thôn.

1.3.1.1. Khía cạnh toàn cầu hoá nông nghiệp đối với an ninh lương thực

Có thể nói toàn cầu kinh tế, cả về thương mại và đầu tư, được khởi đầu từ khu vực nông nghiệp. Từ xa xưa, các loại nông sản đã được trao đổi rộng khắp xuyên qua biên giới các quốc gia và thậm chí đạt đến quy mô toàn cầu. Đầu tư sản xuất quốc tế cũng từng diễn ra khá sôi động trong khu vực nông nghiệp, nhất là khi các nước đế quốc mở rộng hệ thống thuộc địa của mình ra khắp thế giới từ thế kỷ 16. Những loại nông sản rất quý hiếm vào lúc đó như hạt tiêu, đinh hương, nhục đậu khấu, cao su, thuốc lá, cà phê… đã là những miếng mồi lợi nhuận siêu ngạch béo bở nhất thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế [9].

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiện nay toàn cầu hóa nông nghiệp đã chững lại và tụt hậu xa so với toàn cầu hóa công nghiệp và dịch vụ. Điều này không hề có nghĩa là nông nghiệp ít chịu ảnh hưởng của toàn cầu hóa, mà ngược lại, chính nông nghiệp và nông thôn, cùng với cuộc sống của rất đông đảo những người nông dân, trong đó có trên 1,5 tỷ người vẫn phải sống với dưới 1 USD một ngày, lại phải gánh chịu những ảnh hưởng to lớn nhất, và thông thường cũng là tiêu cực nhất của toàn cầu hóa.

Trong thời gian qua, chủ đề “tác động của toàn cầu hóa kinh tế với nông nghiệp” và kể cả an ninh lương thực chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các nhà nghiên cứu quốc tế. Có tương đối ít các nghiên cứu quốc tế về vấn đề này. Những nghiên cứu có liên quan rất hay trượt vào thái cực phê phán quá mức, thiếu khoa học về toàn cầu hóa nông nghiệp, hoặc tập trung hẹp vào quá trình tự do hóa thương mại nông sản trong khuôn khổ WTO, hoặc chỉ xem xét thuần túy những khía cạnh kinh tế mà ít xét tới những chiều cạnh rộng hơn về chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường… vốn luôn gắn bó hữu cơ với nông nghiệp. Một trong các nguyên nhân của thực tế trên là toàn cầu hóa kinh tế tác động rất nhiều đối với nền nông nghiệp của các nước đang phát triển, trong khi các nước phát triển và các tổ chức mà họ chi phối lại thực hiện phần lớn những nghiên cứu kinh tế toàn cầu [9, tr.41-42].

+ Vai trò, đặc điểm của toàn cầu hóa nông nghiệp

Bất chấp những làn sóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tri thức hóa đang diễn ra đầy uy lực trên thế giới, nông nghiệp chắc chắn vẫn luôn là một ngành sản xuất không thể thiếu đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Trong ít nhất một vài thập kỷ tới, nông nghiệp sẽ vẫn là bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh vai trò kinh tế, những quan hệ tương tác giữa nông nghiệp với các vấn đề chính trị, xã hội, môi trường sinh thái là rất phong phú và chặt chẽ, thì vai trò của nông nghiệp đối với đảm bảo an ninh lương thực các cấp độ hộ gia đình, quốc gia và quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế càng quan trọng.

Với vai trò quan trọng và đặc thù như trên, toàn cầu hóa nông nghiệp, ngoài những quy luật và tính chất của quá trình toàn cầu hóa kinh tế chung, còn có những đặc điểm chính như sau:

Thứ nhất: Toàn cầu hóa nông nghiệp hiện nay đang ở giai đoạn đầu, những diễn biến tiếp theo của nó đầy bất định, chông gai và khó dự đoán. Có thể nói toàn cầu hóa nông nghiệp là một hành trình chuyển đổi sâu rộng, tại

đó người ta mới chỉ biết được điểm khởi hành mà chưa thống nhất được đích đến. Do những đặc thù của sản xuất và trao đổi nông sản, cũng như những ảnh hưởng tràn ra bên ngoài rộng lớn về xã hội – môi trường của nông nghiệp, các lý thuyết kinh tế hiện đại đang gặp khó khăn trong việc chứng minh rằng toàn cầu hóa nông nghiệp nhất định sẽ là một điều tốt đẹp đối với sự phát triển rộng lớn của con người (không chỉ là tăng trưởng kinh tế). Bên cạnh đó, những tác nhân có liên quan về lợi ích và có khả năng gây ảnh hưởng đến toàn cầu hóa nông nghiệp cũng rất đông đảo, phức tạp, không chỉ bao gồm các tổ chức đa phương, các tổ chức khu vực, các nhà nước, các doanh nghiệp, mà còn bao gồm sự tham gia rất tích cực và không kém phần quyết định của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) thuộc mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, và các phong trào tự phát hoặc có tổ chức của người nông dân. Nói chung, toàn cầu hóa nông nghiệp đang được định hình và tất cả những tác nhân liên quan, nhất là các nước đang phát triển cần tích cực tham gia vào quá trình đó.

Thứ hai: Ở nhiều nước, toàn cầu hóa nông nghiệp thường song hành hoặc dẫn đến thị trường hóa hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trái ngược với những khu vực sản xuất kinh doanh khác, nơi cơ chế kinh tế thị trường thường đi trước một bước so với toàn cầu hóa. Tại nhiều nước, nền nông nghiệp thường chưa thực sự bị phơi ra trước sức ép cạnh tranh khắc nghiệt của kinh tế thị trường. Trước đây và cho đến tận bây giờ, nông nghiệp luôn là khu vực tại đó hiện diện rõ nhất vai trò can thiệp của nhà nước, nhiều khi đến mức lấn át vai trò của thị trường tự do, khiến cho cấu trúc các thị trường nông sản cũng như thị trường các đầu vào sản xuất nông nghiệp bị bóp méo và có tính bao cấp nặng nề. Do vậy, dưới ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, nền nông nghiệp thế giới phải trải qua một sự “chuyển đổi kép”, vừa dò dẫm cải cách hướng về cơ chế thị trường vừa phải chấp nhận ngay sự cạnh tranh quốc tế rất khắc nghiệt.

Thứ ba: Thị trường nông sản quốc tế có những tính chất rất đặc thù so với các loại thị trường hàng hóa khác, dẫn tới tự do hóa thương mại nông sản có nhiều điểm khác biệt so với quá trình tự do hóa thương mại nói chung. Tổng cầu thế giới đối với nhiều loại nông sản có xu hướng tăng trưởng rất chậm, thậm chí trì trệ, không tăng cùng nhịp với mức tăng thu nhập và công nghệ của thế giới. Con người không thể thiếu lương thực và thực phẩm, nhưng cũng khổng thể tiêu dùng quá mức những loại hàng hóa này. Trong khi đó, tổng cung nông sản không co giãn linh hoạt với sự thay đổi của giá cả nông sản, trừ các sản phẩm của cây ngắn ngày. Khác với những ngành khác, mức cung nông sản khó có thể được điều chỉnh trong ngắn hạn và ngày cả trung hạn đối với một số sản phẩm. Cho dù giá nông sản có giảm xuống đến mức nào đi nữa thì từng người nông dân, nếu không có sự điều tiết của nhà nước, vẫn không có cách nào khác là sản xuất càng nhiều càng tốt. Hơn nữa, từng người nông dân cũng không thể có đủ thông tin để kịp thời điều chỉnh cơ cấu sản xuất của mình phù hợp với diễn biến cung cầu quốc tế. Do vậy, hoạt động “ tự điều chỉnh” cung cầu theo tín hiệu giá cả trên các thị trường nông sản, đặc biệt là các thị trường quốc tế, diễn ra chậm chạp và yếu ớt.

Ngoài ra, những tính chất khác của nông sản như khó bảo quản, thời gian từ sản xuất tới tiêu dùng ngắn và tính thời vụ… cũng ảnh hưởng tới thương mại nông sản quốc tế. Tất nhiên, cùng với tiến bộ vượt bậc của khoa học hiện đại, những hạn chế thương mại của nông sản sẽ được khắc phục đáng kể.

Như vậy, thị trường nông sản quốc tế là một thị trường đặc thù, tại đó những trục trặc của thị trường nhiều khả năng xuất hiện hơn và mối quan hệ cung cầu thường không ăn khớp, dẫn tới giá cả nông sản quốc tế hay dao động và ở mức thấp. Hệ quả là, việc tham gia toàn cầu hóa nông nghiệp là một quá trình khó khăn, lợi nhuận thấp và chứa đựng nhiều rủi ro tác động đến an ninh lương thực ở các cấp độ.

Thứ tư: Hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp gắn liền với những vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường rất to lớn. Thực tế này đã được các nhà nghiên cứu quốc tế nhắc đến nhiều qua những thuật ngữ như “những quan tâm phi thương mại” (đã được nêu chính thức trong Hiệp định nông nghiệp WTO) hoặc tính “đa chức năng” của hoạt động nông nghiệp, tức là nông nghiệp phục vụ nhiều chức năng khác ngoài chức năng lợi nhuận và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, hai vấn đề nổi bật là sự liên quan chặt chẽ của nông nghiệp tới việc đảm bảo lương thực cho con người và giữ gìn môi trường sinh thái. Vì vậy, quá trình toàn cầu hóa nông nghiệp, đặc biệt là quá trình tự do hóa thương mại nông sản, cần được cân nhắc rất kỹ lưỡng không chỉ về chiều cạnh hiệu quả kinh tế mà còn về những chiều cạnh khác liên quan chặt chẽ với nông nghiệp. Đồng thời, chính đặc điểm này lại có thể là một tấm khiên để các nước trì hoãn tham gia toàn cầu hóa nông nghiệp.

Thứ năm: Một đặc điểm đáng chú ý nữa của toàn cầu hóa nông nghiệp là giai đoạn toàn cầu hóa nông nghiệp hiện nay đang hàm chứa quá nhiều điều vô lý và bị chỉ trích nặng nề. Cho dù thừa nhận toàn cầu hóa nông nghiệp là một quá trình tất yếu sẽ phải xảy đến theo trào lưu toàn cầu hóa chung, nhưng một loạt những báo cáo gần đây của các tổ chức quốc tế lớn như Tổ chức nông lương thế giới (FAO, 2001), Diễn đàn Thương mại và phát triển của Liên Hợp quốc (UNCTAD, 2001), Tổ chức lao động thế giới (ILO, 1999) đã lên tiếng phê phán quá trình toàn cầu hóa nông nghiệp hiện nay, coi quá trình đó đã gây ra hoặc có tiềm năng gây ra những tác động tiêu cực đối với sự phát triển của con người, nhất là tại các nước đang phát triển và kém phát triển. Tại sao toàn cầu hóa nông nghiệp hiện nay lại bị phê phán đến mức như vậy? Nguyên nhân quan trọng là toàn cầu hóa nông nghiệp hiện nay có nhiều điều bất hợp lý, trong đó bao gồm:

Nghịch lý lớn nhất là trên tổng thể, toàn cầu hóa hiện nay mang lại những lợi ích rất nhỏ bé, rất khiêm tốn cho những tác nhân chủ chốt và trực

tiếp của hoạt động nông nghiệp, đó là trên một tỷ người nông dân ở khắp các quốc gia trên thế giới; trong khi đó lại ban phát lợi ích hậu hỹ cho những tác nhân “phụ” của nông nghiệp như các công ty xuyên quốc gia về giống, phân bón, thuốc trừ sâu, chế biến nông sản, thương mại nông sản… Đã có ý kiến cho rằng toàn cầu hóa nông nghiệp hiện nay về bản chất là quá trình “công ty hóa” nông nghiệp, tức là quá trình đưa những người nông dân ra khỏi trung tâm hoạt động nông nghiệp và thay vào đó bằng những công ty có liên quan.

Một nghịch lý rất rõ ràng khác là những nước kém phát triển nhất lại là những nước mở cửa thị trường nông nghiệp nội địa nhiều nhất, còn những nước phát triển nhất, vốn luôn khuyếch trương và ra vẻ thúc đẩy toàn cầu thì luôn tìm cách trì hoãn, thậm chí không thực hiện những cam kết của mình.

Một nghịch lý nữa là toàn cầu hóa nông nghiệp hiện nay diễn ra khập khiễng, không đồng bộ, được dẫn dắt chủ yếu bởi thị trường mà chưa thấy nổi lên vai trò quan trọng đủ mức của Nhà nước và những tác nhân liên quan khác, đặc biệt là sự tham gia của những người nông dân. Do vậy, toàn cầu hóa nhiều khi trở nên quá nghiệt ngã đối với người nông dân và môi trường sống của con người. Trong khi đó, những người nông dân nghèo vốn đã ở trong tình trạng khó khăn để đương đầu với những thử thách mà toàn cầu hóa hiện nay tạo ra, lại ít khi có khả năng chuyển đổi sang những ngành sản xuất phi nông nghiệp khi những hoạt động canh tác truyền thống của họ trở nên phi hiệu quả trước sức ép của các hàng nông sản nhập khẩu rẻ hơn từ nước ngoài [9]. Những nghịch lý trên cho thấy toàn cầu hóa nông nghiệp tác động tiêu cực đến an ninh lương thực và nhất định cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.

1.3.2.2. Những cơ chế tác động chính của toàn cầu hóa kinh tế đối với nông nghiệp, nông thôn.

Nông nghiệp và nông thôn thế giới, ở các nước giàu cũng như các nước nghèo, đang đứng trước những khả năng thay đổi sâu rộng và toàn cầu hóa và

hội nhập kinh tế là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự thay đổi này. Và cũng phải nói rằng những sự thay đổi của nông nghiệp, nông thôn có liên quan, tác động to lớn đến an ninh lương thực.

Theo Đặng Kim Sơn và cộng sự (2002), trong Một số vấn đề về phát triển nông nghiệp và nông thôn, đã chỉ ra cơ chế chủ chốt nhất lan truyền những ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế đến nông nghiệp và phát triển nông thôn là tự do hóa các thị trường nông sản quốc tế, tự do hóa đầu tư và cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng khắc nghiệt. Trong đó nhân tố quan trọng là tự do hoá các thị trường nông sản quốc tế hiện nay.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều cải cách chính sách, ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ quốc tế, tác động sâu sắc tới cấu trúc thị trường nông sản quốc tế. Đường hướng chung của tất cả những cải cách này là nâng cao vai trò quyết định của “thị trường” đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, cũng như để thị trường quyết định phương hướng và quy mô của các luồng thương mại nông sản nội địa và quốc tế. Về mặt tác động trực tiếp, so với những luật lệ tự do hóa thương mại đa phương tại WTO và các tổ chức quốc tế khác, những cải cách chính sách nông nghiệp nội địa trong thời gian qua đã ảnh hưởng rộng rãi và to lớn hơn nhiều đến thị trường nông sản quốc tế. Trong vòng trên một thập kỷ trở lại đây, rất nhiều nước, bao gồm cả các nước phát triển và các nước đang phát triển, đã tiến hành hoặc đang có kế hoạch thay đổi tận gốc các chính sách nông nghiệp quốc gia của mình. Những chính sách này có thể được ban hành trong khuôn khổ các hiệp định quốc tế (đa phương, khu vực, song phương), hoặc được ban hành đơn phương dựa trên những nhận thức mới về vai trò của khu vực nông nghiệp trong phát triển kinh tế cũng như vai trò của nhà nước trong phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Ở các nước đang phát triển và đang chuyển đổi, các cải cách chính sách nông nghiệp thường gắn liền với các chương trình điều chỉnh cơ cấu và các

chương trình chuyển đổi mà khoảng 100 nước đã thực hiện từ thập kỷ 80, theo những ảnh hưởng và tư vấn của IMF và WB. Những chính sách này một mặt tự do hóa thị trường nông sản nội địa, giảm bớt các hàng rào bảo hộ, mặt khác thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phục vụ xuất khẩu. Kết quả là hiện nay nhiều nước đang phát triển và kém phát triển,

Một phần của tài liệu An ninh lương thực của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)