Các nhân tố liên quan đến việc sản xuất và cung ứng lương thực

Một phần của tài liệu An ninh lương thực của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 39)

Dưới góc độ các nhân tố tác động trực tiếp đến an ninh lương thực trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, có thể chỉ ra từ nội dung của an ninh lương thực.

1.3.2.1. Các nhân tố tác động đến sự sẵn có lương thực

Nhóm nhân tố tác động đến sự sẵn có của lương thực hay là sản lượng lương thực bao gồm:

- Thứ nhất, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên thế giới đang có xu hướng giảm nhanh.

Cùng với dân số thế giới ngày càng tăng, các đô thị, trung tâm công nghiệp ngày càng nhiều thì tỉ lệ nghịch với nó là diện tích đất nông nghiệp ngày càng ít đi vì phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Chưa kể đến những tàn phá của con người gây ô nhiễm môi trường, đất bị xói mòn, bạc màu hiệu quả sử dụng không cao. Đây là những tín hiệu không vui cho thế giới về vấn đề tăng năng suất lương thực

Sự phát triển là tất yếu, nhưng sự phát triển lộn xộn, thiếu quy hoạch đã làm cho nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào tình trạng mất đất đai dành cho trồng trọt. Theo FAO, mỗi năm thế giới mất đi từ 5 - 10 triệu ha đất nông nghiệp do đất bị thoái hóa; tính trong 30 năm qua, có trên 100 triệu ha bị thoái hóa. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở các nước đang phát triển, nhất là ở châu Á, đã phải sử dụng không ít diện tích tự nhiên, trong đó một tỷ lệ lớn là diện tích đất nông nghiệp, đất trồng cây lương thực. Ở Trung Quốc, 10 năm qua diện tích đất canh tác giảm từ 1,95 tỷ mẫu còn 1,82 tỷ mẫu; Bănglađét mỗi năm mất 80.000 ha đất nông nghiệp (phần lớn là đất chất lượng tốt); Philipin, một ví dụ điển hình vì việc giảm diện tích trồng lương thực xuống còn khoảng 60% so với những năm 80 của thế kỷ trước. Ở Việt Nam, trong vòng 5 năm 2001 – 2005, đất nông nghiệp đã thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp là 366.440 ha (chiếm 3,89% đất sản xuất nông nghiệp đang sử dụng). Vì vậy, mỗi quốc gia cần có những hành động rõ ràng, cụ thể hơn để bảo vệ đất nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực một cách bền vững.

- Thứ hai, từ ba thập kỷ cuối của thế kỷ 20 đến nay, thế giới có nhiều tiến bộ nhảy vọt về khoa học và công nghệ, nhưng nhiều nước, nhiều vùng đã không chú ý tới việc tiếp tục đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lương thực nói riêng.

Nếu như những năm 60 – 70 của thế kỷ XX, thế giới bước vào cuộc cách mạng xanh (trong đó việc lai tạo thành công và đưa các giống mới của các

loại lương thực vào sản xuất đại trà), đã tạo nên những bước nhảy về sản lượng lương thực, mà chủ yếu do tăng năng suất, thì nhiều năm gần đây không được chú ý đúng mức không chỉ về giống, mà còn về kỹ thuật canh tác, thu hoạch và sau thu hoạch. Vì vậy, tốc độ tăng năng suất nông nghiệp thế giới ngày càng giảm; nếu như trong thời kỳ 1950 – 1990, tốc độ tăng năng suất nông nghiệp bình quân là 2,1%/năm, thì trong giai đoạn 1990 – 2007 tốc độ chỉ tăng bình quân 1,2%/năm.

Tuy nhiên, do đầu tư phát triển nông nghiệp cũng không còn là ưu tiên trong các chương trình của cộng đồng tài trợ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ và hợp tác phát triển cho các nước đang phát triển. Năm 2006, nguồn vốn vay dành cho phát triển nông nghiệp chỉ chiếm 7% ngân sách WB, trong khi năm 1982 là 30%. Điều này dẫn đến sản lượng lương thực giảm. Hiện nay an ninh lương thực đang đối diện với nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu lương thực. Con người không có đủ lương thực để sống vì sản lượng lương thực đang giảm sút đến mức báo động. Chính vì vậy, sản lượng lương thực là nhân tố tiên quyết đến vấn đề an ninh lương thực không chỉ cho mỗi quốc gia mà còn cho toàn cầu. Muốn giải quyết được cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay thì trước hết cần có chiến lược tăng sản lượng lương thực, đảm bảo lương thực cho cả những vùng khó khăn nhất trên thế giới.

- Thứ ba, khí hậu là một trong những yếu tố tác động đến sản lượng lương thực.

Từ xưa tới nay việc sản xuất gieo trồng các cây lương thực phần lớn phụ thuộc vào thời tiết cụ thể là nguồn nước mưa và nhiệt độ. Hiện nay 2/3 dân số trên thế giới đang sống ở các khu vực nông thôn, đa số tại các nước đang phát triển. Biến đổi khí hậu sẽ gây ra tình trạng mất cân bằng về khí hậu, mưa nhiều ở các khu vực khí hậu ôn hòa nhưng lại gây ra hạn hán ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hạn hán sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động nông nghiệp

làm giảm sản lượng lương thực. Châu Phi là châu lục dễ bị ảnh hưởng nhất khi lượng mưa giảm.

Khí hậu trái đất đang có nhiều chiều hướng nóng lên, như hiện tượng băng tan làm nước biển dâng lên dẫn đến diện tích trồng cây lương thực bị giảm, thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường (lũ, lụt, bão, hạn hán…), gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp (làm tăng thêm chi phí sản xuất, làm giảm năng suất cây trồng, giảm sản lượng). Theo FAO, nhiệt độ trái đất tăng 1oC thì sản lượng lúa giảm 10% (thời gian qua, nhiệt độ tăng lên trên toàn cầu đã làm giảm sản lương thu hoạch từ 20-40% ở nhiều khu vực thuộc châu Á, châu Phi, và Mỹ La tinh). Cũng theo FAO, khoảng 3/4 gien của các loại nông nghiệp, hàng trăm gien vật nuôi có nguy cơ biến mất cũng ảnh hưởng đến năng lực sản xuất nông nghiệp. Sản lượng nông nghiệp đang giảm sút, gây ra nạn đói kém.

Một nguy cơ lớn đe dọa an ninh lương thực trong tương lai là vấn đề thiếu nước cho nông nghiệp. Hiện nay, nông nghiệp đang sử dụng 70% lượng nước tiêu thụ trên thế giới và dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới. Hiện nguồn nước trên trái đất đang chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu, lượng nước ngầm và nước mưa suy giảm ở nhiều nơi, đe dọa đến sản xuất lương thực toàn cầu. Khủng hoảng nguồn nước thực sự là nguy cơ to lớn đe dọa an ninh lương thực trong thời gian tới.

1.3.2.2. Nhóm nhân tố tác động đến sự tiếp cận lương thực

Thứ nhất, thị trường nông sản thế giới bị bóp méo vì chính sách trợ cấp nông nghiệp của các nước công nghiệp phát triển.

Theo OECD, hàng năm, Mỹ và châu Âu trợ cấp 283 tỷ USD cho nông nghiệp. Theo WB, chính sách trợ cấp này và mức thuế quan cao trong nông nghiệp của các nước phát triển đã khiến các nước đang phát triển mất khoảng 100 tỷ USD thu nhập hàng năm. Vì vậy, ngay từ vòng đàm phán Urugoay (năm 1987), các nước đang phát triển, đặc biệt là nhóm các nước xuất khẩu

nông sản, đã thúc đẩy đàm phán tự do hóa nông nghiệp. Dù vậy, đàm phán nông nghiệp tiến triển rất chậm, hiện là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bế tắc của vòng đàm phán Đôha. Có ý kiến cho rằng bế tắc trong tự do hóa nông nghiệp dẫn đến thực tiễn thương mại xấu ở một số nước, làm tăng mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng lương thực. Ví dụ, theo cam kết với WTO, hàng năm Nhật Bản nhập khẩu gần 800.000 tấn gạo chỉ để cất trữ trong khi nhiều nước không thể tiếp cận nguồn cung lương thực.

- Thứ hai, việc nhiều nước xuất khẩu lương thực, khởi đầu là Ấn Độ (cuối năm 2007), sau đó Ai Cập, Campuchia, Mêxico, … (quý I/2008) thời gian vừa qua hạn chế xuất khẩu càng khiến giá lương thực tăng cao.

Theo FAO, về tổng thể cung - cầu gạo trên thế giới tương đối cân bằng (năm 2007, tổng cung gạo là 538 triệu tấn, nhu cầu gạo là 435,7 triệu tấn). Gạo là lương thực chính cho hơn 3 tỷ người, nên là mặt hàng rất nhạy cảm. Vì vậy, khi giá gạo bắt đầu tăng, nhiều nước kiểm soát giá gạo và xuất khẩu gạo do lo ngại bất ổn trong nước, khiến các nước nhập khẩu gạo ở Đông Á, Nam Á và châu Phi “hoảng hốt” tăng cường thu mua, tích trữ, lại càng đẩy giá gạo lên cao, là một nguyên nhân nổ ra khủng hoảng lương thực thế giới năm 2007-2008.

1.3.2.3. Nhóm nhân tố tác động đến sự ổn định của lương thực

- Thứ nhất, sức ép dân số và thay đổi trong cơ cấu tiêu dùng, trong khi nguồn cung ứng lương thực bị đe dọa.

Dân số là một trong những nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh lương thực. Dân số tăng sẽ dẫn đến nhu cầu tiêu thụ lương thực tăng, diện tích đất sử dụng cho nông nghiệp sẽ ít nhiều bị giảm đi do phải nhường cho đất sinh hoạt. Khi cung về lương thực không kịp đáp ứng cầu lương thực sẽ dẫn đến khủng hoảng lương thực (thiếu lương thực, giá lương thực tăng…). Theo Liên Hợp quốc, dân số thế giới đã tăng từ 4,4 tỷ người năm 1980 lên 7 tỷ người năm 2010 và dự kiến đạt khoảng 9 tỷ người vào năm 2050. Nhu cầu

lương thực thế giới tiếp tục tăng nhanh còn do gia tăng của tầng lớp trung lưu tại các nước mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin, Nga…). Hiện nay, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc là 170 triệu người, ở Ấn Độ là 350 triệu người. Trong 10 năm qua, nhu cầu của người dân Trung Quốc về thịt tăng 30%, trứng tăng 40%, sữa tăng 4 lần. Cơ cấu tiêu dùng chuyển dịch theo xu hướng giảm ngũ cốc, tăng đạm đã “hấp thụ” một lượng lớn lương thực cho sản xuất chăn nuôi (để có 1 kg thịt bò, cần 10 kg ngũ cốc).

- Thứ hai, các nhu cầu về lương thực không chỉ tăng do dân số tăng, mà còn do nhu cầu của các ngành kinh tế khác.

Mỹ, Tây Âu, và Trung Quốc đang thực hiện thay năng lượng được khai thác từ dưới đất bằng năng lượng sinh học, sử dụng nhiều lương thực (chủ yếu là ngô, lúa mì…) để sản xuất nhiên liệu sạch (ethanol và diesel sinh học). Mỹ dùng khoảng 18% ngũ cốc, 30% ngô (dự kiến tăng lên 50%) để sản xuất nhiên liệu sinh học. Hiện nay, 15% quỹ đất nông nghiệp ở Đức và Pháp, khoảng 20% đất trồng ngô tại Mỹ được dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Theo Liên hợp quốc, sản xuất nhiên liệu sinh học có thể làm tăng giá các hạt có dầu và ngũ cốc 30%. Đây là nhân tố làm tăng cầu lương thực, khiến giá lương thực tăng cao, dẫn đến nhiều người dân khó mua được lương thực hoặc phải giảm tiêu dùng lương thực.

Ngoài ra, các cuộc chiến tranh, xung đột, nội chiến kéo dài dai dẳng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Phi, đã ảnh hưởng trực tiếp tới sự ổn định của nguồn cung lương thực, tới sức khỏe cộng đồng trên quy mô rộng [14].

1.3.2.4. Nhóm nhân tố tác động đến sự an toàn, chất lượng của lương thực

Sẵn có lương thực ổn định, tiếp cận được lương thực nhưng việc sử dụng lương thực đảm bảo an toàn, chất lượng là vấn đề đang được quan tâm trong đảm bảo an ninh lương thực. Các nhân tố tác động đến sự an toàn, chất lượng của lương thực là:

Thứ nhất, việc ứng dụng công nghệ sinh học, chọn tạo giống lúa và lương thực đảm bảo dinh dưỡng. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới, nhu cầu đảm bảo dinh dưỡng và chất lượng bữa ăn với thành phần lương thực, thực phẩm ngày càng được nâng cao. Một ví dụ của việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nâng cao dinh dưỡng của lương thực là việc tạo ra giống “lúa vàng”, một giống lúa được cải biến gen và có bổ sung thêm chất beta carotene - chất sẽ được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể con người, khắc phục sự thiếu chất vitamin A.

Thứ hai, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, an toàn và thân thiện môi trường trong việc tạo ra các sản phẩm lương thực sạch, không chứa nhiều hóa chất, đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, không gây hại cho sức khỏe của người dùng.

Các phân khúc thị trường tiêu dùng lương thực, thực phẩm ở các nước phát triển đã và đang có yêu cầu cao về vệ sinh, an toàn lương thực, thực phẩm và chất lượng của nông sản đưa ra thị trường cũng như được nhập khẩu.

Thứ ba, các chính sách của các quốc gia trong việc quản lý an toàn lương thực, thực phẩm và chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân thông qua phòng chống suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em.

Vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, vấn đề “lương thực sạch” đang được nhiều quốc gia quan tâm, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.

CHƯƠNG 2

TÌNH HÌNH AN NINH LƯƠNG THỰC VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Một phần của tài liệu An ninh lương thực của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 39)