2.3.1. Tiểu sử
Nguyễn Thị Lịch sinh năm 1950 tại làng An Thái- xã Phượng Lâu- thành phố Việt Trì- tỉnh Phú Thọ. Nơi đây có ngôi miếu cổ độc đáo và duy nhất gọi là Hùng Vương tổ miếu ở phía đông nam thành phố Việt Trì. An Thái giữ một nét đẹp truyền thống đó là một trong bốn làng Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ. Người dân làng An Thái quanh năm gắn với nghề nông, gần đây hát Xoan đã trở thành một “nghề” trong cộng đồng, cuộc sống người dân An Thái tuy không giàu có nhưng vô cùng phóng khoáng hiền hậu được Xoan bồi đắp càng thêm phong phú mặn mà hơn. Đây chính là môi trường khách quan giúp Nguyễn Thị Lịch tiếp xúc với hát Xoan.
Ông nội cụ Lịch là Nguyễn Văn Trìu, một nghệ nhân hát Xoan có tiếng của tỉnh Phú Thọ. Khi ông mất đã trao lại sứ mệnh trùm phường Xoan cho con trai là Nguyễn Tất Thắng (bố đẻ cụ Lịch). Trước đây Nguyễn Tất Thắng là một chiến sỹ công an của tỉnh Phú Thọ, cũng là người rất nặng lòng với hát Xoan và rất có công trong việc lưu giữ các tài liệu về Xoan, cũng như đau đáu với việc gìn giữ, truyền dạy hát Xoan đến các thế hệ sau này. “Năm 1996, Nguyễn Tất Thắng đứng ra vận động thành lập Câu lạc bộ hát Xoan An Thái và bà Lịch là người trẻ nhất tham gia câu lạc bộ. Ban đầu chỉ có gần 20 người tham gia, dần dần số người ngày một đông. Từ khi có Câu lạc bộ hát Xoan,
những quả cách được phục dựng, những lời kép, lời đào lại được luyến láy ngân vang bởi những người dân đất Tổ” [22; 19]. Đây là điều kiện trực tiếp đưa Nguyễn Thị Lịch đến với hát Xoan.
Bản thân Nguyễn Thị Lịch sinh ra trong một gia đình có 6 chị em, cả 6 người con đều được bố Nguyễn Tất Thắng truyền dạy Xoan nhưng chỉ có riêng cụ giữ được làn điệu Xoan: “Nói về giọng hát thì ai trong gia đình cũng có, nhưng duy nhất có tôi được cha truyền dạy lại chuẩn nhất. Tuy là con gái nhưng vì thích ca thích hát nên được giao trọng trách, còn các em tôi học nhưng không giữ được vốn Xoan như tôi.”(Nguyễn Thị Lịch kể). Người mẹ Nguyễn Thị Xinh tuy không trực tiếp truyền dạy nhưng cũng ảnh hưởng đến tâm hồn cụ: “trong từng lời hát ru các con nựng từng đứa mẹ tôi đều dùng Xoan để ca” (cụ Lịch kể). Với cụ Lịch, những làn điệu Xoan đã ăn vào máu thịt của cụ từ nhỏ chính bởi tình yêu với những làn điệu Xoan cổ, vì khi con người ta yêu thích sẽ nhập tâm học và rất dễ say mê Xoan.
Có hai con đường hình thành nghệ nhân: một là liên quan tới huyết thống, hai là ngoài huyết thống- tức tự học từ những người xung quanh. Ở trường hợp nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch gắn chặt với con đường trên cả huyết thống và ngoài huyết thống bởi ngoài được truyền dạy từ ông nội và bố đẻ cụ còn học từ những người xung quanh là các cụ ông cụ bà trong phường Xoan do bố đẻ mình thành lập. Học từ những người xung quanh giúp vốn Xoan của cụ thêm phong phú mượt mà, tuy nhiên yếu tố gia truyền quyết định bài bản lề lối hát Xoan trong cụ.
Qua tìm hiểu về cuộc đời và con đường đến với nghệ thuật hát Xoan của cụ Nguyễn Thị Lịch ta thấy cụ có đầy đủ điều kiện tiếp xúc với hát Xoan từ khách quan đến chủ quan đồng thời với sự học hỏi và tài năng diễn xướng độc đáo cụ trở thành nghệ nhân hát Xoan. Chính nhờ sự tiếp xúc đó đã giúp cụ có vị trí quan trọng trong phường Xoan, cụ là “trùm phường” Xoan An Thái trong suốt thời gian dài.
2.3.2. Khả năng diễn xướng của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch
Theo cách hiểu đơn giản công chúng cho rằng nghệ nhân là những người biểu diễn bài bản những làn điệu hát Xoan, thể hiện tài năng trong diễn xướng. Tuy nhiên theo quyết định số 2743/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế xét tặng danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ ta có thể hiểu rõ hơn về “nghệ nhân” và vai trò to lớn của họ: “Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng và các hoạt động phục dựng, trao chuyền các làn điệu hát Xoan; Am hiểu và trình diễn xuất sắc nghệ thuật hát Xoan trong đời sống cộng đồng, nắm giữ và thực hành thuần thục nhiều làn, nhiều bài hát Xoan cổ; Có nhiều đóng góp trong việc cung cấp tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu về hát Xoan” ( Theo QĐ số 2743).
Như vậy ngoài việc chấp hành tốt các chủ trương, đường lối điều quan trọng để trở thành một nghệ nhân là có sự am hiểu và trình diễn xuất sắc những làn điệu Xoan. Điều đó đã được nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch khẳng định trên con đường đến với hát Xoan của mình.
Biết hát Xoan từ khi còn nhỏ nhưng theo lời kể của cụ Lịch đến năm 12 tuổi đã trình diễn thành thục hát Xoan. Bài hát đầu tiên mà cụ Lịch diễn xướng là bài “Tràng mai cách”. Phần trình diễn đã được cụ kể lại: “Khi trình diễn có một kép nam đưa cách, một kép nam đánh trống, từ 4- 6 đào hát. Bố tôi muốn thử tài con gái nên muốn tôi trình diễn một mình”. Yêu cầu: kép nam và đào hát kết hợp ăn ý với nhau vừa hát vừa múa giữ đúng nhịp phách nhịp trống.
(Hình ảnh minh họa. Ảnh: Anh Tuấn. Nguồn: Báo văn hóa điện tử) Khả năng trình diễn được khẳng định khi cụ Lịch đã một mình làm tất cả công việc đưa trống đưa phách của kép nam vừa hát kết hợp múa của đào nữ. Ngay từ bài diễn xướng đầu tiên cụ Lịch đã thể hiện thành công và truyền tải được đầy đủ nội dung là mừng vua Lê dựng nước Văn Lang đầu tiên, cầu cho mùa màng tươi tốt, mưa thuật gió hòa từ đó cụ Lịch cùng với mọi người trong phường tham gia các hoạt động của phường Xoan cũng như diễn xướng làn điệu Xoan. Đó là nhưng năm tháng đầu tiên cụ gắn bó với hát Xoan mặc dù là đào Xoan trẻ nhất trong phường Xoan An Thái, nhưng dường như với tài năng bẩm sinh cùng với sự học hỏi đã nắm chắc được vốn hát Xoan, đúng theo lời cụ kể lại: “Tôi ham mê học hát Xoan nên tôi thường học theo cách hát của các cụ ông cụ bà trong làng, được cái tôi tiếp thu rất nhanh. Vì vậy vốn hát Xoan rất chắc”. (Cụ Lịch kể) Đặc biệt khi bố đẻ là Nguyễn Tất Thắng giao trọng trách là trùm phường cụ đã không ngừng rèn luyện và tập dượt những điệu Xoan cổ. Để thành tựu đạt được là không nhỏ: “Tôi hát được cả ba phần hát Xoan: hát nghi lễ, hát các quả cách và hát hội. Bài nào cũng thành thục, tôi hiểu hết các lời bài hát ngay cả bài Xin huê đố chữ nhiều nghệ nhân cho là rất khó hiểu tôi cũng hiểu rất cạn kẽ”. Người viết xin được trích văn bản Xin huê đố chữ cài hoa bắt cá theo phường Xoan An Thái:
Nam: A á Anh xin nàng một chút huê sao hỡi nàng? 46
Nữ: Trình chàng quân tử chàng chớ đãi bôi. Chàng bảo huê tôi là huê gì hỡi duyên tôi là huê gì?
Nam: Anh xin nàng một chút huê trong hộp sao hỡi nàng?
Nữ: Huê trầu mùa này nó chưa nở. Nữa một mai nó nở thiếp lại bẻ cho chàng. Sợ chàng chẳng yêu sợ chàng chẳng dấu. Để huê nụ héo. Huê hỡi huê hời là huê.
…
Nam: Anh đố em biết chữ gì trên trời rơi xuống? Anh đố em biết chữ gì làm ruộng nuôi ta? Anh đố em biết chữ gì nên việc cửa nhà?
Anh đố em biết chữ gì thấy người qua là chẳng chào?
Nữ: Anh đã đố thời anh lại giảng dân nghe. Em chẳng biết thời anh lại giảng có dân nghe.
Nam: Vũ là mưa trên trời rơi xuống Ngưu là trâu làm ruộng nuôi ta Thê là vợ nên việc cửa nhà
Nộ là giận thấy người qua chẳng chào. Nữ: Đường là đường len lại là len…
Theo cụ Lịch phần hát Xin huê đố chữ gây khó hiểu và nhiều tranh cãi là bởi vì mỗi phường Xoan có cấu trúc lời hát khác nhau, luân phiêu giữa nam và nữ có sự tráo đổi. Yêu cầu khi trình diễn dụng cụ đơn giản là trống và phách, trọng tâm là nam nữ thử tài xin huê và nghĩa giải chữ Nôm. Tuy nhiên từ việc nắm được những khó khăn đó cụ khắc phục, học hỏi, luyện tập cụ đã chiếm lĩnh được những điều cốt lõi, căn bản của phần hát này.Có được khả năng chiếm lĩnh đặc biệt như vậy bởi “Tôi có trí nhớ tốt” (cụ Lịch kể). Tài năng và huyết thống đã giúp cụ Nguyễn Thị Lịch không chỉ say mê tìm tòi về Xoan mà còn am tường có khả năng truyền dạy.
Quá trình gắn bó với nghệ thuât hát Xoan đã giúp cụ có được thành công cũng như khả năng nhất định. Năm 2006 và 2012 cụ được phong tặng là
nghệ nhân hát Xoan, “Tôi và cụ Nguyễn Thị Hải trong phường Xoan An Thái được Quốc gia vinh danh tại Hà Nội là nghệ nhân hát Xoan vào ngày 1/1/2006 có bằng khen và kỉ niệm chương. Lần 2 là năm 2012 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ vinh danh nghệ nhân hát Xoan tại Bảo tàng Hùng Vương” đó chính là cơ sở để ta khẳng định năng lực không nhỏ của cụ. Bởi : “Nghệ nhân là người chuyên làm nghề nghệ thuật biểu diễn hoặc một nghề thủ công mĩ nghệ, với trình độ cao” [22; số 16].
(Nhà nước phong tặng nghệ nhân hát Xoan năm 2006. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch đứng thứ 2 từ trái sang. Ảnh: Người viết)
(Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ vinh danh nghệ nhân hát Xoan. Đây là lần thứ 2 nghệ nhân Nguyễn Thi Lịch được vinh danh. Ảnh: Người viết)
Cụ Nguyễn Thị Lịch được mọi người biết đến không chỉ là một người hát Xoan hay mà còn là người có tài năng trình diễn điêu liệu và truyền dạy rất chuẩn những làn điệu Xoan cổ cho thế hệ trẻ. Từ khi được công nhận danh hiệu nghệ nhân, cụ có thêm nhiều điều kiện để gắn bó và tiếp tục lưu giữ những điệu hát Xoan này. Sự đóng góp của nghệ nhân, góp phần đem lại thành công cho hát Xoan Phú Thọ, được thế giới công nhận là giá trị phi vật thể của nhân loại…
Năm nay đã 64 tuổi, nhưng cụ vẫn không thôi nhiệt huyết, tiếp tục trình diễn và bảo tồn nền văn hóa dân gian bằng việc truyền dạy tâm huyết. Trình độ trình diễn của cụ Lịch rất điêu luyện đạt “đỉnh cao” mà ở tuổi của cụ ít người đạt được. Đến đây ta càng thấy tầm quan trọng của huyết thống gia đình truyền dạy bài bản trong sự nở rộ tài năng của nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Lịch.
2.3.3. Vai trò của nghệ nhân trong diễn xướng
Các nghệ nhân hát Xoan đã thể hiện tài năng của mình qua cách hát, trình diễn điêu luyện mang phong cách riêng mà nhiều loại hình khác không có được. Điều này cho ta thấy phần diễn rất quan trọng nó phong phú, đa dạng: có nghi lễ trang nghiêm, có hài hước vui nhộn. Nếu như hát quan họ Bắc Ninh người hát chú tâm hát, người nghe chỉ chăm chú nghe xem bạn diễn cùng mình hát hay tới mức nào và có hình thức ứng đối lại thì với hát Xoan nghệ nhân không chỉ hát sao cho hay cho mượt mà các nghệ nhân còn phải diễn ăn nhập nhuần nhuyễn với lời ca. [15;23-25]. Từ việc hiểu cặn kẽ về nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch giúp chúng ta có nhiều kiến giải sâu sắc về hình thức nghệ thuật dân gian này.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch giữ trọng trách chủ chốt trong phường Xoan An Thái xã Phượng Lâu: “trùm phường”- là người thuộc nhiều bài hát Xoan, biết chữ Nôm, trong tập dượt cũng như trình diễn vừa là người hướng
dẫn đào kép hát, múa vừa là người quản lý, ngoài ra trùm phường còn là người giao dịch với các làng kết nghĩa mà phường Xoan đến hát. [12;85]
Trong diễn xướng nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch là một đào chính tham gia hát cùng mọi người trong phường Xoan An Thái cả 3 phần Xoan: phần hát nghi lễ, hát các quả cách và phần hát hội. Thông thường một đào chính sẽ đảm nhận một phần trong hát Xoan, nhưng do chưa có nhiều người có thể trình diễn thành thục đủ thể loại này nên để đảm bảo cho chính xác cả phần nội dung diễn đạt cũng như cách thức trình diễn, giúp Xoan “ sống” đúng với bản chất thì cụ Nguyễn Thị Lịch hiện nay vẫn đang giữ trọng trách diễn xướng trong cả ba phần. Điều đó cũng thể hiện năng lực đặc biệt của nghệ nhân.
Như vậy diễn xướng hát Xoan cũng như nhiều loại hình sân khấu khác, để giữ được những nét tinh túy, giữ được cái hồn của loại thể thì điều quan trọng đặt lên chính trách nhiệm của những nghệ nhân. Có thể coi nghệ nhân là những người giữ lửa, giữ phần hồn, phần cốt lõi. Không có sự xuất hiện của nghệ nhân, mọi yếu tố như : nội dung, nghệ thuật diễn xướng chỉ nhằm mục đích giải trí chứ không có đóng góp về văn hóa. Mà nhắc đến Văn học Dân gian nói chung, các loại hình nghệ thuật nói riêng điều cần cốt phải có chính là văn hóa. Có thể nói, nhờ nghệ nhân mà cái Gen của Văn hóa, Gen của truyền thống được phát huy, bảo tồn.