2.1.1.1.Tác động của quá trình phát triển công nghiệp tới môi trường
Để thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nền công nghiệp nước ta phải duy trì giá trị gia tăng sản lượng ở mức hai con số. Điều này tất yếu dẫn tới nhu cầu sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu mà chủ yếu là do khai thác khoáng sản và sử dụng nguyên liệu từ nông - lâm - thuỷ sản sẽ phải tăng theo tương ứng.
Hiện nay tiêu thụ khoảng 3.5 đến 4 triệu tấn than/năm và phải nhập khẩu khoảng 2.5 triệu tấn xăng dầu/năm. Dự kiến đến năm 2010 mức tiêu thụ năng lượng ở nước ta sẽ tăng gấp 2 lần hiện nay. Trong công nghiệp giấy, hiện nay nước ta đang sản xuất được khoảng 170 nghìn tấn bột giấy và 190 nghìn tấn giấy. Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất số sản phẩm đó, cần phải khai thác từ 70 - 80 nghìn ha rừng tre, nứa, gỗ mỗi năm. Như vậy phải tiến hành trồng từ 10 đến 17 năm trước mới có rừng để khai thác hôm nay.
Thực tế cho thấy, để phát triển công nghiệp và xuất khẩu, tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác một cách tối đa và tính chất lãng phí trong khai thác, sử dụng bộc lộ hết sức rõ nét.
Nhìn chung, nhiều ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam hiện nay là những ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên. Cụ thể là các ngành khai thác năng lượng, khoáng sản (dầu, than, điện, quặng các loại), ngành công nghiệp sản
xuất phân bón, hoá chất, xi măng, nhựa; ngành công nghiệp khai thác chế biến gỗ và các sản phẩm lâm sản; ngành công nghiệp chế biến hải sản, cao su và các loại nông thổ sản; ngành công nghiệp sản xuất giấy, diêm; ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim; ngành công nghiệp sản xuất mía đường; ngành công nghiệp thuộc da và một số ngành sản xuất đồ gia dụng khác.
Nguồn lực thuỷ hải sản là một trong những nguồn tài nguyên của nước ta, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển công nghiệp chế biến và đẩy mạnh xuất khẩu. Ở nước ta hiện nay, do thiếu phương tiện đánh bắt xa bờ và cũng do việc đánh bắt gần bờ dễ dàng, chi phí ít hơn, thu lợi nhuận trước mắt cao hơn nên việc các doanh nghiệp đánh bắt hải sản của quốc doanh và tư nhân, ngư dân đều chủ yếu diễn ra gần bờ. Vùng biển gần bờ là vùng tập trung chủ yếu các loại cá con, là bãi đẻ chính của nhiều loại cá và hải sản khác. Cường độ khai thác ở khu vực này quá lớn, nhiều nơi mức khai thác đã vượt quá giới hạn cho phép gây ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi. Trong nhiều trường hợp, người ta còn dùng các phương tiện đánh bắt cá mang tính huỷ diệt như mìn, xung điện…
Những hiện tượng trên đã làm cho nguồn lợi biển của nước ta đang trên đà cạn kiệt nhanh chóng. Việc nuôi trồng tôm và các loại hải sản khác để xuất khẩu trong vài năm qua cũng đang gia tăng. Nhưng do việc quy hoạch các bãi và vùng chăn thả còn chưa hợp lý và đặc biệt là kỹ thuật nuôi trồng còn theo kiểu quảng canh, không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường cùng với việc chặt phá rừng đước, rừng tràm một cách bừa bãi cũng làm cho diện tích rừng ngập mặn trong tình trạng bị đe doạ nghiêm trọng, làm mất dần bình phong chống bão, sóng biển và xói mòn ven bờ, khống chế lũ lụt, bãi đẻ, bãi nuôi các loại sinh vật biển có giá trị cao. Nguồn cá và các loại thuỷ sản nước ngọt khác cũng đang bị cạn kiệt nhanh chóng do tình trạng ô nhiễm đất, nước thải (đặc biệt là nước thải công nghiệp), sử dụng tràn lan phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, đánh bắt ồ ạt, nhất là dùng các phương tiện mang tính chất huỷ diệt như xung điện hoặc thuốc nổ.
Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo được, vì vậy khi khai thác cần cân nhắc cẩn trọng tránh lãng phí. Tuy nhiên với tình hình khai thác khoáng sản như hiện nay thì nguy cơ thất thoát và mất mỏ là rất cao, hơn nữa còn đe doạ mất cân bằng sinh thái. Theo tổng hợp gần đây, tỷ lệ tổn thất trong khai thác khoáng sản rất cao, có nơi tới 50%.
- Tổn thất trong khai thác than hầm lò là: 40 - 60% - Tổn thất trong khai thác than lộ thiên là: 10 - 15% - Tổn thất trong khai thác apatit là: 26 - 43%
- Tổn thất trong khai thác quặng kim loại là: 15 - 30% - Tổn thất trong khai thác vật liệu xây dung là: 15 - 20% - Tổn thất trong khai thác dầu khí là: 50 - 60% [3, tr.24]
Trong chế biến khoáng sản, tổn thất cũng rất cao. Khoáng sản vàng là ví dụ điển hình. Hiện tại, độ thu hồi quặng vàng trong chế biến (tổng thu hồi) chỉ đạt 30 - 40%, có nghĩa là hơn một nửa thải ra ngoài bãi thải, không chỉ mất mát to lớn về tài nguyên quý hiếm mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hệ quả môi trường không mong muốn gia tăng cùng với quá trình công nghiệp hoá. Sản xuất công nghiệp với quy trình lạc hậu kéo theo tỷ xuất phát thải cũng cao hơn. Mức thải trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Nước thải của các nhà máy giấy Việt Nam tính trên đơn vị sản phẩm đạt mức trên 500m3/1 tấn giấy, gấp 5 lần so với chỉ tiêu tương tự của thế giới (khoảng 100m3/1 tấn). Nước thải của công nghiệp chế biến thực phẩm cũng cao gấp 3-4 lần. Phần lớn nước thải công nghiệp chưa được xử lý (Theo thống kê của Bộ tài nguyên và môi trường, năm 2005 có đến 95,74 nước thải chưa được xử lý thải trực tiếp ra môi trường) đã huỷ hoại nghiêm trọng môi trường đất, không khí và nước- trường hợp công ty Vedan là một điển hình, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của cư dân. Công nghiệp phát thải cao, hơn nữa lại phân bố thiếu hợp lý xen lẫn với khu dân cư đã đưa lại những hậu quả môi trường nặng nề ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng.
Kèm theo sự gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng, nguyên liệu trong phát triển công nghiệp thì lượng các chất phế thải trong công nghiệp, tiêu dùng cũng tăng lên nhanh chóng ở cả 3 dạng vật chất (rắn, lỏng, khí). Các chất phế thải này đã- đang và sẽ là hiểm hoạ đe doạ nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái nước ta. Đáng lưu ý là nước ta là một nước nông nghiệp, đang trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nên ngành công nghiệp nước ta đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển để nước ta căn bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Nền công nghiệp nước ta hiện nay vẫn còn trong tình trạng kém phát triển với quy mô vừa và nhỏ là chính, chưa có sự quy hoạch xây dựng ở những địa điểm thích hợp, phần lớn đều phân bố tập trung tại khu vực đông dân cư, trung tâm đô thị. Thiết bị và công nghệ sản xuất vừa cũ kĩ vừa lạc hậu với 80% thiết bị sản xuất thuộc thế hệ những năm 1980. Gần đây một số xí nghiệp được trang bị khá hiện đại song cũng chỉ đạt trình độ hiện đại trung bình của thế giới và chiếm khoảng 20%, chỉ một số rất ít, không đáng kể thiết bị và công nghệ sản xuất đạt trình độ tiên tiến. Có tới 80% nhà máy công nghiệp chưa có hệ thống xử lý chất phế thải, số còn lại có hệ thống xử lý chất phế thải nhưng chưa hoàn chỉnh. Nhiều nhà máy quy tụ vào một số vùng và trùng với sự phân bố chung của nhà máy thuộc các nhóm sản xuất công nghiệp khác nhau khiến cho mức độ ô nhiễm tại một nơi nào đó (thường là các khu công nghiệp, khu chế xuất) càng tăng lên. Tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp đặc biệt nghiêm trọng, tập trung ở một số đô thị, khu công nghiệp lớn. Thực tế cho thấy sự tập trung thái quá tại một số điểm và thiếu các cân nhắc cần thiết, các tính năng công nghiệp thích hợp, đặc biệt là ở vùng Đông Nam Bộ ( TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...) chiếm trên 50% giá trị công nghiệp cả nước đã tạo ra các vấn đề nóng về môi trường, kéo theo các vấn đề xã hội bức xúc.
Tình trạng nước thải do sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nước ta hiện đang là vấn đề nghiêm trọng và bức xúc. Ở Hà Nội có từ 100 - 150 nghìn m3 nước thải công nghiệp mỗi ngày không qua xử lý được xả trực tiếp xuống các sông Kim Ngưu, Tô Lịch khiến cho nước ở các sông này bị ô nhiễm nặng. Với tốc độ phát
triển công nghiệp và thương mại như hiện nay thì ước tính sau 15 năm nữa, lượng chất thải sẽ tăng lên gấp 10 lần hiện nay nếu không có giải pháp hữu hiệu và kịp thời. Trong công nghiệp sản xuất giấy, ngay cả những nhà máy xí nghiệp lớn, được trang bị công nghệ xử lý chất thải trong giai đoạn 1975 - 1980 như Bãi Bằng, Cogido, Tân Mai cũng đã thải xuống sông một lượng độc tố (Lighin) có hàm lượng cao và thải vào khí quyển H2, H2S, SO2, bụi Na2CO, CH3CH (Metyl veercaptan),… với hàm lượng lớn hơn mức cho phép nhiều lần, gây nguy hại cho môi trường và sức khoẻ cộng đồng.
Công nghiệp sản xuất mía đường, thuộc da cũng làm ô nhiễm môi trường do lượng nước bùn, khí và chất thải rắn, những phế thải này không chỉ gây tác hại cho môi trường dưới tác động hoá học mà còn cả tác động sinh học làm bẩn môi trường (vi sinh vật lên men, gây thối).
Ngành khai thác than có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế nước ta trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hậu quả để lại cho môi trường cũng vô cùng nghiêm trọng, cần có sự đánh giá và phân tích khách quan để tìm ra giải pháp khắc phục. Hiện nay trên địa bàn vùng mỏ Quảng Ninh có hơn 30 mỏ được khai thác hợp pháp (hầu hết số mỏ đó khai thác lộ thiên, chỉ có 9 mỏ khai thác hầm lò). Nhiều mỏ trong số đó đã hoạt động từ thời Pháp thuộc và tiếp tục được gia tăng cường độ khai thác. Hiện nay, theo quy định của Nhà nước trước khi khai thác phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và sau khi khai thác xong phải phủ lại các lớp đất mùn và trồng cây trên đó để hoàn lại cảnh quan ban đầu. Quy trình công nghệ khai thác được quy định như vậy nhưng tất cả các mỏ than tại Quảng Ninh đều không thực hiện đúng theo quy định. Do vậy đã hình thành những bãi rác và núi thải đất đá khổng lồ. Hàng chục ha rừng và đất canh tác bị xâm phạm và biến thành các bãi thải, núi thải khổng lồ, không được che phủ cây xanh lên và không có sinh vật nào có thể sinh sống được với bụi than, bụi cát cao gấp 10 đến 100 lần tiêu chuẩn cho phép. Sông Mông Dương, Diên Vọng bị thu hẹp dòng chảy, nguồn nước sinh hoạt của thợ mỏ và dân cư trong vùng bị ô nhiễm nặng nề. Qua điều tra, cứ 4000 người dân Quảng
Ninh khám bệnh thì có tới 2500 người mắc bệnh (trong đó 80% mắc bệnh bụi phổi, hen phế quản, tai mũi họng) và tỷ lệ ung thư cũng ngày càng cao.
Trên vùng biển Quảng Ninh, lượng tàu vào lấy than ngày càng nhiều làm cho lượng dầu thải lớn rơi vãi trên vịnh. Thêm vào đó, các xà lan chở dầu để xả nước lẫn dầu xuống biển, gây ô nhiễm nước biển. Vịnh Hạ Long bị ô nhiễm nghiêm trọng không chỉ bởi các chất hoà tan, không hoà tan từ các mỏ than thải ra tích tụ lại mà còn do lượng dầu thải của các tàu chở dầu, lấy than hoạt động trong vùng vịnh. Cảnh quan du lịch ở vịnh Hạ Long cũng đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi nạn ô nhiễm môi trường.
Các mỏ khai thác khoáng sản khác ở nước ta như mỏ quặng sắt, khoáng titan ở vùng biển miền Trung từ nghệ An đến Khánh Hoà, mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), các mỏ kim loại khác như chì, kẽm, cromit, đồng… và đặc biệt là tình trạng khai thác trái phép ở các mỏ vàng, đá quý ở Kim Bôi, Xuân Mai (Hoà Bình), Bảo Yên (Lào Cai), Bình Gia (Lạng Sơn)… cũng tương tự như ở Quảng Bình. Tình trạng lãng phí tài nguyên, xáo trộn cảnh quan thiên nhiên và huỷ hoại môi trường xảy ra rất nghiêm trọng do hoạt động khai thác bừa bãi, bất hợp pháp.
Có thể nói hầu như không một ngành sản xuất công nghiệp, một xí nghiệp công nghiệp nào trong quá trình hoạt động, sản xuất, phát triển lại không hề gây ra tác động tiêu cực đến môi trường. Như vậy, cùng với quá trình phát triển công nghiệp trong thời gian qua là sự gia tăng của cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
2.1.1.2 Tác động của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn tới môi trường.
Sản xuất nông nghiệp và các hoạt động ở nông thôn trong những năm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã có nhiều biến đổi quan trọng. Việc phát triển sản xuất nông nghiệp đã tăng lượng sử dụng các loại phân vô cơ, thuốc hoá chất bảo vệ thực vật vừa làm tăng năng suất cây trồng nhưng cũng làm tăng độ ô nhiễm các chất độc hại đối với đất, nước và cả với sức khoẻ con
người. Nguồn nước tưới dùng trong nông nghiệp chịu ảnh hưởng của các nguồn nước thải từ đô thị và các nhà máy công nghiệp, tại hầu hết các khu vực đều bị ô nhiễm khá cao. Việc phát triển nuôi tôm một cách thiếu quy hoạch và không đúng kỹ thuật, không chỉ gây nên tình trạng đầm tôm lấn đất lúa, mà còn gây ô nhiễm nguồn nước tăng vọt do vùng nước đầm nuôi tôm không được xử lý hợp lý. Sự phát triển của các làng nghề có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế - xã hội, song do chưa chú ý đúng mức đến các biện pháp bảo vệ môi trường nên đã làm tăng mức độ ô nhiễm cho làng xóm dân cư sinh sống.
Lấy đồng bằng sông Hồng làm điển hình để xem xét tình trạng môi trường nông thôn do phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỷ công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay. Đây là một trong những vùng có biến chuyển nhiều nhất trong những năm qua về trình độ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và cũng chịu ảnh hưởng rất lớn về môi trường của phát triển đô thị, các khu công nghiệp, giao thông và hoạt động làng nghề.
Có thể xem xét vấn đề môi trường nông thôn trong các khía cạnh sau: a) Liên quan trước hết đến tài nguyên và môi trường là vấn đề dân số, nhất là đồng bằng sông Hồng từ trước đến nay vốn nổi tiếng là vùng đất chật người đông, chiếm 21,88% dân số cả nước. Đặc biệt đáng lưu ý là tuy có hạn chế được mức tăng dân số trong toàn vùng, nhưng đồng bằng sông Hồng vẫn là nơi có mật độ dân số cao nhất trong cả nước (năm 2007 là 1238 người/km2, trong khi mật độ dân số của các nước là 257 người/km2). Do dân số đông với mật độ dân số quá cao, nhiều nơi chưa có phương hướng hợp lý phát triển kinh tế nông thôn, lại chịu tác động rất mạnh của xu thế đô thị hoá, công nghiệp hoá còn thiếu ý thức bảo vệ môi trường, nên mức độ ô nhiễm môi trường nông thôn đang ngày một tăng thêm.
b) Nông nghiệp vẫn giữ vị trí hết sức quan trọng trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đồng bằng sông Hồng nhưng diện tích bình quân đất nông nghiệp tính
theo đầu người rất thấp, chỉ khoảng 500m2/người hoặc 620m2/ nhân khẩu nông nghiệp. Cho nên, vấn đề đáng quan tâm là cơ cấu sử dụng đất và chất lượng đất.