Sự phân tích về tác động qua lại giữa công nghiệp hoá, hiện đại hoá với môi trường sinh thái, về vai trò của môi trường trong quá trình phát triển bền vững đã cho thấy sự cần thiết khách quan của bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
1.1.3.1. Nội dung
Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ cho môi trường được trong lành, sạch đẹp, phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; Khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; Khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, Bảo vệ đa dạng sinh học. Đó vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái ở bất kỳ quốc gia nào.
Đối với Việt Nam hiện nay, những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích là :
- Tuyên truyền giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
- Bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. - Giảm thiểu, thu gom, tái chế và sử dụng chất thải.
- Phát triển, sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phá huỷ tầng ôzôn.
- Đăng ký cơ sở đạt tiêu chuẩn môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường.
- Đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường; cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường.
- Bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa; lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường.
- Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với môi trường.
- Phát triển các hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư.
- Hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xoá bỏ hủ tục gây hại đến môi trường.
- Đóng góp kiến thức, công sức, tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường.
1.1.3.2. Nguyên tắc
Các nhà môi trường đã đề ra 8 nguyên tắc về quản lý và bảo vệ môi trường sau đây:
1. Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng. 2. Cải thiện chất lượng cuộc sống con người.
3. Bảo vệ cuộc sống và tính đa dạng của trái đất.
4. Hạn chế đến mức thấp nhất việc làm suy giảm tài nguyên không tái sinh.
5. Giữ vững trong khả năng chịu đựng được của trái đất. 6. Để cho cộng đồng tự quản lý lấy môi trường của mình.
7. Tạo ra một khuôn quốc gia thống nhất, thuận lợi cho việc phát triển và bảo vệ môi trường.
8. Xây dựng một khối liên minh toàn cầu trong bảo vệ môi trường. Đây là các nguyên tắc chi phối hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường ở bất kỳ quốc gia nào.
Với đặc điểm là một nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ môi trường ở Việt Nam dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau đây :
1. Bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hoà với phát triển kinh tế và đảm bảo tiến bộ xã hội để phát triển bền vững đất nước. Bảo vệ môi trường quốc gia phải gắn với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.
2. Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.
3. Hoạt động bảo vệ môi trường phải thường xuyên lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.
4. Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hoá, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.
5. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật [20, tr.3].
1.1.3.3. Công cụ của bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Công cụ pháp luật và chính sách:
Đây là công cụ quản lý vĩ mô bao gồm các văn bản về luật quốc tế và luật quốc gia, các văn bản dưới luật...công cụ này còn được gọi là công cụ pháp lý.
- Quy hoạch, kế hoạch hoá bảo vệ môi trường: Đảm bảo tính đồng bộ, cân đối mục tiêu và nguồn lực, gắn chặt với chính sách đầu tư và phát triển.
- Về pháp luật: Thông thường hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường của một quốc gia bao gồm hai bộ phận chính là luật chung và luật sử dụng hợp lý các thành phần của môi trường hoặc bảo vệ môi trường cụ thể ở một địa phương. Luật chung gọi là Luật Bảo vệ môi trường, còn luật biển, rừng, đất đai, khoáng sản... là các luật thành phần của môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2006, thay cho Luật bảo vệ môi trường năm 1993.
- Về chính sách: Chính sách bảo vệ môi trường là công cụ chỉ đạo toàn bộ hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường trên phạm vi lãnh thổ rộng lớn như một vùng hoặc một quốc gia trong thời gian dài (10 đến 15 năm trở lên). Chính sách phải nêu lên mục tiêu và định hướng lớn để thực hiện mục tiêu, chính sách phải hợp lý, có cơ sở vững chắc về khoa học và thực tiễn.
Công cụ kinh tế:
Công cụ kinh tế (hay còn gọi là công cụ thị trường hay các cách tiếp cận thị trường) đang ngày càng được nhiều nước sử dụng. Đây chính là sử dụng sức mạnh của thị trường để bảo vệ môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái. Công cụ kinh tế là những chính sách, biện pháp nhằm thay đổi chi phí và lợi ích của những hành động kinh tế thường xuyên tác động tới môi trường, tăng cường ý thức, trách nhiệm trước việc gây ra huỷ hoại môi trường. Công cụ kinh tế gồm nhiều loại, sau đây là một số loại chính để phân biệt ranh giới giữa các công cụ kinh tế và các công cụ chính sách khác:
- Ngân sách bảo vệ môi trường: bao gồm chi phí của Nhà nước và các giới kinh doanh; Quỹ bảo vệ môi trường; Thuế, phí và lệ phí môi trường, tài nguyên...
- Chương trình thương mại - môi trường: giấy phép phát thải/xả thải; Tín hiệu giảm phát thải; Tiền trợ cấp tiêu thụ hoặc sản xuất.
- Động cơ tài chính: Chuyển nhượng; Kỳ phiếu vay và cho vay; Trợ cấp tỷ lệ lãi suất; Giảm thuế/ phí.
- Hệ thống đặt cọc - hoàn trả.
- Trợ cấp tài chính: để nghiên cứu khoa học, áp dụng kỹ thuật, phục hồi rừng, bảo vệ động vật hoang dã....
- Đầu tư cho bảo vệ môi trường: Từ ngân sách Nhà nước; Đầu tư của nước ngoài như vốn ODA, FBI... Đầu tư trong nước như huy động vốn trong cộng đồng dân cư, mọi thành phần kinh tế…
- Thưởng, phạt về môi trường: Hàng năm có các giải thưởng cho những người, cơ quan, ngành, địa phương…làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, phạt nặng hay truy tố đối với các hành vi làm ô nhiễm môi trường, xâm phạm, huỷ hoại tài nguyên.
- Cơ chế thị trường khác: Nhãn sinh thái (nhãn xanh); Bảo hiểm môi trường; Tín phiếu xanh; Xổ số; Thu một phần lệ phí từ triển lãm, thi hoa hậu, thế vận hội...
Công cụ kỹ thuật quản lý.
Đây là công cụ thực hiện vai trò kiểm soát và giám sát của Nhà nước về chất lượng và thành phần môi trường, về sự hình thành và phân bố ô nhiễm trong môi trường và có tác dụng hỗ trợ hai công cụ nói trên. Công cụ này có thể thực hiện thành công trong bất kỳ nền kinh tế nào, bao gồm các biện pháp chính sau đây:
- Thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường. - Tổ chức bộ máy quản lý.
- Kế toán và kiểm toán môi trường. - Quản lý tai biến môi trường. - Đánh giá tác động môi trường.
- Nghiên cứu và triển khai khoa học kỹ thuật công nghệ. - Thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường.
Công cụ giáo dục và truyền thông môi trường.
Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của quần chúng, có huy động được toàn dân tham gia thì công tác bảo vệ môi trường mới thành công. Vì vậy, giáo dục và truyền thông môi trường có vai trò to lớn trong sự nghiệp bảo vệ môi trường của mỗi quốc gia.
- Giáo dục môi trường là một quá trình thông qua các hoạt động giáo dục chính quy và không chính quy nhằm giúp con người có thể hiểu biết, kỹ năng và giá trị, tạo điều kiện cho họ tham gia vào phát triển một xã hội bền vững về sinh thái.
- Truyền thông môi trường được hiểu là một quá trình trao đổi thông tin, ý tưởng, tình cảm, suy nghĩ, thái độ giữa các cá nhân hoặc một nhóm người. Truyền thông môi trường là một quá trình tương tác xã hội hai chiều nhằm giúp cho những người liên quan hiểu được các yếu tố môi trường then chốt, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và cách tác động vào các vấn đề liên quan một cách thích hợp để giải quyết các vấn đề môi trường.
1.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc về bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá