Hiện nay chưa có một hệ thống chính thức nào được xây dựng để đánh giá sự phát triển trong dịch vụ thẻ của một ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đây cũng là một loại hình kinh doanh dịch vụ nên hiện nay các ngân hàng đã sử dụng một số chỉ tiêu định lượng và định tính sau:
1.3.2.1 Các chỉ tiêu định lượng
- Doanh thu từ dịch vụ thẻ, bao gồm:
Doanh thu từ việc phát hành thẻ: là các khoản thu của ngân hàng bao gồm thu từ phí phát hành, phí thường niên, phí giao dịch…Đặc biệt, trong các loại thẻ thẻ tín dụng là loại thẻ đem lại nguồn thu về phí cho ngân hàng lớn nhất phí thường niên của thẻ tín dụng bao giờ cũng cao hơn các thẻ khác và còn chia ra mức phí thường niên cho các hạng thẻ khác nhau sẽ khác nhau, ngoài ra còn có phí phạt chậm trả, lãi vay khi khách hàng không trả nợ thẻ tín dụng đúng hạn,…
Doanh thu từ hoạt động thanh toán thẻ: là tổng giá trị giao dịch được thực hiện tại các thiết bị thanh toán. Doanh thu từ hoạt động thanh toán thẻ của người dân càng lớn thể hiện nhu cầu sử dụng thẻ của người dân càng cao. Ngoài ra khi khách hàng sử dụng thẻ để thanh toán bằng ngoại tệ ngân hàng còn thu được phí chênh lệch tỷ giá và phí xử lý giao dịch.
- Số lượng chủ thẻ trên thị trường: phản ánh qui mô khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ. Số lượng chủ thẻ càng nhiều thì số lượng thẻ mà ngân hàng phát hành được sẽ càng lớn vì mỗi chủ thẻ không phải chỉ sử dụng một sản phẩm
thẻ của ngân hàng mà có thể sử dụng kết hợp nhiều sản phẩm thẻ khác nhau của ngân hàng để tối đa hóa các tiện ích. Một ngân hàng có số lượng chủ thẻ càng lớn đồng nghĩa với việc ngân hàng đó có số lượng khách hàng gắn bó lâu dài với mình lớn. Vì khi một khách hàng hài lòng về dịch vụ thẻ thì khả năng khách hàng sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng sẽ cao hơn ví dụ gửi tiết kiệm, chứng minh tài chính để đi du học…
- Sự đa dạng về sản phẩm thẻ: Từng đối tượng khách hàng khác nhau sẽ có nhu cầu về sản phẩm dịch vụ thẻ không giống nhau.Vì vậy để phát triển được dịch vụ thẻ rộng đến nhiều đối tượng khách hàng ngân hàng cần nghiên cứu để đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ thẻ phù hợp với những đối tượng khách hàng nhất định. Đối tượng khách hàng chỉ nhận lương qua tài khoản, không thường xuyên đi công tác nước ngoài thích sản phẩm thẻ rút tiền nội địa rút được ở nhiều ngân hàng mà mức phí rút tiền khác ngân hàng thấp. Đối tượng khách hàng thường xuyên đi công tác nước ngoài thích sử dụng thẻ tín dụng quốc tế được chấp nhận trên toàn cầu, chi tiêu trước trả tiền sau và được miễn lãi trong một quãng thời gian nhất định đối với từng ngân hàng.
- Số lượng máy ATM, POS (đơn vị chấp nhận thẻ): phản ánh độ phủ sóng của dịch vụ thẻ, số lượng này càng nhiều thì khả năng phục vụ khách hàng càng lớn. Bên cạnh đó tại các máy ATM, POS hầu hết đều có dán logo, tranh ảnh quảng cáo của ngân hàng rất bắt mắt nên nếu số lượng máy ATM, POS càng nhiều cũng là một kênh quảng cáo hữu hiệu giúp hình ảnh của ngân hàng càng dễ đến với khách hàng.
- Thị phần các loại thẻ: Mỗi ngân hàng có thế mạnh về một hay một vài loại thẻ vì vậy, khi đánh giá phải xét thị phần của cùng một loại thẻ giữa các ngân hàng. Thông thường có bốn loại thẻ là thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế, thẻ tín dụng nội địa và thẻ tín dụng quốc tế. Các ngân hàng quốc doanh có mạng lưới chi nhánh rộng thường chiếm thị phần lớn đối với thẻ rút
tiền nội địa. Các ngân hàng thương mại cổ phần có công nghệ phát triển lại chiếm thị phần lớn đối với thẻ thanh toán quốc tế.
1.3.2.2 Các chỉ tiêu định tính
Đây là những chỉ tiêu rất quan trọng để khách hàng quyết định lựa chọn sử dụng dịch vụ thẻ của ngân hàng nào.
- Tiện ích của dịch vụ thẻ: rút tiền mặt, chuyển tiền, thanh toán các hóa đơn dịch vụ,… Chỉ tiêu này phản ánh mức độ đa dạng trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm thẻ của ngân hàng. Khách hàng sẽ sử dụng thẻ càng nhiều nếu trong một chiếc thẻ có thể tích hợp nhiều tiện ích thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Qua đó sẽ tăng sự gắn kết giữa ngân hàng với khách hàng.
- Giá trị gia tăng của dịch vụ thẻ: như bảo hiểm, cẩm nang mua sắm với những địa chỉ ưu đãi giảm giá cho chủ thẻ, dịch vụ tổng đài,… Giá trị gia tăng của dịch vụ thẻ của một ngân hàng càng nhiều thì khả năng cạnh tranh của ngân hàng đó trên thị trường thẻ càng lớn. Chính giá trị gia tăng là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt.
- Thời gian thực hiện nghiệp vụ: cho thấy trình độ công nghệ mà ngân hàng ứng dụng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ ngân hàng. Đặc biệt trình độ và thái độ phục vụ khách hàng của nhân viên ngân hàng là vấn đề then chốt tạo nên chất lượng dịch vụ. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay chất lượng dịch vụ chính là vấn đề sống còn của mỗi ngân hàng. Chất lượng dịch vụ tạo nên thương hiệu của một ngân hàng. Ngân hàng mạnh nhất là ngân hàng có chất lượng dịch vụ khách hàng tốt nhất.
- Tính chính xác, an toàn, bảo mật: Chính xác, an toàn đối với mọi giao dịch rút tiền hay thanh toán của khách hàng khi họ sử dụng thẻ; bảo mật tuyệt đối đối với thông tin cá nhân của khách hàng, qua đó tạo sự yên tâm cho khách hàng khi sử dụng thẻ đồng thời nâng cao niềm tin của khách hàng với ngân hàng.