Đảng và Nhà nước ta chủ trương lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Giáo dục phải nhằm đào tạo những con người Việt Nam có lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất tốt đẹp của dân tộc, có năng lực, có bản lĩnh để thích ứng với những biến đổi của xã hội trong nền kinh tế thị trường, thích ứng với những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hệ thống giáo dục Đại học có trọng trách đào tạo đội ngũ cán bộ đông đảo, đủ khả năng tiếp cận với kĩ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại; đủ sức cạnh tranh trên thị trường sức lao động trong khu vực và thế giới. Bên cạnh việc đổi mới mục tiêu, chương trình, phương pháp đào tạo cần tăng cường giáo dục sinh viên về trách nhiệm công dân, bồi dưỡng cho họ thế giới quan khoa học, nhân sinh quan Cộng sản chủ nghĩa, lòng yêu nước, ý chí vươn lên, lập thân, lập nghiệp, vì tương lai của bản thân và tiền đồ của đất nước; sẵn sàng góp phần có hiệu quả vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vì vậy để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên trong giai đoạn tới, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng phải được tiến hành theo hai phương hướng sau:
Một là, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng phải hướng đến thực hiện mục tiêu giáo dục của
toàn hệ thống giáo dục và thực hiện mục tiêu đào tạo của bậc đại học và cao đẳng trong giai đọan hiện nay mà Luật Giáo dục năm 2005 đã vạch ra.
Hai là, để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, cần xác định rõ mục tiêu và nội dung của công tác này trong giai đoạn mới. Đây vừa là cái đích để hướng tới thực hiện, vừa là tiêu chí để đánh giá hiệu quả của công tác này ở mỗi trường.