Vacxin cổ điển hay vacxin thế hệ mới đều là một chế phẩm sinh học của vi sinh vật hay tế bào, chứa chính tác nhân gây bệnh hay các sản phẩm của chúng (kể cả vật liệu di truyền như ADN hay ARN của chúng), nếu được làm giảm độc lực hay vô độc bằng các phương pháp lý, hóa hay sinh học (đối với vacxin cổ điển) hoặc các phương pháp sinh học phân tử (đối với vacxin thế hệ mới), lúc đó chúng không còn khả năng gây bệnh đối với đối tượng được hưởng vacxin (là người và động vật), nhưng khi đưa vào cơ thể bằng các phương pháp khác nhau, đều có khả năng kích thích cơ thể sinh miễn dịch
thuộc các loại hình như miễn dịch dịch thể (humoral immunity) hay miễn dịch qua trung gian tế bào (cellular- mediated immunity).
Khi cơ thể đã tiếp nhận vacxin, miễn dịch được tạo ra chính là sự huy động toàn bộ hệ thống miễn dịch tham gia, bao gồm hệ thống miễn dịch trung ương và hệ thống miễn dịch ngoại biên cũng như sự tham gia của nhiều loại tế bào có thẩm quyền miễn dịch khác.
Cơ thể chịu sự kích thích của kháng nguyên (do vacxin đưa đến) đã sản xuất một loại protein mới có chức năng bảo vệ và là thành phẩm tham gia tạo nên miễn dịch cho cơ thể gọi là kháng thể (antibody).
Với một cơ thể đã được miễn dịch, khi vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào, chúng sẽ không thực hiện được quá trình gây bệnh và nhanh chóng bị loại trừ ra khỏi cơ thể.
Điều kiện cần của một vacxin: một vacxin phải có đủ 3 điều kiện chính: An toàn, vô trùng và có hiệu lực.
An toàn là tiêu chuẩn đánh giá khi sử dụng vacxin trên chính đối tượng được hưởng, tức là vacxin không được gây bệnh và không hay ít gây phản ứng có hại.
Vô trùng tức là vacxin chỉ chứa duy nhất một hay một vài loại được chọn làm vacxin mà không bị nhiễm tạp các loại khác.
Hiệu lực điều quan trọng nhất là vacxin phải có hiệu lực, tức là vacxin phải kích thích sinh miện dịch cho cơ thể. Tính hiệu lực thực chất là mức độ biểu hiện gây miễn dịch của kháng nguyên. Vacxin có hiệu lực cao hay thấp tức là mức độ gây miễn dịch của vacxin đó.
Vacxin Phó thương hàn lợn cũng nằm trong cơ chế này. Bệnh Phó thương hàn do vi khuẩn Samonella gây ra ở lợn đã được biết đến từ những năm đầu của thế kỷ XX. Do đó, cùng với quá trình nghiên cứu chi tiết về vi khuẩn, các biện pháp phòng bệnh đã được nhiều nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới quan tâm nghiên cứu, trong đó có vacxin phòng bệnh.
Hiện nay đã có nhiều loại vacxin để phòng bệnh Phó thương hàn như vacxin nhược độc chủng TS – 177 và vacxin nhược độc có bổ trợ như vacxin keo phèn hay vacxin nhũ hoá có bổ trợ dầu. Vacxin chống một số chủng phổ biến là S. typhimurium, S. dublin, S. choleraesuis,…
Ưu điểm của vacxin nhược độc: Vacxin có hiệu quả cao có khả năng kích thích sinh miễn dịch cục bộ trong ruột nên có khuynh hướng làm giảm sự xâm nhiễm của Salmonella qua ruột. Vacxin tạo đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào nên bảo hộ được vật nuôi chống lại Salmonella xâm nhiễm đại thực bào. Nhưng cũng có những hạn chế của vacxin nhược độc: Không ổn định về mặt di truyền; khó kiểm soát được ảnh hưởng của chủng vacxin nhược độc với môi trường và các động vật khác.
Ưu điểm của vacxin vô hoạt: là an toàn với môi trường, động vật và con người, nhưng cũng có hạn chế là vacxin không có khả năng tăng sinh tế bào T gây độc và không bảo hộ gia súc hiệu quả từ sự xâm nhiễm Salmonella ở niêm mạc ruột như vacxin nhược độc.
Xu hướng nghiên cứu vacxin phòng Salmonella trên thế giới và ở Việt Nam là sản xuất vacxin theo con đường tái tổ hợp gen. Ưu điểm của vacxin này là: Thành phần protein tinh khiết; an toàn vì thành phần vacxin chỉ là protein kháng nguyên tinh chế; có thể phối hợp các kháng nguyên để tạo thành vacxin đa giá, nhưng cũng có những nhược điểm như: Chủng sản xuất vacxin bị lọt ra ngoài và chuyển tính trạng kháng kháng sinh cho vi khuẩn ngoài môi trường; không có khả năng kích hoạt tế bào T gây độc nên đáp ứng miễn dịch kém; ít có hiệu quả khi có biến chủng xảy ra.
Ở nước ta, để phòng bệnh Phó thương hàn, các loại vacxin đã được một số công ty, xí nghiệp thuốc thú y sản xuất và sử dụng phổ biến hiện nay như sau: + Vacxin Phó thương hàn heo do công ty (NAVETCO) sản xuất, là vacxin vô hoạt chế từ vi khuẩn S. choleraesuis chủng Kunzendorf. 1 ml vacxin chứa 1010 tế bào vi khuẩn, chất bổ trợ là keo phèn. Tiêm dưới da hoặc bắp thịt
cho heo con 2 lần: lần 1 (heo từ 20 – 30 ngày tuổi) liều 1 ml/con; lần 2 cách lần một sau 3 tuần, liều tiêm như lần 1.
+ Vacxin Phó thương hàn lợn do Xí nghiệp thuốc thú y TW sản xuất, dạng nước, chế tạo từ toàn bộ canh trùng (giải độc tố và tế bào) của S. choleraesuis kháng nguyên typ O: 6,7; H: 1,5 vô hoạt bằng formalin, bổ trợ
keo phèn. Tiêm dưới da cho lợn con từ 20 ngày tuổi 2 lần, cách nhau 7 – 15 ngày; lợn sau cai sữa 5 ml/con/lần. Có thể tiêm vacxin 2 – 3 lần cho lợn mẹ ở thời kỳ tháng đầu có chửa để phòng bệnh cho lợn con ngay sau khi đẻ qua sữa mẹ.
- Vacxin Phó thương hàn nhược độc đông khô, được chế tạo từ vi khuẩn nhược độc S. choleraesuis typ O: 6,7; H: 1,5 qua tổ chức FAO, vacxin được chế ở dạng đông khô. Mỗi liều vacxin có chứa 2 – 2,5 tỷ vi khuẩn. Vacxin gây miễn dịch nhanh và mạnh. Sau khi tiêm 9 – 10 ngày bắt đầu có miễn dịch vững chắc. Vacxin được pha với nước sinh lý hoặc nước cất vô trùng, mỗi liều pha ra 1 ml, tiêm dưới da hay bắp thịt cho lợn con từ 25 ngày tuổi trở lên, kể cả lợn mẹ có thai ở nửa thời kỳ đầu. Liều miễn dịch là 1 ml đồng đều cho các loại lợn.
+ Vacxin tam liên do phân viện Thú y Miền Trung sản xuất: Phòng 3 bệnh: Phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng lợn; vacxin dạng đông khô, tiêm dưới da cho lợn từ 20 ngày tuổi trở lên; liều 2 ml/con/lần, nhắc lại liều trên sau một tuần. Đây là loại vacxin có ý nghĩa sử dụng trong thực tiễn cao.
Trên đây là các lọai vacxin để phòng bệnh Phó thương hàn đã và đang được sử dụng trong cả nước. Mục đích của chúng tôi trong nghiên cứu này là đưa ra một loại vacxin có chứa những serotyp thường gặp nhất từ những trường hợp nhiễm bệnh Salmonella lâm sàng ở lợn.