10. Cấu trúc luận văn
1.2.2.4. Phương pháp hướng dẫn sinh viên thảo luận nhóm
Thảo luận nhóm là phương pháp rất thích hợp với đối tượng sinh viên và đem lại hiệu quả cao trong học tập. Trong thảo luận nhóm, sinh viên vừa thể hiện được vai trò của cá nhân, vừa thể hiện được vai trò của tập thể, đồng thời tạo được mối quan hệ hai chiều: giữa sinh viên - sinh viên và giữa sinh viên - giảng viên.
Thảo luận nhóm có một số ưu điểm nổi bật là tạo điều kiện để các thành viên trong nhóm học hỏi lẫn nhau, cởi mở, mạnh dạn trao đổi những vấn đề còn khúc mắc từ đó giúp cho mỗi cá nhân hòa nhập vào hoạt động của nhóm, tạo hứng thú học tập cho mỗi cá nhân. Thảo luận nhóm rèn luyện các kỹ năng làm việc hợp tác cho mỗi thành viên trong nhóm, đồng thời tạo điều kiện để mọi sinh viên đều được tham gia vào quá trình học tập. Việc trình bày ý kiến của cá nhân trước các bạn trong nhóm, trước lớp về một vấn đề nào đó sẽ rèn luyện cho sinh viên cách lập luận, cách diễn đạt một vấn đề, cách giao tiếp ứng xử và khả năng độc lập tự chủ cho bản thân.
Thảo luận nhóm cũng có một số nhược điểm như: dễ dẫn đến sự cạnh tranh, ganh đua kỳ thị, mất đoàn kết giữa các thành viên trong nhóm hoặc giữa các nhóm với nhau. Nếu giảng viên không kiểm soát chặt chẽ thì kiểu học này sẽ dẫn đến sự ỷ lại, lười nhác của một số thành viên trong nhóm. Ngoài ra, thảo luận nhóm còn bị hạn chế bởi không gian lớp học và thời gian của giờ học (xem [7]).
* Để thảo luận có hiệu quả, giảng viên cần hướng dẫn một cách cụ thể từng bước:
Bước 1. Làm việc chung cả lớp
- Giảng viên nêu vấn đề, xác định nhiệm vụ nhận thức cho sinh viên. - Tổ chức các nhóm, giao nhiệm vụ cho các nhóm.
Lớp học được chia thành các nhóm, mỗi nhóm khoảng sáu sinh viên, có một nhóm trưởng. Tùy theo mục đích sư phạm và yêu cầu của vấn đề học tập, các nhóm được phân chia ngẫu nhiên hay có chủ định, được duy trì ổn định trong cả tiết học hoặc thay đổi theo từng hoạt động, từng phần của tiết học, các nhóm được giao cùng một nhiệm vụ hoặc được giao những nhiệm vụ khác nhau.
- Hướng dẫn cách làm việc của nhóm.
Bước 2. Làm việc theo nhóm - Phân công trong nhóm.
- Từng cá nhân làm việc độc lập rồi trao đổi hoặc tổ chức thảo luận trong nhóm. Nếu tập thể nhóm không thống nhất được hoặc không giải đáp thỏa đáng các thắc mắc, cá nhân có quyền bảo lưu ý kiến để đưa ra tập thể lớp. Giảng viên không tham gia thảo luận hoặc góp ý kiến, chỉ làm nhiệm vụ quan sát, lắng nghe, có thể điều chỉnh khi các nhóm đi quá xa nội dung thảo luận.
- Cử đại diện nhóm trình bày kết quả làm việc của cả nhóm. Đôi khi để tránh hiện tượng ỷ lại, lười nhác của một số sinh viên trong quá trình thảo luận nhóm, giáo viên có thể chỉ định bất cứ một thành viên nào trong nhóm báo cáo kết quả của nhóm.
Bước 3. Thảo luận, tổng kết trước lớp
- Các nhóm lần lượt báo cáo kết quả thảo luận. - Thảo luận chung cả lớp.
- Giảng viên tổng kết và đặt vấn đề cho bài học tiếp theo hoặc vấn đề tiếp theo.
Ví dụ. Sau khi giảng dạy định lý Lagrange, hướng dẫn sinh viên thảo luận nhóm về phương pháp giải các dạng bài tập áp dụng định lý.
Tình huống này cần có sự trao đổi, thống nhất ý kiến theo từng nhóm và cả lớp. Qua đó sinh viên củng cố được tri thức về định lý Lagrange và có kỹ năng giải quyết các bài tập liên quan đến ứng dụng của định lý.
Bước 1. Sinh viên làm việc cá nhân, theo yêu cầu dưới đây, sau đó thảo luận nhóm về phương pháp giải các dạng bài tập áp dụng định lý Lagrange. Mỗi nhóm cử người đại diện viết kết quả của nhóm mình lên góc bảng của lớp, hoặc viết trên khổ giấy to hoặc giấy trong để trình chiếu cho cả lớp, đồng thời chuẩn bị sẵn một đề bài toán đơn giản cho nhóm khác làm.
Hãy đưa ra phương pháp giải các dạng bài tập sau: 1) Tìm số c trong định lý Lagrange trên [a ; b].
2) Chứng minh bất đẳng thức có chứa dạng f(b) – f(a) bằng định lý Lagrange.
3) Chứng minh phương trình có nghiệm trên [a ; b].
Bước 2. Từng nhóm theo thứ tự 1, 2, 3, 4, …báo cáo trước lớp về phương pháp của nhóm mình, áp dụng vào giải bài toán của nhóm tiếp theo. Các nhóm khác có thể nêu ý kiến góp ý, bình luận với tinh thần xây dựng.
Bước 3. Giảng viên nhận xét bổ sung và tổng kết. Tiếp theo có thể tổ chức cho sinh viên thảo luận các bài tập cụ thể từ dễ đến khó (xem [10]).