Khả năng hấp phụ như dung lượng hấp phụ, tốc độ hấp phụ phụ thuộc rất lớn vào cấu tạo, bản chất của vật hấp phụ và chất bị hấp phụ.
Thông thường diện tích bề mặt riêng của vật liệu hấp phụ càng lớn thì dung lượng hấp phụ càng lớn. Còn cấu trúc bề mặt của vật liệu có ảnh hưởng quyết định đến tốc độ hấp phụ và khả năng hấp phụ chọn lọc lên các cấu tử khác nhau, cấu tử nào có kích thước biểu kiến nhỏ hơn hoặc bằng kích thước lỗ mao quản thì mới có khả năng chui vào hệ mao quản và tạo liên kết hiệu quả với bề mặt vật liệu hấp phụ. Còn cấu tử nào có kích thước lớn hơn kích thước mao quản của vật liệu hấp phụ thì rất khó bị hấp phụ và quá trình hấp phụ xảy ra chỉ tạo được liên kết lỏng lẻo bên ngoài mao quản nên dễ dàng bị giải hấp. Kích thước mao quản càng lớn thì tốc độ hấp phụ càng cao và quá trình hấp phụ mau đạt cân bằng hơn.
Ngoài ra nếu bề mặt vật liệu hấp phụ và cấu tử hấp phụ càng gần nhau về bản chất thì càng tạo thuận lợi cho quá trình hấp phụ. Khả năng hấp phụ còn phụ thuộc rất lớn vào môi trường hấp phụ bao gồm bản chất dung môi và pH. Trong quá trình hấp phụ sẽ xảy ra quá trình hấp phụ cạnh tranh giữa cấu tử chính và dung môi. Nếu dung môi có khả năng hấp phụ tốt lên vật liệu hấp phụ sẽ hạn chế khả năng hấp phụ cấu tử chính. Chính vì vậy trong công nghệ cũng như nghiên cứu người ta rất quan tâm đến việc lựa chọn dung môi cho quá trình hấp phụ sao cho hạn chế tối đa sự hấp phụ cạnh tranh của dung môi và cấu tử chính lên vật liệu hấp phụ. Cơ sở để lựa chọn dung môi phụ thuộc vào bản chất của vật liệu hấp phụ và kể cả bản chất của cấu tử chính. Bên cạnh đó pH cũng lả một thông số ảnh hưởng mạnh đến khả năng hấp phụ. Ở môi trường pH khác nhau dạng tồn tại của các nhóm chức trên bề mặt vật liệu hấp phụ và cấu tử hấp phụ khác nhau kéo theo sự thay đổi diện tích trên bề mặt vật liệu hấp phụ và diện tích của cấu tử hấp phụ, điều nảy ảnh hưởng trực tiếp lên khả năng hấp phụ.
Bản chất của quá trình hấp phụ là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và tìm hiểu. Các thuyết về quá trình hấp phụ được đưa ra rất nhiều nhưng do sự phức tạp của quá trình hấp phụ nên chưa có thuyết nào thực sự đúng đối với tất cả các quá trình hấp phụ. Hiện nay lý thuyết hấp phụ được thừa nhận rộng rãi nhất là thuyết hấp phụ đa lớp BET. Đây là cơ sở lý thuyết cho phép xác định được diện tích bề mặt riêng của vật liệu hấp phụ, là một đại lượng đại diện tốt cho khả năng hấp phụ của vật liệu hấp phụ. Nhưng do tính phức tạp của thuyết này, chúng tôi chỉ khảo sát tính chất của than hoạt tính điều chế theo phương trình đẳng nhiệt hấp phụ Langmuir và phương trình bán kinh nghiệm Freundlich. [2],[5]