Sự cần thiết cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện công tác thẩm định dự án cho vay tại Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (Trang 55 - 59)

Các doanh nghiệp Viễn thông có nghĩa vụ đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, phục vụ quốc phòng, an ninh, ngoại giao và các yêu cầu thông tin liên lạc khẩn cấp; bảo đảm các dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản trong cả nước, kể cả vùng xa xôi hẻo lánh.

Thời gian qua, mặc dù các Doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel đã có nhiều cố gắng phát triển mạng lưới và cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông đến vùng sâu, vùng xa và đạt được nhiều kết quả về phổ cập dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên tình hình thực hiện chính sách về dịch vụ viễn thông công ích ở nước ta hiện nay còn nhiều khó khăn, thể hiện:

Thứ nhất: Mức độ phổ cập dịch vụ viễn thông ở Việt Nam còn thấp, phát triển chậm và có xu hướng không đều.

Đến cuối năm 2003, số máy điện thoại trên mạng cả nước khoảng 7.200.000, đạt mức độ thuê bao 9 máy/100 dân. Trong đó khu vực nông thôn chiếm 30% số thuê bao, đạt 3,5 máy/100 dân, và chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng, ven đô thị, trong khi dân số khu vực này chiếm tới 76% dân số cả nước. Ngược lại, khu vực thành thị đạt 25 máy điện thoại/ 100 dân, trong khi dân số chỉ chiếm 25% dân số cả nước.

Thuê bao Internet chỉ chiếm khoảng 4,7% tổng số thuê bao Internet. Hiện nay các khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ là những khu vực có mật độ điện thoại thấp nhất. Cả nước còn 560 xã chưa có điện thoại, đây là những xã nằm trong khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhiều xã ở khu vực nông thôn, miền núi mật độ điện thoại rất thấp (dưới 55 mật độ thuê bao bình quân toàn quốc). Nếu mục tiêu phổ cập dịch vụ viễn thông là đến thôn, ấp, bản có điện thoại

thì nhiệm vụ mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ viễn thông đến tất cả khoảng 80.500 thôn, ấp, bản ở Việt Nam còn rất lớn.

Nếu xét về đối tượng, do thu nhập thấp nên người nghèo sống tại các vùng nông thôn, miền núi đang là những đối tượng cần sự giúp đỡ để có điều kiện được sử dụng các dịch vụ viễn thông thiết yếu, nhất là nhân dân sống tại các vùng có mật độ điện thoại rất thấp như khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

Như vậy ở nước ta hiện nay đang có khoảng cách lớn về mức độ phổ cập dịch vụ viễn thông giữa khu vực thành thị và nông thôn, nhất là ở khu vực miền núi, hẻo lánh.

- Còn nhiều vùng (xã, thôn) chưa được phục vụ dịch vụ viễn thông. Đây là những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, kinh tế hàng hóa kém phát triển, điều kiện địa lý phức tạp. Ở những khu vực này, chi phí đầu tư phát triển và duy trì mạng lưới cung ứng dịch vụ viễn thông rất cao nhưng doanh thu thấp (vì nhu cầu sử dụng dịch vụ không cao), kinh doanh bị lỗ nên không hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực này.

- Ở những vùng đã có dịch vụ viễn thông nhưng có những nhóm dân cư chưa được sử dụng dịch vụ do họ có những hạn chế về khả năng thanh toán (vì thu nhập thấp hoặc chưa có thu nhập từ lao động của bản thân và những người có nhu cầu truy nhập dịch vụ thường xuyên do yêu cầu nghề nghiệp nhưng không đủ khả năng chi trả). Đó là những người nghèo, học sinh, sinh viên, những người làm công tác nghiên cứu, khám chữa bệnh luôn có nhu cầu truy nhập thường xuyên các thông tin qua mạng Internet…

Thực tế trên đã cho thấy xu hướng ngày càng tăng về “khoảng cách số” giữa các vùng, miền; giữa các tầng lớp dân cư về cơ hội được sử dụng dịch vụ viễn thông thiết yếu, do đó chưa đáp ứng được sự phát triển chung của đất nước.

Thứ hai: Nhà nước chưa phân định được giữa hoạt động kinh doanh và hoạt động công ích trong hoạt động viễn thông; còn thiếu các quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp thực hiện chính sách về dịch vụ viễn thông công ích phù hợp với điều kiện mở cửa thị trường.

Trong điều kiện trên thị trường chỉ có một đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông, Nhà nước giao cho Tổng công ty Bưu chính – Viễn thông Việt Nam “bảo đảm các dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản trong cả nước, kể cả vùng xa xôi hẻo lánh”. Tuy nhiên, đến nay chưa quy định được được cụ thể về “Danh mục dịch vụ công ích”, chưa xác định được đối tượng, phạm vi cung cấp dịch vụ và nhà nước chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện chính sách này. Vì vậy, trong hoạt động của Tổng công ty Bưu chính – Viễn thông Việt Nam, Nhà nước chưa phân biệt được giữa hoạt động kinh doanh và hoạt động công ích, do đó không có cơ sở xác định được nhu cầu chi phí về dịch vụ công ích và quy định cụ thể về cơ chế tài trợ.

Khi hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông tại các vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp viễn thông bị lỗ do hai lý do chính:

- Một là ở vùng nông thôn và miền núi luôn có chi phí đầu tư và duy trì cung ứng dịch vụ cao, doanh thu thấp (do mức độ sử dụng dịch vụ thấp).

- Hai là, để đảm bảo khả năng thanh toán của đa số người dân, giá dịch vụ công ích nhà nước quy định thưởng thấp hơn giá thành thực tế.

Trong điều kiện như vậy, cần phải có cơ chế hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp. Nhưng đến nay ở nước ta vẫn còn duy trì cơ chế tài trợ để phát triển dịch vụ đến vùng sâu, vùng xa không còn phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường. Cụ thể là:

- Về phía nhà nước:

Thời gian qua Nhà nước đã hỗ trợ bằng việc cấp phát vốn đầu tư của NSNN, ưu tiên sử dụng vốn ODA, để lại một phần lợi nhuận bổ sung cho doanh nghiệp để phát triển mạng lưới cung ứng dịch vụ đến vùng sâu, vùng xa. Riêng đối với Tổng công ty Bưu chính – Viễn thông Việt Nam; trong 3 năm 2001, 2002 và 2003 vốn ODA thực hiện là 580 tỷ đồng, chiếm trên 35 tổng vốn đầu tư trong 3 năm này của doanh nghiệp, vốn NSNN cấp trong 9 năm qua đạt được 182,2 tỷ đồng. Việc cấp phát vốn đầu tư của NSNN cho lĩnh vực viễn thông như vậy trong môi trường cạnh trạnh không còn phù hợp.

- Về phía các Doanh nghiệp Viễn thông:

Từ khi được thành lập đến nay, ngoài phần nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp đã thực hiện bù lỗ chéo giữ các dịch vụ, giữa các vùng (lấy thu nhập từ dịch vụ có lãi cao bù cho dịch vụ bị lỗ, lấy thu nhập ở vùng thành thị bù cho vùng nông thôn). Việc mở cửa thị trường viễn thông đã tạo ra xu hướng chung của cạnh tranh là giá bán dịch vụ phải dựa trên cơ sở giá thành nên trong thời gian tới, giá bán dịch vụ sẽ tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở giá thành thì khả năng tự bù chéo của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, hạn chế đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

- Về đóng góp của các doanh nghiệp mới tham gia thị trường:

Thời kỳ đầu mở cửa thị trường vừa qua, các doanh nghiệp mới tham gia thị trường đóng góp tài chính thực hiện nghĩa vụ công ích cho Tổng công ty Bưu chính – Viễn thông Việt Nam thông qua cước kết nối mạng để mở rộng và duy trì mạng lưới ở vùng khó khăn. Tuy nhiên do có nhiều khó khăn trong việc xác định giá thành cước kết nối nên Nhà nước chưa quy định cụ thể được phần đóng góp nghĩa vụ công ích thông qua kết nối mạng. Mặt khác, nếu duy trì cơ chế đóng góp qua cước kết nối, như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sẽ khó quản lý minh bạch việc sử dụng các khoản đóng góp này cho việc cung cấp dịch vụ công ích trong doanh nghiệp.

Thực tế trên đang đặt ra yêu cầu cấp bách là phải quy định rõ ràng cơ chế đóng góp tài chính thực hiện nghĩa vụ công ích đối với tất cả các doanh nghiệp viễn thông, đồng thời chi phí cung cấp các dịch vụ này phải quản lý minh bạch, theo mục tiêu, chính sách của nhàn nước.

Sự cần thiết của nguồn vốn hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích

Yêu cầu huy động vốn để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ phổ cập dịch vụ viễn thông, tạo điều kiện cho người dân ở mọi miền của đất nước có điều kiện được sử dụng dịch vụ viễn thông thiết yếu.

Theo chiến lược phát triển bưu chính viễn thông đến năm 2010 và định hướng cho đến năm 2020, để thực hiện các mục tiêu của chiến lược, giai đoạn 2001-2010 Việt Nam cần huy động được số vốn đầu tư khoảng 70 nghìn tỷ đồng cho phát triển

bưu chính, viễn thông, trong đó bao gồm cả vốn đầu tư cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Về biện pháp thực hiện, Chiến lược chỉ rõ: Nhà nước “có chính sách điều tiết phát triển mạng lưới tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các doanh nghiệp tự huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển mạng lưới và kinh doanh dịch vụ, đồng thời có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ phổ cập, dịch vụ công ích theo yêu cầu của nhà nước”.

Như vậy về mặt trách nhiệm huy động vốn phát triển viễn thông đã được xác định rõ: các doanh nghiệp sẽ tự huy động vốn để phát triển kinh doanh dịch vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, thu hồi vốn nhanh. Còn việc phát triển mạng lưới tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhà nước sẽ có chính sách điều tiết hợp lý một phần thu nhập của các doanh nghiệp viễn thông, thông qua quy định nghĩa vụ đóng góp bắt buộc đối với doanh nghiệp và huy động thêm các nguồn vốn trong và ngoài nước khác để đẩy nhanh tiến độ phổ cập dịch vụ viễn thông. Vì vậy nhà nước cần có cơ chế, công cụ thực hiện chức năng huy động và quản lý sử dụng các nguồn tài chính thực hiện chính sách. Sự ra đời của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam là sự đòi hỏi tất yếu của một thị trường phát triển, và việc tách bạch hoạt động kinh doanh và công ích của doanh nghiệp trong dịch vụ Viễn thông là một điều kiện quan trọng.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện công tác thẩm định dự án cho vay tại Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (Trang 55 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(139 trang)
w