2.1.3.1. Môi trường chính trị của Việt Nam
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi lật đổ nền thống trị của thực dân, phong kiến, Việt Nam đã thiết lập Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Hệ thống chính trị hiện nay bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.
Bản chất của hệ thống chính trị Việt Nam được quy định bởi các cơ sở nền tảng: - Chế độ nhất nguyên chính trị với một Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội trên nền tảng dân chủ xã hội chủ nghĩa.
- Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,
- Liên minh giai cấp giữa công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Cơ sở tư tưởng của hệ thống chính trị là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đặc điểm của hệ thống chính bao gồm: tính nhất nguyên, tính thống nhất, sự gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và có sự kết hợp chặt chẽ giữa tính giai cấp và tính dân tộc.
Bắt đầu từ năm 1986 khi triển khai công cuộc Đổi mới kinh tế và chính trị, trong hơn 25 năm qua, môi trường chính trị và xã hội Việt Nam từng bước phát triển theo hướng cởi mở, tạo điều kiện cho nhân dân phát huy vai trò tham gia tích cực hơn. Vai trò kiểm tra giám sát của Quốc hội với Chính phủ cũng được nâng cao.
2.1.3.2. Môi trường chính trị khu vực Trung Đông
Khu vực Trung Đông gồm 19 quốc gia, với nhiều dân tộc và tôn giáo khác nhau. Đây là khu vực có nguồn dầu mỏ dồi dào, vị trí địa lý chiến lược và địa hình kinh tế quan trọng. Về đặc điểm chính trị, nhiều nước ở khu vực này theo chế độ quân chủ với mô hình chính trị chủ yếu và thể chế độc tài, tập quyền và thiếu dân chủ. Đây thực chất là những chế độ quân chủ tuyệt đối và quân chủ lập hiến trong việc cai trị đất nước hay chế độ gia đình trị - cha truyền con nối. Phần lớn lãnh đạo tối cao của các quốc gia ở đây đều cầm quyền trong thời gian dài, nhiều nước áp dụng chính sách gia đình trị, cha truyền con nối. Đây luôn là khu vực tranh giành ảnh hưởng, quyền lực, cũng như kiểm soát dầu lửa của các nước lớn; và còn là địa bàn trú ẩn, hoạt động của nhiều tổ chức khủng bố như Taliban, Al-Qaeda… Biến động chính trị ở Trung Đông là một làn sóng cách mạng và biểu tình xảy ra ở các nước trong thế giới Arab. Hầu hết các cuộc biểu tình đều phát triển về quy mô và tạo thành “hiệu ứng Domino”, nhanh chóng tác động và lan sang nhiều nước khác trong khu vực, với mục đích: phản đối việc giá lương thực, nhiên liệu tăng; tình trạng thất nghiệp cao; đòi hỏi sửa đổi hiến pháp và bầu cử tự do; chống độc tài, chuyên chế, đấu tranh đòi dân chủ… Bên cạnh đó, ở mỗi nước, cách thức biểu dương lực lượng của người dân cũng như cách thức trấn áp của chính quyền lại có sự khác nhau. Chính phủ các nước từ lâu quá dựa dẫm vào sự bảo trợ, chiếc ô an ninh của Mỹ và các nước châu Âu nên đã rất lúng túng trong xử lý tình hình, dẫn đến mắc sai lầm trong đối phó với biểu tình, bạo loạn, khiến đất nước ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
2.1.3.3. Quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Đông:
Những năm gần đây, Việt Nam và các quốc gia khu vực Trung Đông có quan hệ chính trị, ngoại giao hết sức tốt đẹp. Đây cũng là lợi thế quan trọng, giúp ta có được sự ủng hộ đông đảo của các quốc hữu hảo trên các diễn đàn quốc tế.
Giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông đã tạo dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ, tạo cơ sở cho việc hợp tác phát triển giữa hai bên. Các cơ chế hợp tác hai bên như Ủy ban hỗn hợp (Ủy ban liên Chính phủ với UAE, Iraq; Ủy ban hỗn hợp với Oman, Quatar, Iran, Saudi Arabia), hợp tác song phương giữa các Bộ, ngành, các tổ chức xúc tiến thương mại.
Hiện nay, một số quốc gia Trung Đông đã tham gia và là thành viên WTO, quan hệ thương mại giũa Việt Nam và các nước này đều chịu sự điều chỉnh các quy định pháp lý nằm trong khuôn khổ WTO.
Thời gian qua, hai bên thường xuyên có sự duy trì trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đoàn sang thăm các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tháng 2, Kuwait và Qatar tháng 3. Năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm Arab Saudi, Tunisia, Algeria tháng 4, đến tháng 6 Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đoàn sang Quatar. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm UAE tháng 3 năm 2012.
Đồng thời, các đoàn Trung Đông sang thăm và làm việc Việt Nam bao gồm: Bộ trưởng Dầu mỏ và Thông tin Kuwait tháng 4 năm 2008, tháng 9 năm 2010; Bộ trưởng Công thương Kuwait sang tham dự kỳ họp thứ nhất Ủy ban hỗn hợp tháng 12 năm 2009; Quốc vụ khanh Hợp tác quốc tế - kiêm Quyền Bộ trưởng Bộ Kinh doanh và Thương mại Quatar tháng 3 năm 2010; Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Oman sang dự kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp tháng 1 năm 2011; Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng nông nghiệp Saudi Arabia tháng 3 năm 2011; Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp Quatar tháng 4 năm 2013; các đoàn của Thủ tướng Kuwait (2007), Thủ tướng Morocco (2008), Tổng thống Palestie (2010), Quốc vương Qatar,
Tổng thống Iran (2012) sang thăm Việt Nam. Các chuyến thăm đó đã góp phần quan trọng trong việc định hình khuôn khổ chính trị giữa hai khu vực.
Ngoài ra, giữa Việt Nam và Trung Đông đã có nhiều nghị định thư song phương được kí kết để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hợp tác giữa hai khu vực như Hiệp định thương mại, Hiệp định hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật, Hiệp định vận tải hàng hải...
Nhìn chung, Trung Đông tuy là thị trường tiềm năng nhưng vẫn tồn tại những rủi ro về an ninh, chính trị do chưa giải quyết triệt để được các cuộc xung đột giữa các các nước trong khu vực. Có thể nói, với môi trường trường chính trị cũng những biến động chính trị ở khu vực này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Do đó, cần xem xét, cân nhắc kĩ lưỡng để có những cách giải quyết cho phù hợp với tình hình hiện tại phục vụ cho hoạt động hợp tác kinh tế.