Nội dung

Một phần của tài liệu Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên Đại học Khoa học Huế hiện nay (Trang 51 - 57)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.3.1 Nội dung

Hồ Chí Minh cho rằng đạo đức cách mạng trước hết đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có lòng yêu nước nồng nàn, tuyệt đối trung thành với tổ quốc với giai cấp; phải căm thù sâu sắc lũ giắc cướp nước và bè lũ phản động bán nước; phải quyết tâm phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc, đặt lợi ích của Đảng và của dân tộc lên trên hết, trước hết.

Hồ Chí Minh đã từng nói học tập đạo đức cách mạng đó mọi lúc mọi nơi, không chỉ phải tại trường, có lên lớp mới học tập, tu dưỡng rèn luyện, mà tự cải tạo. Thời kỳ hoạt động bí mật, thời kỳ khởi nghĩa, thời kỳ kháng chiến và ngày nay công việc xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà đều là những trường học rất tốt cho chúng ta rèn luỵện đạo đức cách mạng.

Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của minh cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng.

Khi gặp thuận lợi và thành công cũng như khi gặp khó khăn, thất bại đều luôn giữ vững tinh thần kiên định, chất phát, khiêm tốn “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, chứ không còn kèn cựa về mặt

hưởng thụ. Không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng.

Đạo đức cách mạng là:- Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng, nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng vì dân và đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ.

Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chúng ta không có lợi ích gì khác. Vì vậy, mục đích trước mắt của Đảng là đấu tranh để đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện thống nhất nước nhà.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đấu tranh anh dũng, đánh đổ ách thống trị của thực dân và phong kiến, giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta. Đó là một thắng lợi to lớn. Nhưng cách mạng chưa phải đã thành công hoàn toàn, vì mục tiêu hiện nay của Đảng ta là đấu tranh thống nhất thống nước nhà, để thực hiện nước Việt Nam hoà bình, thống nhất độc lập, dân chủ và giàu mạnh, làm cho cả nước không còn ai bị bóc lột, xây dựng một hệ thống mới, trong đó mọi người được sung sướng ấm no.

Đạo đức cách mạng là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tuyệt đối không thể lưng chừng.

Người nói: Số đông đảng viên, đoàn viên và cán bộ ta làm đúng như thế, nhưng cũng có một số không làm đúng, do đó mà để chủ nghĩa cá nhân chớm nở, họ yêu cầu hưởng thụ, nghỉ ngơi, họ muốn chọn công tác theo ý thích của cá nhân mình, không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó cho họ. Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực

của họ bị kém sút. Chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Những thắng lợi mà chúng ta đã đạt được mới chỉ là bước đầu trên đường đi muôn dặm. Vì vậy, đạo đức cách mạng là trong hoàn cảnh nào, cũng quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu, có như thế mới thực hiện được nhiệm vụ cách mạng.

Sỡ dĩ Đảng ta có thể lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, là vì Đảng ta có chính sách đúng đắn và lãnh đạo thống nhất. Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đồng xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng.

Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân, vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là cực kỳ khó.

Hồ Chí Minh luôn coi thanh niên sinh viên là lực lượng nòng cốt của đất nước, tương lai của dân tộc và hạnh phúc của mỗi gia đình. Mỗi lần nói, viết về thanh niên - sinh viên, Người thường nói và viết rất ngắn ngọn, đơn giản, nhưng rất sâu sắc; mục đích là làm cho mọi người đều có thể hiểu và thấy được trách nhiệm của mình để tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước.

Đứng trước sự chuyển mình của đất nước, vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên cần phải giáo dục những phẩm chất: Trung thành; Dũng cảm; Khiêm tốn (có rất nhiều phẩm chất khác nữa, nhưng đối với sinh viên thì nói lên ba phẩm chất cách mạng tiêu biểu).

+ Trung thành: là “Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với tổ quốc, với Đảng, với giai cấp”, phải cố gắng có tiến bộ và có nhiều thành tích. Không tự cao, tự đại, phải khiêm tốn, phải luôn luôn cố gắng hơn nữa, vượt mọi khó khăn, để giành lấy thành tích nhiều hơn và to lớn hơn.

Cần phải nâng cao chí khí anh hùng cách mạng, nắm vững khoa học kỹ thuật: Ra sức học tập và sáng tạo, thực hiện cần cù và tiết kiệm; Đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ không ngừng.

Đảng dạy rằng, một trong những tiền đề tinh thần cực kỳ quan trọng của đạo đức cách mạng là tính tư tưởng cao, lòng trung thành của mỗi sinh viên đối với quyền lợi của toàn dân. Cơ sở của tính trung thực và tính thật thà là tư tưởng của con người, là khả năng sống vì những quyền lợi cao cả. Nếu một người chỉ sống vì những quyền lợi sinh hoạt nhỏ nhen, chỉ luôn nghĩ về mình và gia đình mình thì người đó sẽ không thế là một người cộng sản chân chính.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa cộng sản, vai trò của hành vi đạo đức cá nhân được tăng lên rất nhiều. Hiện nay một trong những phương hướng chủ đạo của công tác giáo dục là phải tăng cường chú ý tới mỗi cá nhân, tới hoạt động của người đó, tới thế giới tinh thần, ý thức, quan điểm, tình cảm, xúc cảm hứng thú, lý tưởng, thiên hướng của người đó.

Trong nhà trường cả thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, phải đặt lợi ích của tập thể lên trên hết.

+ Dũng cảm: Là không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện “đâu cần thanh niên có, việc gì khó để thanh niên làm”, gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người.

Trong giờ phút hiểm nghèo của cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước, vào thế hệ trẻ của nước nhà, Hồ Chí Minh đã viết: “thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”[4; 36]. Người còn nói thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo, giàu ý chí nghị lực và ước mơ. Họ sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ hy sinh, đảm nhận những nhiệm vụ nặng nề, khó khăn nhất trên mặt trận chiến đấu.

Dũng cảm trong thời kỳ đất nước hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nươc hoàn toàn khác với thời kỳ đất nước còn giặc ngoại xâm. Hồ Chí Minh từng nói: “thanh niên cần phải chống tâm lý tự ti, tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình”. Chống tâm lý ham

sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ, chống các sinh hoạt uỷ mị, chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang, vì đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của thanh niên. Người yêu cầu thanh niên phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp nhau cùng tiến bộ.

Với lứa tuổi còn trẻ, sinh viên bao giờ cũng có nhiều ham muốn, song phải giáo dục cho họ sự ham muốn cao đẹp, chính Đảng, không để cho những ham muốn thấp hèn trở thành thói quen trong cuộc sống, trong sinh hoạt hàng ngày. Bởi những ham muốn thấp hèn làm cho sinh viên thoái hoá, biến chất hư hỏng.

+ Khiêm tốn: Kiên trì vượt khó, khiêm tốn cũng là những yếu tố đạo đức cách mạng. Quá trình hoàn thiện nhân cách, nâng cao kiến thức không chỉ học tập trong sách vở, học tập với thầy, với bạn, mà còn phải học tập trong cuộc sống, trong công tác, đối với mọi cá nhân dù đã uyên thâm, kiệt xuất đến mấy. Vì vậy mà Khổng tử (551 - 479 tcn) - Nhà hiền triết, nhà đại giáo dục được người đời suy tôn là “Chí thánh tiên sư, vạn thế sự biểu” (người thầy bậc chí thánh dạy bảo cho vạn đời sau) - vẫn nêu cao phương châm khiêm tốn học hỏi: Ba người đi đường, thế nào cũng có người thầy ta. Có nghĩa là họ có thể hiểu biết hơn một điều gì đó để bày vẽ, chỉ bảo cho mình. Vì vậy, ông khuyên học trò mình không nên kiêu căng tự phụ hoặc dấu dốt, mà phải dũng cảm, trung thực cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, thế mới gọi là biết, thì mới nắm được tri thức một cách toàn diện sâu sắc. Trong hoạt động bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ cán bộ cách mạng, Hồ Chủ Tịch cũng luôn nhắc nhở rằng “càng cựu càng giỏi, càng phải kiêm tốn... Tự mãn, tự ty là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”[6; 496].

Bản thân Bác Hồ là một tấm gương sáng chói về tinh thần kiên trì và khiêm tốn trong học tập. Người không chỉ học tập kiến thức Kim, Cổ, Đông, Tây trong sách vở, mà còn học ở mọi nơi, mọi lúc, học ở bạn bè, học trong quần chúng nhân dân lao động, nên đã trở nên một vị lãnh tụ xuất sắc, một nhà văn hoá lớn của dân tộc và thế giới.

Khiêm tốn trong học tập, học hỏi là một điều quan trọng cần thiết đối với mọi người. Nhưng học tập là một quá trình lao động vất vả và gian khổ, vì thế đòi hỏi mọi sinh viên phải có một tình cảm say mê, miệt mài để tiếp thu những tri thức của nhân loại đã tích luỹ được, nhưng tiếp thu phải chủ động sáng tạo. Ngay việc học tập dưới chế độ cũ, khi mà tri thức khoa học-kỹ thuật còn ít ỏi, chưa phát triển, phải phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ, thâu tóm những kiến thức cốt lõi để vận dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo, chứ không chỉ bo bo theo kinh sách.

Trong thời đại văn minh công nghiệp, khối lượng tri thức trong sách vở, trong đời sống thực tiễn thường xuyên biến đổi phát triển, nếu học tập một cách thụ động, thuộc lòng những tri thức có sẵn hoặc chờ đợi người thầy giáo truyền thụ cho từng nào được chừng ấy thì không thể đạt được kết quả tốt đẹp trong quá trình tiếp thu và khám phá khoa học. Bản thân khoa học, hệ thống tri thức của loại người về các quy luật khách quan, về các hoạt động thực tiễn tiếp cận dần với chân lý, nhằm cải tạo về tự nhiên, xã hội và phát triển tư duy. Vì vậy, khoa học không chấp nhận, bao dung những hành vi thiếu đạo đức như tính lười biếng, tuỳ tiện không trung thực, vô nguyên tắc tự cao, tự mãn và những thói xấu khác như xun xoe, bợ đỡ, thiếu khiêm tốn không có tinh thần đoàn kết tương trợ... Nếu không loại trừ được những biểu hiện đó thì không thể đem lại một kết quả tốt đẹp trong học tập và trong cuộc sống, chữ đừng nói đến trở thành một nhà khoa học chân chính để đóng góp tài đức của mình vào lợi ích chung của dân tộc.

Lúc sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta trong học tập: Phải khiêm tốn thật thà, cái gì biết thì nói biết. Kiêu ngạo tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập. Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ, phải đào sâu, hiếu kỳ... Đối với bất cứ điều gì, đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tiễn hay không... phải suy nghĩ chính chắn.

Đối với mỗi con người, trong quá trình học tập ở nhà trường từ khi khai tâm cho đến khi thành đạt đã nãy sinh và phát triển một mối quan hệ rất đặc biệt, đó là quan hệ thầy trò đã được nhân dân ta đặt vào vị trí rất quan trọng: “không

có thầy đố mầy làm nên”. Vì vậy, trong nhà trường nói chung, đặc biệt là ở Đại học, trung học chuyên nghiệp, thầy cô giáo thường quan niệm thanh niên sinh viên không chỉ là người học trò, mà còn là người bạn, người đồng chí, đồng nghiệp, nhà khoa học tương lai trong đội ngũ của mình. Được trưởng thành trong quan hệ dạy học dân chủ bình đẳng, được tôn trọng cao như vậy, thanh niên, sinh viên càng có điều kiện rèn luyện phát huy những phẩm chất năng lực của người tri thức mới, chủ động, tự tin năng động, sáng tạo, trung thực, khiêm tốn dũng cảm,.. để tự hoàn thiện mình lên những tầm cao mới phù hợp với đà phát triển của xã hội.

Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” hết lòng ca ngợi và tôn trọng những con người thành đạt, hiển vinh mà vẫn giữ được mối quan hệ sâu sắc tình nghĩa. Rõ ràng, học tập là một quá trình vất vả mà nó không bao giờ hết học, học nữa, học mãi. Những đặc điểm quan trọng đối với thế thệ trẻ nói chung, sinh viên nói riêng với tư cách là lực lượng nòng cốt góp phần to lớn vào sự cải biến xã hội ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào của dân tộc.

Trong sự nghiệp cách mạng đổi mới hiện hay của đất nước, sinh viên phải nhận thức được những phẩm chất đạo đức cần thiết trong học tập để có quyết tâm rèn luyện, tu dưỡng nâng mình với tầm cao của thời đại mới có thế đóng góp được tài năng của cá nhân vào công cuộc xây dựng xã hội ngày càng văn minh tiến bộ.

Một phần của tài liệu Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên Đại học Khoa học Huế hiện nay (Trang 51 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(78 trang)
w