Những mặt tiêu cực

Một phần của tài liệu Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên Đại học Khoa học Huế hiện nay (Trang 42 - 45)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.1.2.Những mặt tiêu cực

Trong năm 2010 Đại học Khoa học Huế đã buộc thôi học và trả về địa phương 104 sinh viên do kết quả học tập kém, không đủ điều kiện học tiếp theo quy chế. Năm 2013 có 87 sinh viên buộc thôi học do kết quả học tập kém không đủ điều kiện học.

Trong học tập thì trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp của sinh viên còn thấp. Định hướng nghề nghiệp, động cơ học tập còn chưa phù hợp với thị trường lao động, với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Không ít sinh viên học tập chỉ vì mục đích kiếm tiền, cố gắng thi vào những trường, những nghành để sau này có thể kiếm được nhiều tiền. Như vậy, do chạy theo đồng tiền nên động cơ học tập, cũng như thái độ học tập của họ không đúng đắn, họ chỉ học tập côt sao cho qua, hoặc bằng mọi hình thức để xin mua điểm... Trình độ, kiến thức, kỹ năng thực hành, phương pháp tư duy khoa học của sinh viên khi ra trường còn hạn chế.

Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp bước vào thị trường lao động bộc lộ nhiều yếu kém, chưa có tác phong và thói quen công nghiệp, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường mà đặc trưng chủ yếu là thiếu tính năng động, sáng tạo, nhạy bén với thời cuộc.

Một trong những hạn chế của một bộ phận không nhỏ sinh viên khi ra trường, là họ không muốn trở về quê hương để cống hiến, phục vụ, không chịu lên các vùng xa xôi hẻo lánh để công tác mà phần lớn đều do tâm lý muốn ở lại thủ đô hoặc các thành phố để kiếm việc làm .

Hiện nay, dưới sự tác động của cơ chế thị trường, ý thức chấp hành kỷ luật lao động và chấp hành pháp luật của một bộ phận sinh viên còn thấp, không ít sinh viên mất nhân cách, lười biếng...

Thứ nhất, một bộ phận sinh viên thực dụng trong quan niệm đạo đức và hành vi ứng xử, coi nặng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần. Sự thực dụng trong quan niệm đạo đức và hành vi ứng xử ở một bộ phận sinh viên hiện nay được biểu hiện ở chỗ, họ ý thức cao về bản thân mình, muốn thể hiện vai trò cá nhân theo kiểu “lợi mình hại người” và đề cao các giá trị vật chất, xem thường những giá trị tinh thần. Điều này được thể hiện trong mọi hoạt động sống của một bộ phận sinh viên, từ động cơ chọn ngành, nghề theo học, lựa chọn nơi làm việc sau khi tốt nghiệp,đến quan niệm về tình bạn, tình yêu, tình thầy trò.

Thứ hai, một số sinh viên có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm đạo đức, ích kỷ, không ít sinh viên chạy theo lối sống thực dụng, buông thả, xa rời đạo đức truyền thống dân tộc, tiếp thu lối sống, văn hóa phương Tây không chọn lọc, có hành vi vi phạm pháp luật sa vào các tệ nạn xã hội. Một bộ phận sinh viên có biểu hiện suy giảm về đạo đức, lệch lạc về lối sống. Tình trạng sinh viên ăn chơi đua đòi chạy theo lối sống thực dụng, coi trọng giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần, bị đồng tiền tha hóa ngày càng rõ. Để kiếm tiền, một số sinh viên đã làm một số vụ việc không chính đáng như thi thuê, thi hộ. Vô cảm là trạng thái tâm lý không có cảm xúc, không có tình cảm, không có phản ứng trước những tình huống đáng ra phải xuất hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau. Một số sinh viên hiện nay thờ ơ, ít quan tâm đến những vấn đề không liên quan đến gia đình, đến bản thân họ nhưng lại quan trọng đối với xã hội, đất nước và nhân loại.

Thứ ba, một số sinh viên xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, sống buông thả. Những giá trị đạo đức truyền thống vốn là niềm tự hào của dân tộc như: đức tính lao động cần cù, tiết kiệm, trung thực, nhân ái,... đã bị một số sinh viên bỏ qua. Không ít sinh viên chạy theo lối sống hưởng thụ, sống buông thả, tự đặt mình ra khỏi những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội, có lối hành xử bạo lực phi nhân tính, lười học tập, lười lao động,... Sự biến đổi theo chiều hướng tiêu cực của một bộ phận sinh viên hiện nay do một số nguyên nhân cơ bản sau: Một phần xuất phát từ việc giáo dục đạo đức của gia đình. Do công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường thời gian qua không được chú trọng và quan tâm đúng mức, đôi khi chỉ mang tính hình thức. Do vai trò giáo dục, định hướng của các tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên chưa được phát huy đúng mức. Về phía sinh viên, do đặc điểm nhân cách đạo đức chưa hoàn thiện, thích khám phá và dễ thích nghi với cái mới, kinh nghiệm sống còn hạn chế lại thiếu ý thức trong trong học tập và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, một bộ phận sinh viên dễ dàng bị ảnh hưởng bởi cái xấu trong xã hội.

Thứ tư, còn một bộ phận sinh viên Trường Đại học Khoa học Huế chưa có ý chí phấn đấu, thờ ơ với các vấn đề chính trị, các hoạt động xã hội, còn mơ hồ về lý tưởng cách mạng. Trong đội ngũ sinh viên của trường vẫn còn những sinh viên sống khép mình, xa rời tập thể, tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể, thờ ơ với các diễn biến chính trị, xã hội của đất nước, lý tưởng cách mạng mờ nhạt. Số sinh viên này trong quan hệ với bạn bè và những người xung quanh thường theo xu hướng bàng quan, không quan tâm, không hòa nhập với tập thể, trốn tránh trách nhiệm chung, chỉ tham gia những hoạt động gì có lợi cho bản thân mình.

Tóm lại, tình hình diễn biến về mặt đạo đức, lối sống của sinh viên Trường đại học Khoa học Huế là sự đan xen giữa hai mặt tích cực và tiêu cực. Trong đó mặt tích cực chiếm ưu thế đáng được trân trọng và phát huy. Tuy nhiên, những biểu hiện tiêu cực hiện có trong sinh viên là nguy cơ tiềm ẩn từng bước làm suy thoái nhân cách một bộ phận sinh viên cần được nghiên cứu nhận diện đầy đủ để kịp thời ngăn ngừa, uốn nắn, khắc phục.

Một phần của tài liệu Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên Đại học Khoa học Huế hiện nay (Trang 42 - 45)