Ngày xưa ở triều đại Trung Quốc có một viên tướng rất nỗi tiếng về môn bắn cung. Bất cứ ai sống trong triều đại đó cũng đều không thể không biết tới tên tuổi của ông ta. Không có một vật gì mà ông ta lại bắn không trúng, thậm chí kể cả một sợ dây thừng dùng để cột cánh bườm cũng đều bị ông ta hạ một cách dễ dàng cho dù rằng ở một vị trí rất xa với sợ dây.
Một hôm trong lúc ông ta đang luyện tập bắn cung, tình cờ có một người bán rượu đi ngang qua. Ông bán rượu này tỏ ra vẻ rất thờ ơ với những bài luyện tập của viên tướng, thấy vậy viên tướng liền biểu diễn ngay một màn bắn cung xuất chúng của ông bằng cách bắn đứt một sợi dây thừng ở cách ông ta rất xa, sau khi bắn xong viên tướng liền quay sang người bán rượu và hỏi:
- Sao, ông thấy tôi thế nào?
Người bán rượu liền trả lời một cách không ngần ngại: - Thường thôi!....
Nghe người bán rượu trả lời như vậy, viên tướng hết sức tức giận liền hỏi lại:
- Vậy theo ông thấy thì trên đất nước Trung Hoa này có được bao nhiêu người bắn cung giỏi giống được như tôi, vậy mà tại sao ông lại cho là “thường thôi”?
Người bán rượu đáp:
- Nếu như ông cho ông giỏi, vậy tôi hỏi ông – nói tới đây người bán rượu móc từ trong người ông ta ra một tiền đồng và đặt nó lên một cái miệng chai rỗng, sau đó ông ta tiếp - ông có thấy được cái lỗ nhỏ xíu ở chính giữa cái đồng tiền này không? (tiền đồng của Trung Quốc thời xưa có một cái lỗ nhỏ ở chính giữa đồng tiền như chúng ta thường hay thấy ở trên hình của các vị thần tài). – vừa nói, tay ông ta chỉ vào cái lỗ nhỏ xíu nằm ở chính giữa cái tiền đồng mà ông ta vừa đặt nó lên trên cái miệng chai hồi nảy.
- Có ! – viên tướng đáp.
- Vậy ông có thể nào dùng một cái chai có chứa sẳn rượu trong đó và rót rượu đó vào trong cái chai rỗng này qua cái lỗ nhỏ xíu này của tiền đồng mà không làm cho tiền đồng này ướt được không? - người bán rượu hỏi, tay vừa chỉ vào cái lỗ nhỏ của tiền đồng nằm trên miệng của một cái chai rỗng.
Viên tướng vội đáp mà không cần suy nghĩ: - Việc đó thì có gì đâu mà khó.
Nói tới đây viên tướng liền thực hiện theo những gì mà người bán rượu vừa thách thức. Nhưng quả thật rằng ông ta không thể nào mà không làm ướt được tiền đồng khi ông ta đổ rượu vào trong cái chai. Người bán rượu lấy từ trong người ra một đồng tiền khác và đặt nó lên miệng của cái chai rỗng hồi nảy và từng bước thực hiện lại những gì mà ông ta vừa mới thách thức với viên tướng. Không có một chút xíu rượu nào dính vào tiền đồng cả…!
Sau khi bỏ chai rượu xuống, người bán rượu giải thích:
-Ông là một viên tướng, việc ngày đêm ông chú trọng vào công việc luyện tập binh khí và sử dụng thành thạo chúng thì đó cũng chỉ là chuyện đương nhiên thôi. Còn tôi là một người bán rượu, ngày đêm tôi phải bôn ba với công việc bán rượu cho nên việc tôi rót rượu thành thạo cũng chỉ là chuyện thường, vì thế nên không có gì đáng để tự hào cả!...
Cho đi
Một lần vào đầu mùa hè, tôi thuê một người thợ mộc tới sửa sang lại căn nhà nghỉ bằng gỗ của gia đình ở ngoại thành. Chúng tôi hẹn gặp nhau vào lúc 7 giờ sáng vì tôi còn bận đến trường. Vào lúc 8 giờ tôi có giờ dạy. Để có mặt đúng hẹn, tôi phải dậy thật sớm đánh xe xuyên qua thành phố còn vắng tanh. Tuy nhiên, mãi tới tận gần 8 giờ người thợ mộc mới có mặt. Tôi cố nén cơn giận dữ đang trào lên tận cổ, để nghe những lời phân bua ngượng nghịu rằng xe hơi của anh bị bể bánh. Hôm đó có lẽ là ngày không may. Do bị muộn nên tôi phóng xe như bay, kết quả cảnh sát dán cho tôi một vé phạt!
Trời về chiều, tôi quay trở lại nhà nghỉ, việc sửa chữa vẫn chưa xong. Thật khó nói lỗi tại ai: có thể do ngôi nhà của chúng tôi đã quá cũ, cứ dỡ cái này ra để sửa lại lòi ra những chỗ hư hỏng khác không sửa không được. Nhìn người thợ mộc quần áo sũng mồ hôi, mặt mũi tóc tai bám đầy mạt cưa và bụi đất cùng đống gỗ lỏng chỏng, tôi đành dặn anh ta ngày mai quay trở lại, nhớ mang theo dụng cụ và vật liệu dư ra. Người thợ mộc chào tôi trước khi bước ra cửa. Tôi nán lại để đóng cửa nẻo trước sau, cắt cầu dao điện rồi bước ra cổng. Tôi nhìn thấy người thợ mộc đang chúi đầu sau mui trước chiếc xe thùng cổ lỗ sĩ. Chắc xe hỏng - tôi đoán thế vì nghe tiếng xe nổ sậm sựt rồi đột nhiên ngưng bặt như bị sặc nước. Tôi bước lại gần bảo anh ta cho xe vào trong sân, mai sửa, giờ tôi sẽ đưa anh ta về. Người thợ mộc tần ngần một thoáng và đồng ý. Đẩy xe vào trong sân xong, khóa cổng chúng tôi lên đường.
Suốt dọc đường, người thợ mộc im lặng. Tôi thông cảm với vẻ mặt lầm lì, bực dọc và đầy mệt mỏi của anh. Về tới nơi, người thợ mộc mời tôi vào chơi cho biết nhà. Tôi nhận lời. Trước khi bước lên thềm, người thợ mộc đột nhiên dừng lại một lúc trước bụi cây nhỏ, hai bàn tay vuốt ve đám lá cây xanh rì, những chồi non mập mạp. Có vẻ như anh ta đang thì thầm gì đó. Bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên của tôi, người thợ mộc lại mỉm cười. Thật lạ, hình như: anh ta không còn là con người mà tôi gặp từ chiều tới giờ. Một phép lạ nào đó đã gột hết bụi bặm, bực bội. Anh ta mở cửa, niềm nở mời tôi vào nhà, vui vẻ - ôm hôn vợ và hai đứa con reo hò chạy ra đón cha.
Sáng hôm sau, lúc đón người thợ mộc, tôi đâm ra chạnh lòng khi thấy chị vợ bịn rịn tiễn chồng. Bước chân ra khỏi cửa, người thợ mộc lại lúi húi với bụi cây trước nhà. Dọc đường đi, không nén nổi tò mò, tôi hỏi anh ta làm gì với bụi cây. Câu trả lời của anh ta khiến tôi sửng sốt: "Có gì đâu, tôi nhờ nó giữ giùm tôi những lo toan thôi mà". Rồi anh ta giải thích: "Lúc nhỏ cha tôi dạy rằng, trong cuộc mưu sinh con người sẽ phải đối đầu với vô số lo toan, bực bội mà con không thể tránh, nhưng hãy gác chúng lại bên ngoài khi con trở về gia đình. Ngày nào cũng thế, đi làm về là tôi gửi lại những lo toan ở bên ngoài, sáng ra tôi lại lấy chúng mang theo. Mà lạ lắm, ông ạ. Tôi phát hiện những cái tôi nhận lại ít hơn nhiều so với những gì tôi gửi".