Câu chuyện của một chú lùn

Một phần của tài liệu truyên cdoong phần 3 (Trang 85 - 87)

- Mẹ có thể dạy con sự tự trọng, nhưng mẹ không thể bắt con phải tôn trọng người khác Mẹ có thể khuyên con về bạn bè, nhưng mẹ không thể cho bạn cho con.

Câu chuyện của một chú lùn

Lúc đó, ở cửa hàng bách hóa đã là 6 giờ, và tôi thực sự cảm thấy kiệt sức như một chú lùn trong đêm Giáng sinh. Mà thực ra thì tôi đúng là một chú lùn và hôm đó cũng là đêm Giáng Sinh. Tháng 12 năm 1995, tôi mới mười sáu tuổi, lúc đó đang làm cùng một lúc hai việc để giúp cha mẹ trang trải phần nào học phí của mình và cũng để kiếm thêm chút tiền tiêu vào dịp lễ. Công việc thứ hai của tôi là vào vai một chú lùn giúp việc cho ông già Noel chụp ảnh lũ nhóc. Vì phải cáng đáng cùng lúc hai công việc, tôi đã phải làm việc trong suốt mười hai giờ liên tục vào ngày hôm trước; vào đêm Giáng sinh, công việc ở khu vực của ông già Tuyết bận rộn đến nỗi tôi không có chút thời gian nghỉ ngơi để uống một tách cà phê. Nhưng chỉ vài phút sau đó, tôi đã như người được sống lại.

Tôi nhìn sang cô Shelly, quản lý của chúng tôi, và nhận được một nụ cười khích lệ. Cô ấy chính là động lực giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn mệt mỏi như lúc này. Bị đặt vào vị trí quản lý đương lúc giữa chừng giữa quãng như thế, nhưng cô ấy đã làm cho mọi thứ ở đây trở nên khác hẳn. Công việc của tôi liên tục thay đổi có khi quá căng thẳng có khi lại trở nên đầy thách thức. Thay vì la mắng hối thúc chúng tôi làm việc, cô ấy lại luôn khuyến khích và hỗ trợ chúng tôi để chúng tôi có được sự liên kết của một đội. Đặc biệt là những lúc công việc bù đầu bù cổ, cô Shelly lại luôn nở nụ cười trên môi và dành cho chúng tôi những lời động viên đáng giá. Dưới sự lãnh đạo của cô, chúng tôi đã trở thành tiệm ảnh có doanh thu cao nhất bang California. Tôi biết đó là một mùa nghỉ đầy khó khăn đối với cô Shelly - đặc biệt là khi cô ấy vừa bị sẩy thai. Tôi thực sự hy vọng cô Shelly biết được cô ấy vĩ đại tới mức nào và cô ấy đã mang đến cho các nhân viên của mình và tất cả bọn trẻ tới đây chụp hình một cảm giác khác biệt như thế nào.

Tiệm chụp ảnh của chúng tôi mở cửa tới tận bảy giờ; vào khoảng sáu giờ thì mọi thứ bắt đầu lắng xuống và cuối cùng thì tôi cũng được nghỉ giải lao một chút. Mặc dù không có nhiều tiền, nhưng lúc đó tôi thực sự muốn mua một món quà nhỏ dành tặng cô Shelly để bày tỏ lòng kính trọng của chúng tôi đối với cô ấy. Tôi rẽ

vào tiệm bán xà phòng và mỹ phẩm vừa kịp lúc họ hạ cửa xuống. Người bán hàng, với vẻ mặt cũng mệt mỏi như tôi, nói gần như thét vào mặt tôi bằng cái giọng nghe không thấy “tiếc” tí nào cả: “Rất tiếc, chúng tôi đóng cửa rồi!”

Tôi nhìn quanh và bàng hoàng khi thấy tất cả các cửa tiệm đều đã đóng cửa mà có lẽ do đã quá mệt mỏi nên tôi không chú ý. Tôi thực sự hốt hoảng. Tôi đã làm việc cật lực cả ngày và không kịp mua cho cô ấy một món quà chỉ vì tới trễ có một phút. Trên đường quay trở lại tiệm ảnh của mình, tôi chợt thấy cửa hàng Nordstrom vẫn còn mở cửa. Sợ rằng họ cũng sẽ đóng cửa bất cứ lúc nào, tôi vội bước vào và theo mũi tên hướng dẫn đi nhanh về phía quầy bán quà. Khi băng qua cửa hàng, tôi bắt đầu cảm thấy mình khác mọi người. Hầu hết những khách hang khác đều ăn mặc rất đẹp và giàu có – còn tôi chỉ là một gã thiếu niên nghèo trong trang phục của một người lùn. “Làm sao mà

mình có thể mua được thứ gì ở đây khi trong túi chỉ có mười lăm đô la?”

Tôi cố tình tạo những tiếng rung chuông loẻng xoẻng khi đi về phía quầy bán quà. Một nữ nhân viên bán hàng xinh đẹp như thể chị ấy vừa bước ra khỏi một sàn diễn thời trang nào đó, tiến về phía tôi và hỏi xem liệu chị ấy có thể giúp gì được cho tôi không. Khi chị ấy lên tiếng, mọi người trong cửa hàng đều quay lại và nhìn chằm chằm vào tôi.

Hạ giọng nhỏ hết mức có thể, tôi nói: "Không sao. Chị cứ đi giúp những người khác đi". Nhìn thẳng vào tôi, chị ấy mỉm cười nói: "Không, chị muốn giúp em”.

Tôi nói với chị bán hàng về người mà tôi định tặng quà và cả lý do, rồi ngượng ngùng thú nhận rằng mình chỉ có khỏang mười lăm đô la. Trông chị ấy có nhiệt tình và ân cần với tôi như thể tôi vừa đề nghị mua món quà nào đó đáng giá 1500 đô la. Lúc này, trong cửa hàng không còn một người khách nào ngòai tôi, nhưng chị bán hàng vẫn cẩn thận đảo một vòng để chọn một vài thứ gì đó làm thành một giỏ quà dễ thương với giá tổng cộng vừa đúng 14 đô 9 xu.

Cửa tiệm bắt đầu đóng cửa; khi chị ấy chọn xong món quà thì đèn cũng vừa tắt hết.

Tôi đang nghĩ hay là mình đem quà về nhà rồi gói, tôi cũng có thể gói thật đẹp nhưng tôi lại không có đủ thời gian.

Như đọc được suy nghĩ của tôi, chị bán hàng hỏi: "Vậy em có cần gói quà không?” “Dạ có”, tôi đáp ngay.

Tới lúc này, cửa tiệm đã đóng cửa. Qua hệ thống loa truyền thanh, một giọng nói hỏi xem có còn khách hàng nào còn ở trong cửa tiệm không. Tôi biết chị ấy cũng cũng náo nức về nhà vào đêm Giáng sinh chẳng kém gì những người khác, vậy mà tới giờ vẫn còn bị kẹt ở đây vì phải phục vụ thằng nhóc mua sắm vài thứ giá trị chẳng bao nhiêu.

Chị ấy đi vào căn phòng phía sau một hồi lâu. Khi trở ra, chị ấy mang theo một giỏ quà đẹp nhất mà tôi từng được thấy. Giỏ quà được gói bằng giấy kiếng màu vàng và bạc, cứ như tôi đã chi thêm ít nhất 50 đô la để gói quà. Không thể tin được. Tôi quá vui sướng!

Khi tôi cảm ơn, chị ấy nói, “Các chú lùn đã mang niềm vui đến rất nhiều người và chị cũng chỉ mong mang lại cho em chút niềm vui nhỏ bé mà thôi”.

Khi trở về tiệm, tôi nói: “Giáng sinh vui vẻ, cô Shelly”. Quản lý của tôi thật bất ngờ khi trông thấy gói quà; cô ấy quá vui sướng và cảm động đến rơi nước mắt. Tôi hy vọng gói quà đó mang lại cho cô ấy một khởi đầu hạnh phúc vào dịp lễ Giáng Sinh này.

Trong suốt kỳ nghỉ, tôi không thể không nghĩ về sự ân cần và những nỗ lực của chị bán hàng cũng như niềm vui lớn lao mà chị ấy mang tới cho chính tôi, và truyền sang cho quản lý của tôi nữa. Tôi nghĩ rằng điều tối thiểu mà tôi có thể làm được là viết một lá thư gửi tới cửa hàng đó để kể cho mọi người biết về chuyện ngày hôm đó. Khoảng một tuần sau, tôi nhận được thư hồi âm từ cửa hang cảm ơn về bức thư tôi đã viết.

Đó là khi tôi nhận được một cú điện thoại từ Stephanie, chị bán hàng dễ thương. Chị ấy muốn mời tôi đi ăn trưa. Chính tôi, một khách hàng mười sáu tuổi và chỉ có mười lăm đô la.

Khi chúng tôi gặp nhau, Stephanie ôm tôi một cái, tặng tôi một món quà và kể tôi nghe câu chuyện của chị. Khi tham dự một cuộc họp của nhân viên gần đây, chị ấy thấy có tên mình trong danh sách những người được đề cử danh hiệu “Ngôi sao của Nordstrom”. Chị Stephanie đã rất bối rối nhưng cũng rất hồi hộp vì chưa từng được đề cử bao giờ. Vào thời điểm công bố người đạt danh hiệu trong buổi họp mặt ấy, người ta hô to Stephanie – chị ấy đã thắng! Khi bước lên bục nhận phần thưởng, giám đốc của chị đã đọc to lá thư của tôi. Mọi người hiện diện lúc ấy đều nhiệt liệt vỗ tay khen ngợi.

Dành được danh hiệu này có nghĩa là ảnh của chị sẽ được đặt ngay tại tiền sảnh của cửa hàng, chị sẽ được thay một thẻ nhân viên mới bên trên có dòng chữ “Ngôi sao của Nordstrom”, đuợc tặng một cái cài áo bằng vàng 14 karat, một phần thưởng trị giá 100 đô la và được đại diện cho cửa hàng của mình tham dự cuộc họp khu vực.

Ở buổi họp khu vực, họ đọc lá thư của tôi và mọi người đồng loạt đứng dậy hoan hô Stephanie. Vị giám đốc sau khi đọc xong bức thư của tôi liền nói: “Đây là điều mà chúng tôi mong mọi nhân viên của mình có thể làm được!”. Chị Stephanie được đến thăm thêm ba cửa hàng khác của Nordstrom, và ở đó chị cũng được tán dương như vậy.

Tôi đã có hơi choáng ngợp một chút khi chị Stephanie nắm lấy tay tôi. “Nhưng đó chưa phải là điều tuyệt vời nhất, Tyree à”, chị ấy nói. "Sau cuộc họp đầu tiên ở cửa hàng, chị mang danh sách những người được để cử về nhà, để lá thư của em bên dưới và tờ giấy bạc 100 đô la thì ở bên dưới nữa và đưa cho cha của chị xem. Sau đi đọc qua một lượt, ông nhìn chị rồi nói: 'Khi nào thì công bố người thắng cuộc?'

“Chị trả lời: ‘Con đã thắng!’

“Ông đã nhìn thẳng vào mắt chị và nói: ‘Stephanie, cha thật sự tự hào về con.’”

Dáng vẻ trầm ngâm, chị ấy nói: “Cha của chị chưa bao giờ nói là ông tự hào về chị”.

Tôi nghĩ mình sẽ nhớ mãi khoảnh khắc đó trong suốt cuộc đời này. Khoảnh khắc tôi nhận ra rằng một món quà của lòng cảm kích có sức mạnh như thế nào. Sự đánh giá cao công việc của các nhân viên của cô Shelly đã tạo động lực cho một chuỗi những sự kiện - giỏ quà tuyệt đẹp của Stephanie, lá thư của tôi, phần thưởng của Nordstrom - những điều đã thay đổi cuộc sống của ít nhất là ba người.

Dù đã được nghe điều đó trong suốt cuộc đời mình, nhưng chính vào mùa Giáng sinh đáng nhớ đó khi tôi chỉ là một chú lùn và là một cậu thiếu niên nghèo – tôi mới thực sự hiểu được rằng những điều nhỏ bé nhất cũng có thể tạo nên những thay đổi lớn lao.

Một phần của tài liệu truyên cdoong phần 3 (Trang 85 - 87)