- Mẹ có thể dạy con sự tự trọng, nhưng mẹ không thể bắt con phải tôn trọng người khác Mẹ có thể khuyên con về bạn bè, nhưng mẹ không thể cho bạn cho con.
Chú chó thông minh
Một ông nhà giàu quyết định thực hiện một chuyến đi săn đến Phi Châu. Ông ta mang theo con chó cưng trung thành để làm bạn.
Một hôm, do mải mê đuổi theo một con bướm, con chó bị lạc. Đang đi lang thang khắp nơi, nó bỗng nhìn thấy một con báo đang di chuyển rất nhanh về phía nó và có vẻ như đang đi tìm bữa trưa của mình.
Con chó nghĩ: “Mình chết chắc rồi!”. Rồi bỗng nó nhìn thấy trên mặt đất gần đó có một vài khúc xương, ngay lập tức nó sà đến và giả vờ như đang nhai xương một cách ngon lành, lưng quay về phía con báo đang tiến đến gần.
Vừa đúng lúc con báo định nhảy đến vồ nó, con chó cố nói thật to: “Ôi trời! Thịt con báo này ngon thiệt! Không biết có còn con nào chung quanh đây không nhỉ?”.
Nghe thấy thế, con báo bỗng khựng lại hoảng hốt, vội lẩn vào những cái cây. “Phù!” con báo nói: “Mình đến gần quá, suýt nữa thì bị con chó đó ăn thịt rồi!”
Trong lúc đó, một con khỉ trên cành cây gần đó đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện. Nó nghĩ mình có thể lợi dụng chuyện này để có được sự bảo vệ của con báo. Thế là nó leo xuống.
Con chó nhìn thấy con khỉ đang đuổi theo sau con báo rất nhanh, nó nghĩ chắc lại có chuyện không hay rồi đây.
Cuối cùng con khỉ cũng bắt kịp con báo và thương lượng với nó.
Nghe xong, con báo tức giận vô cùng khi biết mình đã bị con chó đó biến thành thằng ngốc. Nó nói: “Khỉ, mày leo lên lưng tao, chúng ta sẽ đến xem chuyện gì sẽ xảy ra với con chó quỷ quyệt đó”.
Khi thấy con báo quay trở lại cùng với con khỉ ở trên lưng, con chó nghĩ: “Trời ơi! Mình phải làm gì bây giờ?”.
Thay vì bỏ chạy, con chó ngồi xuống quay lưng lại phía hai con vật đang đến gần, giả vờ như không hề nhìn thấy chúng. Chờ cho chúng đến đủ gần để có thể nghe đựơc, con chó nói: “Con khỉ khốn kiếp đó trốn đi đâu rồi không biết? Mình bảo nó đi bắt về cho mình thêm một con báo cả nửa tiếng rồi mà chẳng thấy tăm hơi của nó đâu?”.
Báo nghe thấy thế nghĩ là mình đã bị con khỉ lừa nên nó bèn hất mạnh con khỉ xuống đất và bỏ chạy. Như vậy, nhờ trí thông minh và lòng dũng cảm của mình, con chó đã vượt qua nguy hiểm trong gang tấc!
Bobsy
Người mẹ trẻ hai mươi sáu tuổi nhìn chằm chằm vào cậu con trai sắp sửa ra đi vì căn bệnh bạch cầu giai đoạn cuối. Dù trong lòng ngập tràn nỗi buồn, nhưng cô vẫn có một cảm giác thôi thúc mạnh mẽ. Cũng giống như các bậc cha mẹ khác, cô cũng muốn nhìn thấy con trai mình trưởng thành và thực hiện tất cả những ước mơ của nó. Nhưng giờ đây, điều đó không còn thực hiện được nữa, căn bệnh bạch cầu sẽ cướp mất cuộc đời nó. Tuy vậy, cô vẫn muốn những ước mơ của con trai mình trở thành hiện thực.
Nắm lấy tay con trai, cô hỏi: “Bobsy, có bao giờ con nghĩ là khi con lớn lên, con sẽ làm gì? Và có bao giờ con mơ ước sẽ làm một việc gì đó trong cuộc đời mình không?”.
“Con luôn ao ước khi lớn lên con sẽ trở thành lính cứu hỏa”. Người mẹ tươi cười trở lại và nói: “Hãy thử cùng biến điều ước của con thành hiện thực, con trai nhé!”. Vào lúc cuối ngày, cô đến sở cứu hỏa địa phương ở Phoenix, bang Arizona, ở đây cô đã gặp anh lính cứu hỏa Bob, người có một tấm lòng rộng mở hơn là cô mong đợi. Người mẹ trẻ giải thích điều ước cuối cùng của con trai mình và hỏi xem liệu anh ta có thể cho cậu con trai sáu tuổi của cô quá giang một đoạn quanh khu vực trên một chiếc xe chữa cháy được hay không.
Lính cứu hỏa Bob nhiệt tình đáp: “Để xem nào! Chúng tôi còn có thể làm nhiều hơn thế nữa. Nếu như cô có thể giúp con mình chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ vào đúng bảy giờ sáng thư Tư, chúng tôi có thể để cho cậu bé được làm lính cứu hỏa danh dự trong suốt cả ngày. Cậu bé có thể tới sở cứu hỏa, ăn cơm chung với chúng tôi, đi với chúng tôi đến bất cứ nơi nào có điện báo cháy trong khu vực rộng 9 yard này. Và nếu cô có thể cung cấp cho chúng tôi kích cỡ của cậu bé thì chúng tôi cũng sẽ may một bộ đồng phục chữa cháy thực sự với đầy đủ nón bảo hộ (không phải là nón đồ chơi đâu nhé) có gắn cả huy hiệu của sở cứu hỏa Phoenix, một áo cứu hỏa màu vàng mà chúng tôi đang mặc và một đôi giày ống bằng cao su nữa. Tất cả đều được sản xuất tại Phoenix này, nên cô sẽ có được những thứ ấy nhanh thôi”. Ba ngày sau, lính cứu hỏa Bob đến đón Bobsy, mặc đồng phục lính cứu hỏa cho cậu bé và hộ tống nó ra khỏi bệnh viện đến chỗ có chiếc xe thang và móc treo đang chờ sẵn. Bobsy được đặt ngồi ở phía sau xe và giúp lái xe quay trở lại trạm cứu hỏa. Cậu bé cảm thấy sung sướng như đang ở trên thiên đường.
Ngày hôm đó ở Phoenix có ba cuộc điện báo cháy và Bobsy được đi theo xe cả ba lần, lại còn được ngồi trên ba chiếc xe chữa cháy khác nhau: xe cứu hỏa, xe cứu thương và cả xe của đội trưởng đội cứu hỏa nữa. Cậu bé còn được quay phim cho chương trình tin tức ở địa phương.
Ước mơ của Bobsy đã trở thành hiện thực với tất cả tình thương và sự quan tâm của mọi người, điều đó khiến cậu bé rất cảm động và trở nên yêu đời đến nỗi nó đã có thể kéo dài cuộc sống của mình thêm ba tháng nữa so với dự đoán của các bác sĩ.
Vào một đêm, tình trạng sức khỏe của Bobsy suy giảm đột ngột và y tá trưởng đã gọi điện báo cho tất cả các người thân trong gia đình của cậu bé đến bệnh viện để gặp mặt nó lần cuối. Rồi bà chợt nhớ đến cái ngày Bobsy được làm lính cứu hỏa vì thế bà ấy đã gọi điện cho đội trưởng đội cứu hỏa và hỏi xem anh ta có thể cho một nhân viên mặc đồng phục cứu hỏa đến bệnh viện để ở cạnh Bobsy trong phút lâm chung được không. Anh ta đáp ngay: “Chúng tôi có thể làm nhiều hơn thế nữa. Chúng tôi sẽ có mặt ở đó trong vòng năm phút tới, Bà có thể giúp tôi một việc được không? Khi nghe tiếng còi cứu hỏa và nhìn thấy ánh đèn phát sáng thì xin bà vui lòng thông báo cho toàn bệnh viện qua hệ thống truyền tin nội bộ rằng không có không hề có
hỏa hoạn ở bệnh viện, mà đó chỉ là sở cứu hỏa đến để tiễn đưa một trong những thành viên giỏi nhất của mình ra đi lần cuối cùng. Và bà làm ơn mở cửa phòng của cậu bé ra sẵn nhé! Xin cảm ơn bà rất nhiều”. Khoảng năm phút sau, một chiếc xe cứu hỏa đã đến bệnh viện và đưa chiếc thang cứu hỏa trên xe lên đến tận cửa sổ đã mở sẵn ở phòng Bobsy ở tầng ba, mười bốn lính cứu hỏa nam và hai lính cứu hỏa nữ đã leo lên thang vào phòng của Bobsy. Được sự đồng ý của mẹ Bobsy, họ đã ôm chặt cậu bé vào lòng và nói cho cậu bé biết rằng họ yêu cậu bé biết bao.
Với chút hơi thở cuối cùng, Bobsy nhìn đội trưởng và nói: “Chú đội trưởng ơi, bây giờ cháu đã thực sự trở thành lính cứu hỏa rồi phải không chú?”.
Đội trưởng trả lời: “Đúng vậy Bobsy à!”.
Nghe xong câu nói ấy, Bobsy đã mỉm cười và nhắm mắt ra đi mãi mãi.
Rạp xiếc
Có một lần, hồi tôi còn là một cậu thiếu niên, hai cha con tôi đang đứng xếp hàng để chờ mua vé vào xem xiếc. Cuối cùng, chỉ còn lại một gia đình nữa thì đến lượt chúng tôi. Gia đình họ rất gây ấn tượng. Họ có tới tám đứa con mà chắc chắn tất cả đều dưới mười hai tuổi. Ai cũng thấy là họ không giàu có gì. Áo quần họ mặc không thuộc loại đắt tiền nhưng lại rất tinh tươm. Bọn trẻ thì cư xử rất lễ độ, tất cả đều đứng xếp thành hàng đôi, nắm tay nhau, đứng sau lưng cha mẹ chúng. Chúng hào hứng huyên thuyên về những chú hề, những chú voi và các màn biểu diễn mà chúng sẽ được xem tối nay. Bấy nhiêu cũng đủ thấy chúng chưa bao giờ được đi xem xiếc. Đêm nay chắc chắn sẽ là một buổi tối khó quên trong suốt cuộc đời tuổi thơ của chúng.
Cha mẹ chúng đứng ở đầu hàng có vẻ như rất tự hào. Mẹ bọn trẻ nắm lấy tay chồng mình, nhìn ông ấy ngưỡng mộ như muốn nói: “Anh là chàng hiệp sĩ của lòng em”. Người chồng cũng cười, lòng ngập tràn niềm tự hào, nhìn vợ như đáp lại: “Em biết là đúng vậy mà”. Cô bán vé hỏi xem cha bọn trẻ muốn mua bao nhiêu vé. Ông ấy tự hào trả lời, “Cho tôi mua 8 vé trẻ em và 2 vé người lớn để tôi dẫn cả nhà vào xem xiếc”.
Cô bán vé nói giá tiền.
Người vợ liền buông tay chồng ra, đầu bà ấy gục xuống, môi người chồng bắt đầu run run. Ông ấy khẽ nghiêng người tới trước một chút và hỏi: “Cô nói bao nhiêu?”
Cô bán vé nói lại giá tiền. Ông ấy không có đủ tiền.
Làm sao ông ấy có thể quay lại và nói với tám đứa con mình rằng ông ấy không có đủ tiền để dẫn chúng vào xem xiếc đây?
Chứng kiến những gì đang xảy ra, cha tôi đút tay vào túi, rút ra một tờ giấy bạc 20 đô và thả xuống đất (Chúng tôi cũng không thuộc hàng giàu có gì so với mọi người!). Rồi cha tôi cúi xuống, lượm tờ giấy bạc lên, bước tới vỗ vai người đàn ông và nói, “Xin lỗi anh, tôi thấy cái này rơi ra từ túi anh”.
Người đàn ông cũng biết được điều gì đang diễn ra. Ông không cầu xin sự bố thí nhưng chắc chắn sẽ rất cảm kích một sự giúp đỡ trong một tình huống thảm thương, đau lòng và bối rối như thế này. Ông ấy nhìn thẳng vào mắt cha tôi rồi cầm lấy tay cha tôi bằng cả hai tay của mình, nắm chặt tờ 20 đô la, bờ môi run rẩy, hàng nước mắt lăn dài xuống gò má, ông đáp: “Cám ơn, xin cảm ơn ông. Nó
thực sự rất có ý nghĩa với tôi và gia đình tôi lúc này”.
Hai cha con tôi quay trở lại xe và đi về nhà. Chúng tôi đã không vào xem xiếc buổi tối hôm ấy, nhưng chúng tôi đã không ra về tay không.