ĐỊNH NGHĨA

Một phần của tài liệu Giáo trình ngăn ngừa ô nhiễm và công nghệ sạch potx (Trang 59 - 60)

Chương 7 CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN SẠCH (CDM)

7.1 ĐỊNH NGHĨA

CDM được định nghĩa tại điều 12 của NĐT Kyoto, CDM là giúp các Bên không thuộc Phụ lục I đạt được sự phát triển bền vững và đóng góp vào mục tiêu cao nhất của Công ước, giúp các Bên thuộc Phụ lục I đạt được sự tuân thủ các chỉ tiêu giảm phát thải KNK của nước mình.

CDM là gì?

Từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, những bằng chứng khoa học liên tiếp được đưa ra về sự biến đổi khí hậu toàn cầu thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của công chúng. Một loạt các hội nghị quốc tế đã được tổ chức để đưa ra những lời kêu gọi khẩn cấp cho một bản hiệp ước chung về vấn đề này. Do đó, công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã được 155 nước thông qua vào tháng 06/1992.

Mục tiêu của công ước là nhằm ổn định nồng độ khí nhà kính (GHG) trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được trước những tác động của con người. Công ước đã được cụ thể hoá bằng nghị định thư Kyoto (ra đời tháng 12/1997 và có hiệu lực từ 16/02/2005) với những quy định về tỉ lệ giảm phát thải đối với các quốc gia phát triển và các hình thức xử phạt nếu không tuân thủ..Nghị định thư bắt buộc những quốc gia thành viên bằng mọi giá cần phải cắt giảm phát thải khí nhà kính của họ xuống 5% so với mức phát thải tại thời điểm năm 1990. Đây thực sự là trách nhiệm nặng nề đối với những quốc gia công nghiệp hóa. Vì vậy, 3 cơ chế mềm dẻo đã được đưa ra nhằm giúp những nước này có thể đạt được mục tiêu, đồng thời mang lại sự phát triển bền vững cho những quốc gia đang phát triển. Đó là cơ chế đồng thực hiện (Joint Implementation viết tắt là JI), cơ chế buôn bán quyền phát thải quốc tế (International Emission Trade viết tắt là IET) và cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism viết tắt là CDM). Trong đó cơ chế JI và IET chỉ là sự giao dịch giữa các quốc gia công nghiệp hóa với nhau, còn cơ chế CDM thực sự là một cơ hội cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.

Những lợi ích từ CDM

Có thể hiểu nôm na CDM là một cơ chế hợp tác quốc tế mới trong lĩnh vực môi trường giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia công nghiệp hóa nhằm làm giảm phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu.

Với cam kết phải cắt giảm GHG, các quốc gia công nghiệp hóa phải đầu tư, đổi mới, cải tiến công nghệ với chi phí rất tốn kém mà hiệu quả mang lại không cao thì có một cách làm tốt hơn là tiến hành đầu tư những dự án CDM ở những nước đang phát triển, nơi trình độ công nghệ chưa cao, môi trường chưa bị ô nhiễm nặng, với chi phí đầu tư thấp hơn nhiều. Đổi lại, các doanh nghiệp đầu tư nhận được chứng chỉ giảm phát thải đã được công nhận (CERs) để áp dụng vào chỉ tiêu cắt giảm phát thải ở quốc gia mình.

Những quốc gia đang phát triển không bị ràng buộc bởi cam kết phải cắt giảm khí nhà kính của nghị định thư Kyoto có thể cải thiện tình hình kinh tế, xã hội và môi trường từ nguồn tài chính và công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ những dự án CDM. Ở mức độ toàn cầu, thông qua các dự án giảm phát thải, CDM có thể khuyến khích đầu tư quốc tế, cung cấp các nguồn lực cần thiết cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới. Bởi vậy ngay từ đầu CDM đã giành được sự quan tâm đặc biệt của cả những nước đang phát triển và những nước công nghiệp hóa.

Điều kiện để tham gia vào những dự án CDM

Để có thể hưởng lợi từ những dự án CDM, các nước phát triển và đang phát triển phải thỏa mãn 3 điều kiện: Tự nguyện tham gia, thành lập cơ quan quốc gia về CDM (Ở Việt Nam, cơ quan này là Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài nguyên môi trường.) và phê chuẩn nghị định thư Kyoto. Ngoài ra, các nước phát triển còn phải đặt ra chỉ tiêu giảm phát thải, có hệ thống tính toán GHG, tiến hành kiểm kê hàng năm…Đối tượng tham gia có thể là chính phủ, cơ quan trực thuộc chính phủ, chính quyền địa phương, tổ chức tư nhân, tổ chức phi chính phủ nếu thỏa mãn các điều kiện nêu trên.

Vốn đóng góp từ quốc gia đầu tư (quốc gia phát triển) cho một dự án CDM có thể là một phần, toàn phần, cho vay hoặc cho thuê tài chính hoặc hợp đồng mua CERs.

Các dự án CDM thành công được cấp CERs phải nộp mức phí là 2% tổng vốn đầu tư của dự án cho một quỹ riêng, gọi là quỹ thích ứng. Quỹ này giúp những nước đang phát triển thích nghi với những tác động môi trường tiêu cực do biến đổi khí hậu. Ngoài ra những khoản chi phí khác sẽ góp phần thanh toán những chi phí quản lý CDM. Tuy nhiên, những nước kém phát triển có thể sẽ không phải chịu các khoản phí này.

Một phần của tài liệu Giáo trình ngăn ngừa ô nhiễm và công nghệ sạch potx (Trang 59 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(65 trang)
w