Phong cách sáng tạo của nhà thơ

Một phần của tài liệu đặc sắc thơ nguyễn khoa điềm (Trang 83 - 86)

Trong các cấp độ phong cách, phong cách tác giả là phạm trù được thừa nhận phổ biến và cũng được áp dụng rộng rãi nhất. Các quan điểm văn học xưa nay (Văn là người, phong cách là con người...) đều lấy phong cách tác giả làm yếu tố trung tâm để xem xét.

Theo Khrápchencô, cá tính sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phong cách cá nhân. Trong những năm đầu thế kỷ XX, một số nhà lý luận văn học còn đồng nhất hai khái niệm phong cách cá nhân và cá tính sáng tạo, do đó phủ nhận sự tồn tại của phong cách tác giả. Vonflin, Handenstein, ngay cả A.N.Xôcôlôp và G.N. Pôxpêlôp cũng cho rằng phong cách cá nhân chỉ là nững yếu tố cá biệt, ít có ý nghĩa xã hội. Nếu một tác giả có thể có nhiều phong cách thì không thể coi phong cách cá nhân là một cấp độ quan trọng của phong cách văn học. Tuy nhiên, đó chỉ là một vài ý kiến cá biệt. Nếu như không thể không tính đến phong cách tác phẩm với ý nghĩa là yếu tố trung tâm của phong cách học thì cũng không thể bỏ qua phong cách cá nhân với ý nghĩa là biểu hiện cụ thể của phong cách trào lưu, phong cách thời đại... Thật khó có thể nói đến một thời đại văn chương nếu như thời đại đó không sản sinh ra những cá nhân xuất sắc.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Không nên đồng nhất hai khái niệm phong cách và cá tính sáng tạo. Mỗi nhà văn khi sáng tác ít nhiều đều có cá tính sáng tạo, tức có đặc điểm riêng về sáng tác nhưng không phải cá tính nào cũng trở thành phong cách. Người ta chỉ đề cập đến phong cách sáng tác của những nhà văn ưu tú, trong tác phẩm có những điểm độc đáo, riêng biệt, có giá trị thẩm mĩ cao và nhất quán trong cả quá trình sáng tạo của nhà văn.

Phong cách nhà thơ là một quá trình vận động, phát triển không ngừng qua mỗi giai đoạn sáng tác. Mặc dù vậy, cái riêng cái độc đáo có giá trị mang tính thẩm mĩ - cốt lõi của phong cách, dù ở điều kiện hoàn cảnh nào cũng ổn định, thống nhất. Nó phải được “ lặp đi lặp lại” một cách có hệ thống và luôn bị chi phối bởi cái nhìn độc đáo của nhà văn. Chúng thường xuyên ở thế vận động, phát triển và chịu ảnh hưởng của thế giới quan, môi trường xã hội và xu thế chung của thời đại. Nhưng dù ở môi trường nào, xu thế xã hội nào thì yếu tố thường xuyên được “ lặp đi lặp lại” ấy vẫn xuất hiện cho dù chúng ở thế lộ thiên hay dưới mạch ngầm.

Từ những nhận thức lí luận chung về phong cách tác giả, chúng tôi muốn liên hệ đến những nét cơ bản trong phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm:

Sự thống nhất độc đáo của phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm nằm ở cảm hứng hiện thực thời đại, ở những chủ đề quen thuộc, ở phương diện thể hiện cái tôi trữ tình phong phú đa dạng, với lớp ngôn từ, hình ảnh cảm xúc ẩn sau bề mặt câu chữ một cảm quan lịch sử văn hoá sâu sắc độc đáo.

Nghiên cứu phong cách nhà thơ và phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm nói riêng, luận văn chú ý đến cảm hứng thời đại, thời kì chống Mỹ cứu nước. Đó là cảm hứng lớn về đất nước và nhân dân anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đồng thời, như một nhiệm vụ trọng tâm, người nghiên cứu cần tập trung khảo sát những dấu hiệu phong cách cá nhân đó là những chủ đề quen thuộc, cách cảm nhận riêng đối với hiện thực, đặc trưng của cách diễn đạt thông qua thế giới hình tượng.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Thơ ca cách mạng bao giờ cũng thống nhất về tư tưởng xã hội. Dù viết về bất cứ chủ đề nào, riêng hay chung đều thể hiện một lí tưởng duy nhất: yêu nước và căm thù giặc. Nằm trong dòng cảm hứng chủ đạo này, tiếng nói nội tâm trong thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn bộc lộ những nét mới mẻ. Trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, yêu nước không đơn giản chỉ là nhiệt tình hăng hái chiến đấu và căm thù giặc sâu sắc. Với Nguyễn Khoa Điềm, tình yêu đất nước làm sống dậy trong trang thơ lịch sử bốn ngàn năm hào hùng của dân tộc với những chiến công dựng nước và giữ nước của cha ông. Đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là sự đồng hiện của những gì gần gũi nhất, thân thương nhất của mỗi con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai, trong thời gian và không gian, trong lịch sử và truyền thống văn hoá... Ở Nguyễn Khoa Điềm, lòng yêu nước là hồn Việt thấm đượm trong tâm hồn để từ đó đúc kết một chân lý vững vàng: Đất Nước của nhân dân. Tư tưởng Đất Nước của nhân dân đã chi phối hầu hết các sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm. Vì vậy, tiếng thơ nguyễn Khoa Điềm không chỉ nói lên những suy nghĩ cảm nhận của tuổi trẻ trong chiến tranh, về sự lạc quan hay cái nhìn nghiêm túc thành thật, thậm chí trần trụi về những gì mất mát... mà còn bộc lộ những suy nghĩ hiện thực sâu sắc hơn rất nhiều. Thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện lòng yêu nước qua việc tranh luận về tuổi trẻ, về nhân sinh quan để dựng lại cả quá trình “ tìm đường ” và “ nhận đường” của tuổi trẻ đô thị miền Nam về với con đường cách mạng của dân tộc, nhân dân.

Tài năng và cá tính sáng tạo của Nguyễn Khoa Điềm còn bộc lộ trong những phương diện nghệ thuật: đó là thi pháp biểu hiện mang phong cách riêng, từ giọng điệu trữ tình giàu chất chính luận, đến việc xây dựng chất liệu thơ giàu hiện thực, chất liệu văn hoá và giàu tính liên tưởng..., từ việc sử dụng những tín hiệu thẩm mĩ vừa truyền thống vừa hiện đại đến việc sử dụng linh hoạt thể thơ tự do với những cung bậc khác nhau của cảm xúc với vốn từ ngữ giàu có vừa dân dã vừa mang tính văn hoá thời đại.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Một phần của tài liệu đặc sắc thơ nguyễn khoa điềm (Trang 83 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)