Nguyễn Đình Chiểu (chữ Hán: 阮廷沼; 1822-1888), tục gọi là Đồ Chiểu (khi dạy học), tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai (sau khi bị mù). Ông sinh ra tại quê mẹ là làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định . Nguyễn Đình Chiểu xuất thân trong gia đình nhà nho. Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ nuôi dạy. Năm lên 6, 7 tuổi, ông theo học với một ông thầy đồ ở làng. Năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt mất. Năm sau (1833), con nuôi Tả quân là Lê Văn Khôi, vì bất mãn đã làm cuộc nổi dậy chiếm thành Phiên An ở Gia Định, rồi chiếm cả Nam Kỳ. Trong cơn binh biến, cha của Nguyễn Đình Chiểu bỏ trốn ra Huế, nên bị cách hết chức tước. Song vì thương con, cha ông lén trở vào Nam, đem ông ra gửi cho một người bạn đang làm Thái phó ở Huế để tiếp tục việc học. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 11 tuổi (1833) đến 18 tuổi (1840), thì trở về Gia Định. Năm Quý Mão (1843), ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định lúc 21 tuổi. Khi ấy, có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông. Năm 1847, ông ra Huế học để chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849). Ngày rằm tháng 11 năm Mậu Thân (10 tháng
12 năm 1848), mẹ Nguyễn Đình Chiểu mất ở Gia Định. Được tin, ông bỏ thi, dẫn em theo đường bộ trở về Nam chịu tang mẹ. Trên đường trở về, vì quá thương khóc mẹ, vì vất vả và thời tiết thất thường, nên đến Quảng Nam thì Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng. Trong thời gian nghỉ chữa bệnh ở nhà một thầy thuốc vốn dòng dõi Ngự y, tuy bệnh không hết, nhưng ông cũng đã học được nghề thuốc. Lâm cảnh đui mù, hôn thê bội ước, cửa nhà sa sút... Nguyễn Đình Chiểu đóng cửa chịu tang mẹ cho đến năm 1851, thì mở trường dạy học và làm thuốc ở Bình Vi (Gia Định).
Nguyễn Đình Chiểu sinh ra và trưởng thành ở thế kỷ XIX. Đây là thời kì có nhiều biến động về chính trị, về văn hoá xã hội. Đầu thời Nguyễn, Nho giáo được đề cao hơn trước. Các vua đầu triều Nguyễn nhận thức được vai trò quan trong của Nho giáo trong việc củng cố chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế nên đã lấy Nho giáo làm quốc giáo. Sau 1832, những nỗ lực về chính trị của Minh Mạng đã ít nhiều đưa Nho giáo quan phương ở Việt Nam trở vào khuôn khổ Nho giáo chính thống, nhưng lúc bấy giờ thì hệ thống học thuật - lý luận Nho giáo đã không còn khả năng phản ảnh chính xác và toàn diện các quá trình xã hội trong đất nước nữa. Hệ thống Nho giáo quan phương vừa lạc hậu về học thuật - lý luận vừa cực đoan về chuẩn mực xã hội của triều Nguyễn đã dẫn tới sự bế tắc của ý thức hệ chính thống. Trong khi đó, mặc dù không thể vươn tới chỗ trở thành một học phái thống nhất trên toàn quốc, hệ thống Nho giáo nhân dân hóa vẫn tiếp tục phát triển một cách tự phát với nhiều biến thái địa phương. Cục diện Nho giáo ở Đàng Trong và Đàng Ngoài đã có sự thay đổi. Mô hình “quân bất quân thần bất thần” của Nho giáo ở Đàng Ngoài luôn tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ cung đình. Phương thức phát triển hội tụ của văn hóa Việt Nam ở Đàng Trong đã đưa tới cho Nho giáo ở vùng này một nguồn sinh lực mới, mà biểu hiện tập trung là quá trình nhân dân hóa qua thực tiễn xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tổ chức xã hội và bảo vệ biên cương. Chính yếu tố “vô thần” trong thiết chế Nho Thích hỗn dung của
Nho giáo ở Đàng Trong đã giúp chính quyền và nhân dân Việt Nam ở vùng này nhất hóa chứ không đồng hóa nhiều nhóm cư dân có nguồn gốc văn hóa và lịch sử, phong tục và tín ngưỡng khác nhau thành một cộng đồng. "Sống giữa tình thương yêu và niềm kính trọng của nhân dân thái ấp, Nguyễn Đình Chiểu đã làm được việc là dung hoà hệ tư tưởng Nho giáo với đời sống tinh thần của nhân dân lao động, đặc biệt là nhân dân lao động miền Nam"[45.273]. Tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu về cơ bản là tư tưởng của một nhà Nho chính thống. Tư tưởng này đã để lại dấu ấn trong Lục Vân Tiên và thể hiện khá rõ nét qua các nhân vật chính diện của tác phẩm này.
Một đặc điểm đáng lưu ý có ảnh hưởng không nhỏ đến sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu mà theo tác giả Nguyễn Thế đó là nghệ thuật tuồng, phương tiện truyền bá tư tưởng Nho giáo thời phong kiến. Thời vua Tự Đức, nhiều chính sách để phát triển đất nước được đưa vào, trong đó có cả việc phát triển văn hóa. Bộ môn nghệ thuật tuồng được đặc biệt quan tâm. Kịch bản tuồng, dù được sáng tác trong cung đình hay ở ngoài dân gian; tất cả đều lấy chủ đề "quân, quốc" làm tư tưởng chủ đạo. Trung quân, ái quốc là hai yếu tố luân lý được Nho giáo đề cao. Bởi vào cái buổi xế chiều của chế độ phong kiến, khi mà các ngai vàng, có nguy cơ lung lay, nguy cơ bị thoán đoạt thì chữ trung càng phải được chú trọng hơn. Vì vậy, những nhân vật chính trong tuồng thường là những anh hùng có tư tưởng trung quân phò vua giúp nước. Tuồng đề cao đạo đức luân lý của con người thông qua mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn... nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục mọi tầng lớp trong xã hội luôn tuân thủ luật pháp, hết lòng thực hiện chức phận ái quốc trung quân của kẻ bề tôi và dân chúng. Việc sử dụng nghệ thuật tuồng làm phương tiện chuyển tải tư tưởng Nho giáo đến tận dân chúng là một việc làm có ý nghĩa. Bởi vì tuồng là bộ môn nghệ thuật được quần chúng bấy giờ yêu thích. Khi xem tuồng, dù sân khấu chỉ là một góc sân đình hay bãi chợ, nhưng với mặt nạ, phục trang cùng nghệ thuật diễn xuất ước lệ, khán giả cho
dù là người dân bình thường cũng có thể phân biệt được nhân vật nào là chính, tà; trung, nịnh; vị vua nào là đấng minh quân, ai là kẻ gian thần bán nước, hãm hại bậc trung lương, soán đoạt ngôi vua... Kết thúc của các vở tuồng bao giờ cũng nêu cao chính nghĩa ái quốc trung quân, trừ gian diệt nịnh... mang lại cho đất nước yên vui, muôn dân được hưởng phúc thái bình thịnh trị. Cho dù đó chỉ là ước mơ, song cũng làm thỏa lòng khán giả xem tuồng. Sống trong một không gian văn hoá như vậy, tác phẩm thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu ít nhiều đã ảnh hưởng bởi bộ môn nghệ thuật này .
3.2 Nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu3.2.1 Lí tưởng nhân nghĩa của người anh hùng Lục Vân Tiên