Thiết kế thí nghiệm:

Một phần của tài liệu nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn bổ sung fructo – oligosaccharide (fos) lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và sức khỏe của tôm sú (penaeus monodon fabricius, 1798) (Trang 31 - 33)

Ảnh hưởng của FOS bổ sung vào thức ăn lên sức khỏe của tôm sú được đánh giá trên cơ sở phân tích các sai khác về tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng, một số thông số sinh lý như chỉ số gan tụy (HSI), chỉ số cơ thịt (TMI), độ ẩm cơ thịt (TM), độ ẩm gan tụy (HM) và một số thông số miễn dịch như tế bào máu tổng số (THC), tỉ lệ phần trăm các loại tế bào máu (DHC) và khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường (cảm nhiễm vi khuẩn gây bệnh và sốc NH3) của tôm khi được cho ăn các thức ăn có bổ sung hàm lượng FOS khác nhau.

Thí nghiệm 1: Ảnh hưởng của FOS trên tôm sú

Mục tiêu của thí nghiệm này là xác định hàm lượng FOS thích hợp để bổ sung vào thức ăn cho tôm sú.

Tôm thí nghiệm được phân bố ngẫu nhiên vào 5 nghiệm thức (ĐC, FOS1, FOS2, FOS4 và FOS8), mật độ tôm sú nuôi ban đầu là 30 con/bể. Từng nhóm 3 bể được chọn ngẫu nhiên và cho ăn 1 trong 5 công thức thức ăn có các hàm lượng bổ sung FOS khác nhau và được nuôi trong 90 ngày. Tôm thí nghiệm được cho ăn 2 lần/ngày vào lúc 8 giờ và 17 giờ. Tiến hành vệ sinh bể nuôi 2 lần/ngày trước khi cho tôm ăn. Một số thông số môi trường nước (nhiệt độ, pH, độ mặn) được kiểm tra định kỳ và duy trì trong ngưỡng thích nghi của tôm.

Sau 30, 60 và 90 ngày nuôi, tiến hành thu mẫu tôm để đánh giá tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng về khối lượng của tôm đối chứng và tôm ở các nghiệm thức được ăn bổ sung các hàm lượng FOS khác nhau.

Sau 90 ngày nuôi, 1 tôm/bể (3con/nghiệm thức) được thu mẫu để xác định và so sánh các chỉ tiêu sinh lý.

Thí nghiệm 2: Ảnh hưởng của thức ăn bổ sung FOS lên khả năng kháng lại vi khuẩn cảm nhiễm

Mục tiêu của thí nghiệm này nhằm đánh giá hiệu quả của việc bổ sung FOS vào thức ăn lên khả năng kháng lại vi khuẩn Vibrio alginolyticus cảm nhiễm trên tôm sú.

Vi khuẩn V. alginolyticus được phân lập, nuôi cấy và lưu giữ ở phòng Sinh thái- Môi trường (Viện Hải dương học).

Tôm sú được chia ngẫu nhiên thành 2 nghiệm thức và cho ăn 2 công thức thức ăn khác nhau là đối chứng (0% FOS) và nghiệm thức có bổ sung FOS đến khi tôm đạt kích thước 5-6 cm thì tiến hành cảm nhiễm vi khuẩn V. alginolyticus trên 2 nghiệm thức bằng cách tiêm trực tiếp vào xoang bụng của phần đầu ngực của tôm với nồng độ 0,02 x104 tế bào/ml. Nồng độ này được quyết định dựa vào các liều lượng thăm dò được tiến hành độc lập trước đó. Tôm ở cả hai nghiệm thức đều được tiêm nước muối sinh lý thử nghiệm để đảm bảo thao tác tiến hành không ảnh hưởng tới kết quả thí nghiệm, mỗi nghiệm thức có 4 bể lặp. Sau khi cảm nhiễm vẫn cho tôm ăn như bình thường. Xác định số lượng vi khuẩn trong mẫu tôm trước khi cảm nhiễm vi khuẩn V. aginolyticus (lúc 0 giờ) và sau khi cảm nhiễm (lúc 24 và 96 giờ) theo phương pháp đếm khuẩn lạc (được thực hiện bởi Phòng Sinh thái – Môi trường, Viện Hải dương học). Theo dõi dấu hiệu nhiễm bệnh của tôm và xác định tỷ lệ sống, một số thông số miễn dịch của tôm sau 6 giờ, 12 giờ, 48 giờ và 96 giờ cảm nhiễm.

Thí nghiệm 3: Ảnh hưởng của thức ăn bổ sung FOS lên tôm sú khi bị sốc NH3

Mục tiêu của thí nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả của việc bổ sung FOS vào thức ăn của tôm sú lên khả năng kháng lại sự phơi nhiễm độc tố NH3.

Phương pháp bố trí thí nghiệm: Tôm được cho ăn thức ăn như thí nghiệm 2 đến khi đạt kích thước 5-6 cm thì tiến hành phân bố vào các bể kính có thể tích 10 lít (mỗi bể 10 con). Sau đó thực hiện sốc tôm với NH3 bằng cách bổ sung NH4Cl [18, 20] vào nước mỗi bể nuôi, mỗi nghiệm thức có 4 bể lặp. Xác định tỷ lệ sống, các chỉ tiêu sinh lý và các thông số miễn dịch của tôm thí nghiệm sau 12 giờ, 24 giờ, 48 giờ, 72 giờ, 96 giờ và 120 giờ để đánh giá hiệu quả của FOS khi bổ sung vào thức ăn nuôi tôm.

Một phần của tài liệu nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn bổ sung fructo – oligosaccharide (fos) lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và sức khỏe của tôm sú (penaeus monodon fabricius, 1798) (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(52 trang)