Theo Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì có 4 hành vi xâm phạm quyền tác giả bị xử phạt hành chính, đó là:
- Thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
- Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó;
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
Nếu tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung hay quyền tác giả nói riêng, thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính thì bị buộc
phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây, theo Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005:
- Cảnh cáo; - Phạt tiền.
Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
- Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ;
- Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài những biện pháp trên thì tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo Điều 215 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
Trên thực tế, việc tiến hành xử phạt hành chính thường do Thanh tra văn hoá thuộc Sở Văn hoá thông tin hoặc Phòng Văn hoá thông tin cấp quận huyện thị xã tiến hành.
Ngày 26/6/2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin. Cùng với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh thanh tra, Nghị định 31/2001/NĐ-CP đã tạo khung pháp lý và mức chế tài hành chính rõ ràng cho việc xử lý các vi phạm có tính chất hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả.
Điều 1 Nghị định này quy định: "Vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin là hành vi cố ý hoặc vô ý của cá nhân, tổ chức vi phạm các quy tắc quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hoá thông tin mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này thì phải bị xử phạt hành chính".
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin bao gồm: Hành vi vi phạm quy tắc quản lý nhà nước trong các hoạt động báo chí, xuất bản, điện ảnh, các loại hình biểu diễn mỹ thuật, triển lãm, nhiếp ảnh, quyền tác giả, xuất nhập khẩu sản phẩm văn hoá, công bố và phổ biến tác phẩm ra nước ngoài…
Thời hiệu xử phạt tuỳ theo các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa thông tin của hành vi vi phạm mà qui định khác nhau: 3 tháng, 1 năm hoặc 2 năm kể từ khi vi phạm hành chính được thực hiện.
Mức xử phạt vi phạm hành chính tuỳ thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm mà được qui định khác nhau từ 200.000 đồng đến 70 triệu đồng. Ngoài ra người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp chế tài bổ sung khác là tịch thu tang vật hoặc tiêu huỷ tang vật hoặc cả hai.