Phƣơng pháp nghiên cứu

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ định hướng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở việt nam (Trang 70 - 77)

- Phân tích nhân tố khám phá EFA Kiểm định hệ số Cronbach Alpha

3.3.Phƣơng pháp nghiên cứu

Viết báo cáo

3.3.Phƣơng pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu là cách thức cần thiết để thực hiện nghiên cứu nhằm đạt được các mục tiêu luận án đề ra. Việc xác định đúng phương pháp là điều hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện luận án. Trong nội dung phần này, tác giả giới thiệu những phương pháp chủ yếu để tiếp cận giải quyết vấn đề nghiên cứu. Luận án đã sử dụng phối hợp giữa hai phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, cụ thể như sau:

3.3.1. Nghiên cứu định tính

Với việc tóm lược các nghiên cứu trước đây về những nội dung có liên quan đến vấn đề nghiên cứu của luận án đã trình bày ở chương tổng quan, thông qua việc nhận diện những phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng cũng như những nhân tố có ảnh hưởng đến việc vận dụng khung pháp lý về kế toán (xem phụ lục 6), luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính với kỹ thuật phỏng vấn ý kiến chuyên gia để tìm ra định hướng xác lập khung pháp lý về kế toán cho DNNVV Việt Nam và khám phá các yếu tố có ảnh hưởng đến việc vận dụng khung pháp lý này vào thực tiễn. Để có thể tổng quát hóa được nhiều nhân tố thuộc những phạm trù khác nhau tác giả đã tiến hành lấy ý kiến của nhiều chuyên gia đại diện cho các nhóm đối tượng khác nhau: nhóm đối tượng trực tiếp vận dụng các văn bản pháp lý kế toán, nhóm đối tượng có kiến thức chuyên sâu am hiểu về vấn đề này, nhóm đối tượng sử dụng thông tin kế toán DNNVV cung cấp, cụ thể là một số người đang trực tiếp làm công tác kế toán hoặc quản lý tại DNNVV, các nhà nghiên cứu và giảng dạy về kế toán, cán bộ phòng thanh tra doanh nghiệp của các chi cục thuế, nhân viên phòng tín dụng doanh nghiệp của ngân hàng. Kết quả của nghiên cứu này giúp phát hiện, bổ sung và điều chỉnh các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng vận dụng các quy định vào thực tiễn công tác kế toán tại DNNVV Việt Nam. Đồng thời qua đó xác định một số định hướng trong việc xác lập khung pháp lý về kế toán cho DNNVV. Đây là cơ sở để tác giả phát triển bản nháp của bảng câu hỏi khảo sát. Từ bước này, với bản câu hỏi được xây dựng, tác giả tiến hành khảo sát thử một số đối tượng là học viên hệ văn bằng 2 ngành tài chính và ngân hàng có kiến thức cơ bản

về kinh tế, kế toán nhằm phát hiện những câu từ khó hiểu hoặc dễ gây hiểu lầm, xác định tính phù hợp của nội dung các câu hỏi, phát hiện những sai sót của bản nháp và bước đầu kiểm tra thang đo, từ đó cho ra sản phẩm là bảng khảo sát hoàn chỉnh.

3.3.2. Nghiên cứu định lượng

Nghiên cứu định lượng được thực hiện qua các giai đoạn: thiết kế mẫu nghiên cứu, thu thập thông tin từ mẫu khảo sát, phân tích dữ liệu bằng phần mềm xử lý SPSS 20 thông qua các bước thống kê mô tả, phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy.

Trong đề tài này, mẫu nghiên cứu được chọn chủ yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung số lượng lớn DNNVV với hoạt động kinh doanh hết sức đa dạng, có thể đại diện cho phạm vi cả nước. Các bảng câu hỏi khảo sát có thể được hoàn tất bằng những cách thức khác nhau. Tuy nhiên, do đặc thù văn hóa của người Việt Nam, tác giả chủ yếu sử dụng con đường phỏng vấn trực tiếp đối tượng khảo sát để tăng cường độ tin cậy cho thông tin thu thập. Bên cạnh đó, để khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý, bảng câu hỏi có thể được gởi qua email cho một số đối tượng ở xa hoặc không có điều kiện gặp gỡ. Cuộc khảo sát được tiến hành vào quý 3 năm 2013.

Kích thước mẫu là vấn đề cần được quan tâm vì nó liên quan trực tiếp đến độ tin cậy của các tham số thống kê. Kích thước mẫu cần cho nghiên cứu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp xử lý, độ tin cậy cần thiết. Trong luận án này, tác giả sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá cùng với phân tích hồi quy bội trong đó phân tích nhân tố khám phá luôn đòi hỏi kích thước mẫu lớn hơn nhiều so với phân tích hồi quy (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Do vậy, khi xác định kích thước mẫu, tác giả căn cứ vào yêu cầu của phương pháp phân tích nhân tố khám phá. Hair và cộng sự (2006) cho rằng để sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá thì kích thước mẫu tối thiểu phải là 50 và tỉ lệ quan sát (obtivations)/ biến đo lường (items) là 5:1 (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Đối với phần phân tích các nhân tố tác động đến việc vận dụng các văn bản pháp lý về kế toán vào thực tiễn công tác kế toán tại DNNVV Việt Nam, luận án đưa vào 30 biến và theo tỉ lệ 5:1 ở trên,

chúng ta cần kích thước mẫu tối thiểu là 150. Tuy nhiên, với mong muốn tối đa hóa độ tin cậy của kết quả nghiên cứu, tác giả tiến hành thu thập dữ liệu với kích cỡ mẫu khảo sát 500 doanh nghiệp và 300 đối tượng sử dụng thông tin trên địa bàn nghiên cứu. Do hạn chế về thời gian, chi phí và cách thức tiếp cận nên trong luận án này, phương pháp lấy mẫu tác giả lựa chọn là phương pháp thuận tiện. Bảng khảo sát sau khi đã phỏng vấn được tập hợp, kiểm tra sơ bộ thông tin trên phiếu khảo sát để loại bỏ ra những phiếu không hợp lệ. Đây có thể là những phiếu có nhiều thông tin chưa được trả lời hoặc trả lời mâu thuẫn, hoặc đánh dấu hơn 1 lựa chọn đối với những câu hỏi chỉ được trả lời 1 lựa chọn duy nhất, số mẫu trả lời hợp lệ thu về là 391 đối với doanh nghiệp và là 157 đối tượng sử dụng thông tin. Như vậy kích thước mẫu cuối cùng là 548, vượt xa yêu cầu tối thiểu cần đạt được.

Các nhóm đối tượng tham gia trong cuộc khảo sát này được lựa chọn kỹ lưỡng trên cơ sở tham khảo kết quả từ nhiều nghiên cứu trước đó nhằm mang lại góc nhìn đa chiều về vấn đề nghiên cứu. Ngoài việc nhắm vào đối tượng khảo sát là những người làm công tác kế toán tại DNNVV, luận án còn hướng đến đối tượng sử dụng thông tin kế toán của các doanh nghiệp này. Chúng ta đều biết, BCTC cung cấp thông tin cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau, trong đó, mỗi nhóm đối tượng lại có nhu cầu thông tin khác nhau để phục vụ cho những mục đích riêng, trong đó chủ yếu là các đối tượng như chủ doanh nghiệp đồng thời cũng là nhà quản lý (Evans et al, 2005), cơ quan thuế (Sucher & Jindrichovska, 2004; Dang Duc Son et al, 2006; Ha Van Wyk & Rossouw, 2009), ngân hàng (Dang Duc Son et al, 2006),... Tổng hợp kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả đã công bố, đối chiếu với tình hình cụ thể tại Việt Nam hiện nay, luận án nhắm đến khảo sát các đối tượng sử dụng thông tin kế toán DNNVV chủ yếu là nhân viên cơ quan thuế (phòng kiểm tra doanh nghiệp), nhân viên ngân hàng (thuộc phòng tín dụng doanh nghiệp), kiểm toán viên và chủ doanh nghiệp – nhà quản lý, đây chính là những đối tượng sử dụng thông tin kế toán hoặc có công việc liên quan trực tiếp đến BCTC.

Để đánh giá nội dung và chất lượng thông tin kế toán do DNNVV cung cấp cũng như đánh giá thành quả, những điểm còn hạn chế của các văn bản pháp lý về kế toán hiện hành quy định cho DNNVV và tìm hiểu quan điểm của các bên về vấn

đề xác lập khung pháp lý về kế toán cho các doanh nghiệp này, tác giả thiết kế các câu hỏi trên nội dung bảng khảo sát bao gồm 8 câu về thông tin kế toán DNNVV cung cấp, 9 câu đánh giá về hệ thống văn bản pháp lý hiện tại áp dụng cho DNNVV và 8 câu liên quan đến định hướng hoàn thiện khung pháp lý về kế toán cho các doanh nghiệp này [phụ lục 10]. Thang đo Likert 5 điểm được sử dụng để đánh giá mức độ đồng ý của các đối tượng khảo sát với những phát biểu đưa ra.

Sau bước kiểm tra sơ bộ các phiếu khảo sát thu về, tác giả nhập liệu thông tin thu thập từ các phiếu khảo sát hợp lệ. Trước khi tiến hành xử lý và phân tích, dữ liệu cần được mã hóa và làm sạch, bước này giúp phát hiện các sai sót có thể xảy ra trong quá trình thu thập dữ liệu hoặc trong quá trình nhập liệu hay loại ra các phiếu trả lời không hợp lý. Từ dữ liệu hoàn chỉnh có được, tác giả tiến hành xử lý thống kê mô tả với giá trị trung bình, mode, phương sai, độ lệch chuẩn,…để phân tích nhận định của các đối tượng khảo sát về nội dung và chất lượng thông tin kế toán DNNVV cung cấp cũng như đánh giá về hệ thống văn bản pháp lý hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp này. Công cụ này cũng được sử dụng khi xem xét ý kiến của các đối tượng khảo sát về định hướng xác lập khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở Việt Nam. Bên cạnh đó, luận án còn dùng Independent Sample T-test - phép kiểm định sự bằng nhau về giá trị trung bình của 2 tổng thể từ thông tin của 2 mẫu độc lập để kiểm định sự khác biệt trong nhận định về chất lượng thông tin kế toán DNNVV cung cấp giữa nhóm đối tượng đóng vai trò tạo lập thông tin (kế toán viên) và nhóm đối tượng sử dụng thông tin kế toán (nhân viên tín dụng ngân hàng, nhân viên phòng kiểm tra doanh nghiệp của thuế…).

Trong quá trình phân tích mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng các văn bản pháp lý kế toán tại các DNNVV Việt Nam, luận án đã thực hiện kiểm định thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach Alpha, loại bỏ các biến có hệ số tương quan biến tổng nhỏ; sử dụng công cụ phân tích nhân tố khám phá (EFA - Exploratory factor analysis) trên SPSS 20 và loại bỏ các biến có thông số nhỏ bằng cách kiểm tra các hệ số tải nhân tố (Factor loading) và các phương sai trích được; đánh giá sự phù hợp của mô hình nghiên cứu qua hệ số KMO (Kaiser-Meyer- Olkin). Trong nghiên cứu này, phân tích nhân tố được ứng dụng để tóm tắt tập các

biến quan sát vào một số nhân tố nhất định đo lường các khía cạnh khác nhau của khái niệm nghiên cứu. Tiêu chuẩn áp dụng và chọn biến đối với phân tích EFA bao gồm: Tiêu chuẩn Bartlett và hệ số KMO dùng để đánh giá sự thích hợp của EFA, EFA được gọi là thích hợp khi 0.5 ≤ KMO ≤ 1 và sig <0.05 (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Tiêu chuẩn rút trích nhân tố gồm chỉ số Eigenvalue (đại diện cho lượng biến thiên được giải thích bởi các nhân tố) và chỉ số Cumulative (tổng phương sai trích cho biết phân tích nhân tố giải thích được bao nhiêu % và bao nhiêu % bị thất thoát). Theo Gerbing & Anderson (1988), các nhân tố có Eigenvalue < 1 sẽ không có tác dụng tóm tắt thông tin tốt hơn biến gốc (biến tiềm ẩn trong các thang đo trước khi thực hiện EFA). Vì thế các nhân tố chỉ được rút trích tại Eigenvalue > 1 và được chấp nhận khi tổng phương sai trích ≥ 50% (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Tiêu chuẩn hệ số tải nhân tố (factor loadings) biểu thị tương quan đơn giữa các biến với các nhân tố, dùng để đánh giá mức ý nghĩa của EFA. Theo Hair và cộng sự (2006), Factor loadings > 0.3 được xem là đạt mức tối thiểu, Factor loadings > 0.4 được xem là quan trọng, Factor loadings > 0.5 được xem là có ý nghĩa thực tiễn. Ngoài ra, khác biệt hệ số tải nhân tố của một biến quan sát giữa các nhân tố phải lớn hơn hoặc bằng 0.3 để đảm bảo giá trị phân biệt giữa các nhân tố (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Kết quả của quá trình này giúp tác giả sắp xếp lại thang đo, rút gọn tập biến quan sát, và xem các nhân tố được lựa chọn có thể giải thích được bao nhiêu % mô hình.

Bước tiếp theo là kiểm định Cronbach Alpha (CRA) đối với các thang đo. Cronbach Alpha là phép kiểm định thống kê về mức độ chặt chẽ (khả năng giải thích cho một khái niệm nghiên cứu) của tập hợp các biến quan sát (các câu hỏi) thông qua hệ số Cronbach Alpha. Một số nhà nghiên cứu cho rằng hệ số Cronbach Alpha có giá trị từ 0.6 trở lên là thang đo có thể chấp nhận được về mặt độ tin cậy (Nunnally & Bernstein, 1994, theo Nguyễn Đình Thọ, 2011). Tuy nhiên Cronbach Alpha không cho biết biến nào nên loại bỏ và biến nào nên giữ lại. Vì lẽ đó nên bên cạnh hệ số Cronbach Alpha, người ta còn sử dụng hệ số tương quan biên tổng (item – total correlation) và những biến nào có tương quan biến tổng nhỏ hơn 0.3 sẽ bị loại. Như vậy thông qua chạy CRA tác giả có thể xem xét thang đo đo lường các

khái niệm trong mô hình có độ tin cậy chấp nhận được hay không; và với các bước này luận án đã xác định được mô hình các nhân tố tác động đến việc vận dụng các văn bản pháp lý kế toán tại các DNNVV Việt Nam.

Sau khi xác định được mô hình các nhân tố qua các bước vừa mô tả như trên, tác giả tiến hành phân tích hồi quy bội (MLR) để đánh giá độ phù hợp của mô hình với dữ liệu nghiên cứu, đồng thời xem xét mối quan hệ và mức động ảnh hưởng của các nhân tố này đối với việc vận dụng khung pháp lý về kế toán tại các DNNVV.

Như vậy, với sự phối hợp giữa 2 phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng như đã trình bày ở trên đã giúp trả lời 4 câu hỏi ngiên cứu mà luận án đã đặt ra, trong đó 3 câu hỏi đầu được giải quyết thông qua phương pháp định tính và được làm sáng tỏ hơn thông qua nghiên cứu định lượng; riêng câu hỏi 4 được giải quyết chủ yếu bằng phương pháp nghiên cứu định lượng với từng bước cụ thể như đã nêu trên.

TÓM TẮT CHƢƠNG 3

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, luận án xây dựng khung phân tích cùng với việc phối hợp đồng bộ phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng trên cơ sở các lý thuyết nền có liên quan. Các phương pháp này được tiến hành theo nhiều giai đoạn với những mục tiêu khác nhau: phương pháp định tính giúp xác định hướng xác lập khung pháp lý về kế toán cho DNNVV và phát hiện các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng khung pháp lý này vào thực tiễn; phương pháp định lượng dùng để phân tích nhận định, đánh giá của các bên liên quan về hệ thống văn bản pháp lý kế toán hiện hành quy định cho DNNVV cũng như về thông tin kế toán DNNVV cung cấp; đồng thời phương pháp này cũng giúp kiểm định các nhân tố ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến việc áp dụng khung pháp lý về kế toán vào thực tiễn tại DNNVV. Kết quả nghiên cứu được tạo ra từ các phương pháp được sử dụng sẽ là cơ sở để đưa ra những định hướng cho việc xác lập khung pháp lý về kế toán cho DNNVV và nghiên cứu áp dụng khung pháp lý này vào thực tiễn công tác kế toán tại các DNNVV ở Việt Nam

nhằm cải thiện hoạt động kế toán tại các doanh nghiệp này và cung cấp thông tin hữu ích hơn cho các đối tượng sử dụng.

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ định hướng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở việt nam (Trang 70 - 77)