Các văn bản pháp lý chi phối công tác kếtoán DNNVV Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ định hướng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở việt nam (Trang 55 - 58)

Do đặc điểm lịch sử nên hệ thống kế toán Việt Nam chịu ảnh hưởng của trường phái Châu Âu lục địa nói chung và kế toán Pháp nói riêng. Ở Việt Nam, cơ quan Nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính là tổ chức lập quy, chịu trách nhiệm ban hành các văn bản pháp lý về kế toán. Khung pháp lý điều tiết hoạt động kế toán DNNVV hiện nay bao gồm: Luật Kế toán và Nghị định hướng dẫn thi hành luật; Hệ thống chuẩn mực kế toán và các thông tư hướng dẫn chuẩn mực; cùng với Chế độ kế toán hướng dẫn thực hành công tác kế toán.

Luật Kế toán là văn bản về kế toán có giá trị pháp lý cao nhất, được Quốc hội ban hành ngày 17/03/2003 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2004. Nội dung các của luật này quy định những vấn đề chung nhất, làm cơ sở để xây dựng chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Luật Kế toán chi phối đến toàn bộ hoạt động kế toán và nội dung tổ chức, thực hiện công tác kế toán của các đơn vị kế toán trong nền kinh tế. Cùng với các văn bản pháp lý khác, Luật Kế toán đã tạo lập được nền tảng pháp lý cho hoạt động kế toán, giúp các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp tổ chức công tác kế toán, lập BCTC đảm bảo yêu cầu quản lý của nhà nước, của đơn vị và yêu cầu của xã hội trong suốt thời gian qua. Trong nội dung Luật đã chính thức thừa nhận về dịch vụ kế toán - một loại hình dịch vụ có ý nghĩa to lớn hỗ trợ công tác kế toán cho các DNNVV ở nước ta. Sau khi Luật Kế toán ra đời, ngày 31/05/2004 Chính phủ ban hành nghị định số 129/2004/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh. Cũng trong năm này, Nghị định số 185/2004/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 04/11/2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán và sau đó là Nghị định 39/2011/NĐ-CP ngày 26/05/2011. Nhờ đó, nâng cao ý thức của những người làm công tác kế toán trong việc chấp hành các văn bản pháp luật về kế toán. Hiện nay, một số quy định xử phạt trong các Nghị định này đã không còn phù hợp nên ngày 16/09/2013 vừa qua, chính phủ đã thay thế bằng Nghị định 105/2013/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Nghị định này quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc

lập với hình thức xử phạt, mức phạt nghiêm khắc hơn, ngoài ra nghị định còn có các biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt.

Theo sau Luật Kế toán, Chuẩn mực kế toán Việt Nam là những quy định và hướng dẫn các nguyên tắc, nội dung, phương pháp và thủ tục kế toán cơ bản, chung nhất, làm cơ sở ghi chép kế toán và lập BCTC nhằm đạt được sự đánh giá trung thực, hợp lý, khách quan về thực trạng tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đến nay, Bộ Tài chính đã nghiên cứu ban hành được 26 chuẩn mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp cùng với các thông tư hướng dẫn đi kèm để giúp các doanh nghiệp vận dụng các chuẩn mực vào thực tiễn như: Thông tư số 89/2002/TT-BTC ngày 09/10/2002; Thông tư số 105/2003/TT-BTC ngày 04/11/2003; Thông tư số 23/2005/TT-BTC ngày 30/03/2005; Các thông tư này lần lượt hướng dẫn cho các chuẩn mực ban hành ở 3 đợt đầu tiên. Sau đó 3 thông tư này đã được thay thế bởi Thông tư 161/2007/TT-BTC ngày 31/12/2007. Bên cạnh đó còn có Thông tư số 20/2006/TT-BTC và Thông tư số 21/2006/TT-BTC cùng ban hành ngày 20/03/2006 hướng dẫn thực hiện 10 chuẩn mực ban hành đợt 4 và đợt 5. Các thông tư này ra đời giúp nội dung các chuẩn mực nhanh chóng đi vào thực tế công tác kế toán ở các doanh nghiệp. Đối với các DNNVV, Bộ Tài chính đã đưa ra một số giới hạn về việc áp dụng các chuẩn mực kế toán cho các doanh nghiệp này. Theo đó, DNNVV chỉ áp dụng đầy đủ 7 chuẩn mực kế toán thông dụng, áp dụng không đầy đủ 12 chuẩn mực kế toán và không áp dụng 7 chuẩn mực kế toán do không phát sinh ở DNNVV hoặc do quá phức tạp không phù hợp với các doanh nghiệp này [phụ lục 8]. Bên cạnh đó, đối với một số vấn đề thực tiễn phát sinh nhưng chưa kịp ban hành chuẩn mực kế toán phù hợp thì Bộ Tài chính đã linh hoạt hướng dẫn để vận dụng trực tiếp chuẩn mực quốc tế như trường hợp đối với công cụ tài chính. Ngày 06/11/2009 Bộ Tài chính còn ban hành thông tư 210/2009/TT-BTC hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính (IAS 32) và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính tại Việt Nam (IFRS 07). Thông tư này hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày BCTC và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính và được áp dụng cho tất cả các đơn vị thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế tại Việt

Nam có các giao dịch liên quan đến công cụ tài chính. Tuy nhiên việc áp dụng thông tư này trên thực tế còn hạn chế ngay cả với các doanh nghiệp lớn nên hầu như các DNNVV cũng chưa vận dụng thông tư này.

Nhằm cụ thể hóa các hướng dẫn về kế toán cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp, trong đó quy định cụ thể về kết cấu tài khoản, chứng từ, sổ sách, báo cáo và các sơ đồ kế toán chủ yếu. Với các DNNVV, do có những điểm đặc trưng nên Bộ Tài chính ban hành chế độ kếtoán riêng áp dụng cho các doanh nghiệp này và chế độ đó không ngừng được hoàn thiện trong những năm qua. Từ năm 1996, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ ban hành theo quyết định 1177/TC/QĐ/CĐKT ngày 23/12/1996. Sau đó là Quyết định số 144/2001/QĐ- BTC ngày 21/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định sửa đổi bổ sung chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Quyết định 1177/TC/QĐ/CĐKT. Và gần đây là Quyết định 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/09/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành chế độ kế toán cho DNNVV. Ngoài ra, để phù hợp với những thay đổi của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển và hội nhập sâu rộng, khắc phục những điểm bất hợp lý trong quá trình áp dụng chế độ kế toán, ngày 04/10/2011 Bộ Tài chính ban hành thông tư số 138/2011/TT-BTC để sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán cho DNNVV theo quyết định 48/2006/QĐ-BTC. Thực chất, chế độ kế toán cho DNNVV được xây dựng dựa trên chế độ kế toán dành cho các doanh nghiệp nói chung nhưng đã được giảm bớt, rút gọn nội dung đơn giản hơn.

Tóm lại, thực tiễn công tác kế toán tại Việt Nam hiện nay chịu sự chi phối của nhiều cấp văn bản khác nhau, các văn bản này được ban hành bởi cơ quan quản lý Nhà nước. Mô hình này tương tự như các nước thuộc trường phái Châu Âu lục địa, trong đó, các chuẩn mực kế toán được ban hành trên cơ sở chuẩn mực quốc tế (phiên bản từ năm 2003) và có chỉnh sửa nội dung cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Khung pháp lý điều tiết hoạt động kế toán ở DNNVV được thiết kế theo hướng dựa trên khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp nói chung, có giảm bớt các nguyên tắc cần tuân thủ, giảm bớt yêu cầu trình bày thông tin, cắt bỏ những quy định về những vấn đề không liên quan hoặc hiếm khi xảy ra ở

DNNVV, tuy nhiên việc thu hẹp và rút gọn này theo tác giả còn mang nặng yếu tố cảm tính, chưa được nghiên cứu một cách bài bản, khoa học.

2.2.4. Kết luận rút ra từ việc xem xét chuẩn mực kế toán quốc tế cho DNNVV và khung pháp lý chi phối công tác kế toán tại DNNVV ở một số quốc gia.

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ định hướng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở việt nam (Trang 55 - 58)