Vị trí và tầm quan trọng của đa dạng di truyền

Một phần của tài liệu đánh giá đa dạng di truyền tập đoàn lúa có khả năng chịu hạn của việt nam bằng chỉ thị SSR (Trang 25 - 26)

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

1.5.1.Vị trí và tầm quan trọng của đa dạng di truyền

Đa dạng sinh học là sự khác nhau giữa các sinh vật sống ở tất cả mọi nơi, bao gồm các hệ sinh thái trên cạn, trong đại dương và các hệ sinh thái thủy vực khác, cũng như các phức hệ sinh thái mà các sinh vật là một thành phần [63].

Đa dạng loài về số lượng và sự đa dạng của các loài được tìm thấy tại một khu vực nhất định của một vùng nào đó. Đa dạng loài là tất cả sự khác biệt trong một hay nhiều quần thể của một loài cũng như đối với quần thể của các loài khác nhau.

Đa dạng di truyền là biểu hiện sự đa dạng của các biến dị có thể di truyền trong một loài, một quần xã hoặc giữa các loài, các quần xã. Xét cho cùng, đa dạng di truyền chính là sự biến dị của sự tổ hợp trình tự của bốn cặp bazơ cơ bản, thành phần axít nucleic, tạo thành mã di truyền [63].

Đa dạng di truyền là cơ sở cho việc tuyển chọn lai tạo những giống, loài mới; đa dạng về loài thường là đối tượng khai thác phục vụ mục đích kinh tế; đa dạng về hệ sinh thái có chức năng bảo vệ môi trường sống; đồng thời các hệ sinh thái được duy trì và bảo vệ chính là nhờ sự tồn tại của các quần thể loài sống trong đó. Phần đa dạng sinh học do con người khai thác sử dụng gọi là đa dạng sinh học nông nghiệp.

Giá trị của đa dạng di truyền thể hiện ở ba mặt chính [25]:

Giá trị ổn định (Portfolio Value): Đa dạng di truyền tạo ra sự ổn định cho các hệ thống nông nghiệp ở quy mô toàn cầu, quốc gia và địa phương. Sự thiệt hại của một giống cây trồng cụ thể được bù đắp bằng năng suất của các giống hoặc cây trồng khác.

Giá trị lựa chọn (Option Value): Đa dạng di truyền tạo ra bảo hiểm sinh học cần thiết chống lại những thay đổi bất lợi của môi trường do việc tạo ra những tính trạng hữu ích như tính kháng sâu bệnh hay tính thích nghi. Giá trị của đa dạng di truyền được thể hiện thông qua việc sử dụng và khai thác các tính trạng quý, hiếm của tài nguyên di truyền thực vật như tính chống chịu, năng suất, chất lượng và khả năng thích nghi.

Năm 1946, giống lúa mỳ lùn Nhật Bản Norin 10 được nhập vào Mỹ và đã góp phần quan trọng trong cải tạo giống và tăng năng suất lúa mỳ. Các giống lúa trồng có nguồn gốc Đông Bắc Ấn Độ được sử dụng là nguồn kháng sâu, bệnh cho các vùng khác nhau trên thế giới. Những tính trạng này đã góp phần tăng sản lượng lúa bình quân của Châu Á lên 30% giữa những năm 1981 và 1986.

Giá trị khai thác (Exploration Value): Đa dạng di truyền được xem là kho dự trữ tiềm năng các tài nguyên chưa biết đến. Đây cũng là lý do cần phải duy trì cả các hệ sinh thái hoang dã lẫn các hệ thống nông nghiệp truyền thống.

Ngoài ra, đa dạng di truyền còn có giá trị về thẩm mỹ (thưởng thức, giải trí) và giá trị về đạo đức. Có một số loài có cả giá trị sử dụng, thẩm mỹ và đạo đức; song về giá trị cũng không phải đều nhau giữa các mặt giá trị và giữa các loài [11].

Một phần của tài liệu đánh giá đa dạng di truyền tập đoàn lúa có khả năng chịu hạn của việt nam bằng chỉ thị SSR (Trang 25 - 26)