Nguyên nhân thắng lợi.

Một phần của tài liệu Đề tài Ngã ba Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước(thời kì 1965-1968).doc (Trang 61 - 65)

Tại trọng điểm giao thông Ngã ba Đồng Lộc có một câu hỏi lớn đặt ra cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm là làm sao khắc phục được thế độc tuyến? Trong điều kiện địa hình nơi đây là đồi trọc xen lẫn ruộng lầy và hơn thế khi mùa mưa đến, việc khắc phục, bảo đảm giao thông vận tải sẽ gặp vô vàn khó khăn?

Thứ nhất, để giải phóng đường, thông xe và phá thế độc tuyến Tỉnh uỷ, ban bảo đảm giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh và Ban chỉ huy giải toả điểm chốt Đồng Lộc đã tăng cường tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo; một mặt giữ vững mạch máu giao thông qua Đồng Lộc, mặt khác khẩn trương mở các tuyến đường tránh, đường xế.

Thứ hai, cùng với việc mở đường, thông tuyến, bảo đảm tốt nhất cho các lực lượng vận tải chủ lực hoạt động thường xuyên, có một giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo kế hoạch vận tải của Trung ương là phát động và tổ chức phong trào vận tải nhân dân.

Huyện uỷ Can Lộc đã nhanh chóng tổ chức ra quân bằng nhiều biện pháp sáng tạo như: huy động toàn dân ra quân sửa sang, mở rộng các tuyến đường liên hương, liên xã và liên huyện để tổ chức vận chuyển hàng theo từng cung, chặng, đẩy hàng vào tuyến trong. Tất cả các xã trong huyện đều sôi nổi tham gia gánh bộ, gùi thồ. Xã đông dân tổ chức thành 1 tiểu đoàn, xã ít thì 1-2 đại đội. Ngày cao điểm có tới 15.000 người tham gia vận tải bộ. Các đồng chí Chủ tịch, Bí thư xã đều hăng hái đi đầu trực tiếp dùng xe đạp thồ hàng vào Thạch Hà. Huyện Can Lộc tổ chức 1 tiểu đoàn xe đạp thồ gồm 450 xe và huy động 600 tấn phương tiện thuyền của hai hợp tác xã vận tải, đồng thời huy động dân quân đào hàng trăm âu thuyền ven sông Nhe, sông Nghèn để tàu thuyền, ca nô, xà lan vào ẩn nấp. Mỗi xã ven sông là một trạm trung

chuyển hàng hoá. Hàng ngàn nhà dân là những nơi cất giấu, bảo vệ hàng hoá của Nhà nước và quân đội. Các đội cứu thương của dân quân làm nhiệm vụ cứu chữa, cấp cứu cho hàng trăm chiến sĩ vận tải đường sông bị máy bay địch đánh gây thương vong. Nhân dân các xã ven sông còn tổ chức lực lượng vớt được hàng ngàn tấn hàng từ các tàu, xà lan bị địch đánh đắm. Riêng xã Thịnh Lộc, một xã ven biển duy nhất của huyện Can Lộc đã tổ chức vớt hàng ngàn bao hàng viện trợ của tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc) từ đảo Hòn Ngư thả trôi, nhờ sóng biển và gió mùa Đông Bắc đẩy vào bờ…

Phong trào “toàn dân làm giao thông vận tải” được đẩy lên một bước cao mới ở Hà Tĩnh nói chung và Đồng Lộc nói riêng. Ngay trong các hợp tác xã xung quanh khu vực Đồng Lộc, các đội xe đạp thồ, xe ba gác, thuyền lan được thành lập, tranh thủ từng giờ, từng phút vượt trọng điểm. Bà con xã viên còn dùng quang gánh tải bộ vận chuyển hàng theo từng cung trạm ngắn, cơ động hơn. Với phương thức vận tải thô sơ thì dường như không bị phụ thuộc bởi tình trạng đường xá, không có sự đe doạ nào về trục trặc kỹ thuật mà ở đó, sức vóc và ý chí con người là trang thiết bị. Bằng sức mạnh ý chí và lòng quả cảm, bằng đôi chân và đôi vai, các lực lượng làm nhiệm vụ tại Ngã ba và nhân dân Đồng Lộc- Can Lộc đã khắc phục khó khăn bảo đảm vận chuyển tạo chân hàng cho các binh trạm tuyến trong trước yêu cầu cấp thiết của các chiến trường.

Thứ ba, một nguyên nhân nữa làm nên chiến thắng ở Ngã ba Đồng Lộc đó chính là do những truyền thống đấu tranh vốn có của địa phương Can Lộc nói riêng và nhân dân Hà Tĩnh nói chung. Từ trước tới nay, đây vốn là vùng đất địa linh nhân kiệt, con người nơi đây vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm. Nhưngx truyền thống này đã góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang tai Ngã ba Đồng Lộc.

KẾT LUẬN

Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu về Ngã ba Đồng Lộc, đề tài rút ra một số

kết luận sau:

*Thứ nhất, cuộc chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải tại Ngã ba

Đồng Lộc có vai trò, ý nghĩa hết sức to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước: giải toả điểm chốt, thông suốt chi viện, kịp thời nối lại tuyến đường chi viện cho miền Nam đánh thắng chiến lược “ chiến tranh phá hoại” của đế quốc Mĩ xâm lược.

*Thứ hai, cuộc chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải ở Ngã ba Đồng Lộckhông thể tách rời trận chiến đấu bảo đảm giao thông vận tải ở vùng tuyến lửa khu IV, đặc biệt là Hà Tĩnh trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mĩ. Cuộc chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc cần được đặt trong toàn cảnh của mặt trận bảo đảm giao thông vận tải trên địa bàn Khu IV và Hà Tĩnh đồng thời là minh chứng cụ thể, sinh động cho cuộc chiến đấu nhiều cam go, thử thách đó.

*Thứ ba, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam với đường lối kháng chiến chống Mĩ, cứu nước đúng đắn; sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự- nghệ thuật chiến tranh nhân dân, tư tưởng tiến công cách mạng vào mặt trận chống chiến tranh phá hoại, bảo đảm giao thông vận tải ở Khu IV là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi. Cùng với đó sự tập trung và phát huy cao độ sức mạnh của chiến tranh nhân dân trên mặt trận giao thông vận tải, thực hiện toàn dân làm giao thông vận tải, lấy lực lượng chuyên môn của Nhà nước và Quân đội làm nồng cốt; phát huy chủ nghĩa anh hùng cách

mạng trên mặt trận bảo đảm giao thông ở Khu IV và Ngã ba Đồng Lộc chính là những nguyên nhân làm nên “ Huyền thoại Đồng Lộc”.

Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Đồng Lộc đang dần hồi sinh, thay da dổi thịt từng ngày. Và ngày ngày, từng đoàn người từ bốn phương vẫn đến nơi đây- mảnh đất thiêng liêng Đồng Lộc để một lần đọc lại những dòng tên dưới màu hoa bất tử, để một lần nữa được lắng lại lòng mình bên những hố bom xưa, để được ngước nhìn lên bầu trời Can Lộc trong câu hát “ Trời mô xanh bằng trời Can Lộc…”

Một phần của tài liệu Đề tài Ngã ba Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước(thời kì 1965-1968).doc (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w