Sau khi đánh hủy diệt các đầu mối giao thông vận tải qua địa bàn Hà Tĩnh, đế quốc Mĩ sử dụng một lực lượng không quân khổng lồ với nhiều thủ đoạn nham hiểm đánh vào Ngã ba Đồng Lộc. Chưa bao giờ Đồng Lộc phỉa trải qua những thử thách quyết liệt như thời kỳ giặc Mĩ “ném bom hạn chế” miền Bắc nước ta.
Không quân Mĩ đánh vào Đồng Lộc với cường độ và mật độ đạn rất cao. Trong 7 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10-1968), máy bay địch đánh vào Đồng Lộc 1.863 lần với trên 42.000 quả bom các loại. Tổng số lần đánh vào Đồng Lộc bằng tổng số đánh vào toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 1965, riêng số bom đạn lớn gấp 2 lần. Bình quân một tháng , địch đánh 25 ngày, ngày đánh cao nhất (15-7-1968) 103 lần chiếc, ném 800 quả bom. Từ một điểm đánh phá, địch mở rộng phạm vi đánh phá một vùng rộng lớn dài 9km, rộng 2-3 km với các điểm chủ yếu là Cống 19, cầu Cơn Bạng, cầu Tùng Cóc, cầu Khe Út và ngã ba Khiêm Ích… [11,tr.37 ].
Thủ đoạn đánh phá của địch cũng hết sức thâm độc. Cùng một lúc địch ném xuống Ngã ba Đồng Lộc nhiều loại: bom đào, bom phá, bom bi, bom nổ ngay, bom nổ chậm, bom điều khiển bằng la-de…Ban ngày chúng tập trung đánh hủy diệt trên địa pháo cao xạ, phá đường, phá cầu. Chập tối, chúng rải bom từ trường chốt chặn các ngả. Ban đêm giăng pháo sáng, ném bom bi, bắn đạn rốc-két, đạn 20 ly để tiêu diệt các lực lượng ứng cứu trên tuyến đường. Bằng mọi giá, đế quốc Mĩ muốn chặt đứt mạch máu giao thông tại nơi đây.
Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của địch trong chiến lược chiến tranh cục bộ, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chủ trương đúng đắn, kịp thời nhằm động viên lực lượng toàn dân kháng chiến, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ nói chung, chiến tranh phá hoại miền Bắc nói riêng.
Để bảo đảm yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến, tháng 3 năm 1965, Trung ương Đảng ra nghị quyết 11 chỉ rõ: “Tiếp tục xây
dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa bằng không quân, hải quân của địch, chuẩn bị sẵn sàng đánh thắng trong trường hợp chúng đưa cuộc chiến tranh phá hoại hiện nay đến mật độ ác liệt gấp bội hoặc chuyển sang một cuộc chiến tranh cục bộ ở cả miền Nam lẫn miền Bắc, ra sức động viên tinh thần của miền Bắc chi viện cho miền Nam…” [18,tr.45].
Giao thông vận tải ngày càng trở thành một mặt trận ác liệt, nóng bỏng: bảo đảm giao thông vận tải là một nhiệm vụ chiến lược trọng tâm trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch, việc chỉ đạo công tác giao thông vận tải là chỉ đạo chiến đấu ở một chiến trường có tầm chiến lược. Tháng 10 năm 1965, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định mục tiêu
chiến lược: “Đảm bảo giao thông vận tải thông suốt trong tình hình hiện
nay là nhiệm vụ trung tâm đột xuất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta”[18,tr.49 ].
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 12 (12-1965) hạ quyết tâm chiến lược: “Động viên lực lượng của cả nước kiên quyết đánh bại
cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam… Vấn đề mấu chốt là phải bảo đảm giao thông vận tải thông suốt trên những chặng đường chiến lược quan trọng. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải khắc phục mọi khó khăn để giữ vững những con đường chi viện cho miền Nam” [18,tr.51].
Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trên mặt trận giao thông vận tải, Trung ương Đảng và Chính phủ phát động phong trào “Toàn dân làm công tác giao thông vận tải”, lấy lực lượng giao thông vận tải chuyên nghiệp làm nòng cốt, bộ đội công binh, hậu cần, vận tải, phòng không của quân đội làm lực lượng xung kích. Tháng 10-1965, Hội đồng Chính phủ thành lập Ban điều hòa giao thông vận tải Trung ương do đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng làm trưởng ban. Vận dụng kinh nghiệm của những năm kháng chiến chống Pháp, tháng 6- 1965, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Đội thanh niên xung phong chống Mĩ cứu nước. Hàng chục vạn nam nữ thanh niên trên miền Bắc xung phong lên đường nhận nhiệm vụ ở những nơi khó khăn ác liệt nhất, chủ yếu là trên mặt trận cầu đường. Một số đội thanh niên xung phong được điều vào tuyến đường Trường Sơn và các tuyến trọng điểm ở Quân khu 4 làm nhiệm vụ mở đường, đảm bảo giao thông.
Trung ương Đảng, Chính phủ sớm nhận thức được vị thế của Quân khu 4 đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải chi viện chiến trường. Nghị quyết Hội nghị trung
ương Đảng lần thứ 12 (12-1965) chỉ rõ: “Cần củng cố và tăng cường lãnh
đạo các tỉnh thuộc Quân khu 4, tăng cường lực lượng quốc phòng và kinh tế trong khu, xây dựng các tỉnh vững mạnh hơn nữa về mọi mặt để làm hậu phương trực tiếp của miền Nam và Trung, Hạ Lào” [18 tr.57].
Trung ương Đảng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời, chỉ đạo sâu sát, tăng cường lực lượng cho mặt trận giao thông vận tải ở Quân khu 4, giao cho Hội đồng Quốc phòng Quân khu và Ban đại diện Giao thông vận tải Nhà nước trực tiếp chỉ đạo công tác giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu 4. Tháng 12-1965, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định giao cho quân đội đảm bảo giao thông trên các tuyến đường chiến lược bao gồm: đường số 1 đến Vĩnh Linh, đường 15 đến Xuân Sơn, đường số 7, 8, 12 và 217 với tổng chiều dài 2.197km có 742 cầu lớn nhỏ. Ban bảo đảm giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh được thành lập (tháng 5- 1965).
Chủ động kịp thời nắm bắt tình hình mới, tháng 4 năm 1968, Hội nghị Tỉnh ủy hà Tĩnh được triệu tập,bàn về công tác bảo đảm giao thông vận tải. Hội nghị nhận định: “Bước vào thời kỳ giặc Mĩ “ném bom hạn chế” ta chưa đánh giá hết khả năng ác liệt, tàn bạo của địch”. Thực tế cho thấy, khi địch tập trung đánh ở Thượng Gia- Hạ Vàng trên tuyến đường 1A qua huyện Can Lộc do kế hoạch đối phó của tỉnh chưa được triển khai kịp thời, cụ thể nên Đồng Lộc vẫn ở vào thế độc tuyến, hệ thống đường tránh, đường xế chưa có.Vì thế, khi địch đánh phá ác liệt, tuyến chi viện Bắc- Nam bị cắt đứt tại đây thì ta gặp khó khăn, lúng túng. Nghiêm túc kiểm điểm thiếu sót, Tỉnh ủy Hà Tĩnh kịp thời đề ra những biện pháp khắc phục, triển khai đồng bộ các lực lượng chiến đấu và đảm bảo giao thông vận tải ở các vị trí xung yếu. Nghị quyết nhấn mạnh: “ Bảo đảm giao thông vận tải ở Ngã ba Đồng Lộc, chi viện tiền tuyến là nhiệm vụ trung tâm số một của toàn Đảng, toàn quân,toàn dân Hà Tĩnh” [3,tr. 40].Thực hiện nhiệm vụ cấp bách, nặng nề ấy,
Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo để giải tỏa bằng được điểm chốt Đồng Lộc, giữ vững mạch máu giao thông qua khu vực này.
Dưới sự chỉ đạo của Ban bảo đảm giao thông tỉnh, Phòng giao thông huyện Can Lộc được tăng cường thêm cán bộ và lực lượng chủ lực giao thông. Cùng với lực lượng bộ đội chủ lực do Bộ điều động, quân và dân Đồng Lộc xác định nhiệm vụ trong tâm là : tập trung mọi hỏa lực, cơ động chiến đấu cao, bảo vệ tốt các mục tiêu giao thông.