CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ CỨU NƯỚC CỦA DÂN TỘC (THỜI KỲ 1965-1968)

Một phần của tài liệu Đề tài Ngã ba Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước(thời kì 1965-1968).doc (Trang 54 - 61)

(THỜI KỲ 1965-1968)

3.1.Đóng góp của Ngã ba Đồng Lộc

Nhìn lại việc bảo đảm giao thông vận tải ở vùng tuyến lửa Khu 4 nói chung và Ngã ba Đồng Lộc nói riêng trong những năm kháng chiến chống Mĩ có thể thấy: Mặc dù kẻ địch dùng trăm phương nghìn kế với đủ loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất nhưng chúng vẫn không ngăn cản nổi sự chi viện về sức mạnh vật chất và tinh thần của nhân dân miền Bắc cho đồng bào miền Nam ruột thịt, kể cả trong những điều kiện vô cùng cam go. Đây rõ ràng là một thất bại chiến lược của Mĩ, một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong quá trình xâm lược Việt Nam, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc là một chiến lược quan trọng của đế quốc Mĩ. Giới cầm đầu quân sự Mĩ tin tưởng rằng, chiến tranh phá hoại sẽ ngăn chặn có hiệu quả sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào miền Nam; bao vây cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở miền Nam; đồng thời, phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân miền Bắc, uy hiếp tinh thần và làm lung lay quyết tâm kháng chiến của nhân dân ta. Thông qua sức mạnh quân sự, đặc biệt là không quân và hải quân, Mĩ cũng hy vọng sẽ củng cố tinh thần cho binh lính và chính giới Mĩ trong cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới mà Mĩ đang ra sức tiến hành ở miền Nam Việt Nam. Trong ba mục tiêu ấy thì mục tiêu ngăn chặn miền Bắc dồn sức cho cách mạng miền Nam được Mĩ xác định là quan trọng nhất. Tâm điểm của việc thực hiện chiến lược ngăn chặn đó chính là nhằm vào địa bàn

Khu 4- “vùng cán xoong” dài và hẹp, dễ bị chia cắt, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, của tuyến chi viện Trường Sơn và chiến trường Lào. Nơi đây còn là tiền tuyến lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là tiếp điểm của mặt trận phía trước và mặt trận phía sau, nơi nối liền vĩ tuyến 17 với miền Bắc và tất cả các tuyến đường giao thông Bắc- Nam. Chính vì vậy, tại chiến trường Khu 4, đế quốc Mĩ đã không dừng lại ở bất kỳ một thủ đoạn tác chiến nào nhằm đạt mục đích chiến lược. Không quân, hải quân và biệt kích đánh phá suốt ngày đêm, trải dài trên toàn bộ địa bàn, đánh đi đánh lại nhiều lần, đánh bằng nhiều loại bom đạn khác nhau, sử dụng nhiều loại phương tiện hiện đại, đánh phá vào tất cả các mục tiêu, không phân biệt dân sinh hay quân sự, trong đó giao thông vận tải ( kể cả đường thuỷ và đường bộ ) là mục tiêu hàng đầu.

Nhận thức rõ vị trí xung yếu của tuyến giao thông vận tải qua địa bàn trong sự nghiệp kháng chiến của toàn dân tộc, quân và dân Khu 4 dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là của Quân khu uỷ, của các Tỉnh uỷ cùng với các tổ chức Đảng ở từng địa phương đã nắm vững nhiệm vụ của quân và dân địa phương, từ đó chủ động tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống, đáp ứng cao nhất yêu cầu của tiền tuyến lớn miền Nam, hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử của mình trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước vĩ đại. Nơi đây đã diễn ra hàng nghìn trận đánh máy bay, tàu chiến, tổ chức bao vây, truy kích gián điệp, biệt kích Mĩ - Nguỵ. Ở mọi thôn xóm đều dấy lên phong trào khắc phục hậu quả do bom Mĩ gây nên. Bất kể nắng mưa, mặc cho những trận pháo kích, những trận bom phá, bom toạ độ, bom rải thảm, bom từ trường, mìn điện tử của địch, không lúc nào trên mỗi con đường, dốc núi, bờ sông vắng bóng những chiến sĩ mở đường kiên trì bám tuyến, bám đường bảo đảm giao thông thông suốt. Không thể kể hết những tấm gương anh dũng,

thông minh, sáng tạo trong chiến đấu và bảo đảm giao thông vận tải làm vẻ vang truyền thống và phẩm chất của những người con trên mảnh đất anh hùng. Biết bao sáng kiến đã được quân dân Khu 4 áp dụng trong rà phá bom mìn, vô hiệu hoá các loại vũ khí, khí tài điện tử của địch. Hơn nữa, ta đã tận dụng thuốc nổ từ những quả bom chưa nổ để phá bom mìn địch ném xuống, san lấp hố bom. Quân dân Khu 4 vừa đánh địch vừa sản xuất, đồng thời tăng cường các biện pháp để củng cố hệ thống giao thông, xây dựng thêm nhiều tuyến đường vòng vượt ở các trọng điểm, mở thêm nhiều đường mới cả đường thuỷ và đường bộ, kết hợp sử dụng nhiều hình thức từ thô sơ đến hiện đại, nhiều phương tiện vận chuyển khác nhau… Có thể nói, quân và dân Khu 4 trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước là một trong những điển hình tiêu biểu nhất cho sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mĩ xâm lược.

Sau đòn choáng váng bởi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đợt I Tết Mậu Thân 1968 của quân dân ta trên toàn chiến trường miền Nam, đế quốc Mĩ buộc phải “xuống thang” nhằm lừa bịp dư luận và thực hiện thủ đoạn “ ném bom hạn chế” nhưnng thực chất là bỏ “diện” để đánh “điểm”. Chiến lược ngăn chặn giao thông vận tải qua địa bàn Khu IV được đẩy lên ở một nấc thang mới với mức độ và cường độ ác liệt tăng lên gấp nhiều lần. Chúng sử dụng bom đạn đánh phá dồn dập xuống các “nút” giao thông, các đoạn đường giao thông xung yếu nhằm gây tắc nghẽn dài ngày đi đến cắt dứt toàn tuyến giao thông qua địa bàn. Ngã ba Đồng Lộc trở thành một quyết chiến điểm trên mặt trận giao thông vận tải.

Do vị trí xung yếu và đặc thù của tuyến vận tải đường bộ qua vùng Can Lộc là nơi bộc lộ nhiều nhược điểm khó khắc phục nhất trên toàn tuyến giao thông vận tải ở hà Tĩnh: quốc lộ số 1 từ Hạ Vàng đến cầu Già chỉ chưa đầy 8 km mà có 2 bến phà vượt sông, nền đường nằm trên vùng trũng, hai bên

đường ruộng sâu, lún thụt. Vì vậy, khi tuyến đường bị đánh phá sẽ rất khó khắc phục dẫn đến ách tắc dì ngày. Ngã ba Đồng Lộc lại bị chắn bởi hai mỏm núi cao ở phía tây bắc và đông nam, nằm gọn trong thung lũng hẹp và có kênh chính của hệ thống thuỷ nông Linh Cảm chạy qua. Thời gian địch đánh phá ác liệt, liên tục, dài ngày và điều kiện thời tiết mùa mưa làm cho việc khôi phục trở nên vô cùng khó khăn, giao thông bị tắc nghẽn. Việc làm đường tránh, đường xế phải đi vòng vào núi, lám khe, nhiều suối đòi hỏi phải tập trung nhiều công sức.

Sau hơn ba năm đánh phá trên đất Hà Tĩnh, đế quốc Mĩ đã nhận biết khá cụ thể những nhược điểm vốn có và rất khó khắc phục ấy nên bước vào giai đoạn thực hiện mưu đồ quỷ quyệt “ leo thang trong xuống thang” của kế hoạch “ném bom hạn chế” miền Bắc từ vĩ tuyến 19 trở vào, chúng đã dồn bom đạn để đánh phá Can Lộc liên tục, ác liệt, có tính chất huỷ diệt ở Hạ Vàng và Thượng Gia- Cổ Ngựa trên đường số 1 và tuyến đường 15 từ Phú Lộc vào Mỹ Lộc mà trọng điểm là Ngã ba Đồng Lộc từ đầu tháng 4 đến tháng 10 năm 1968. Trong 7 tháng dội bom đạn xuống mảnh đất nhỏ hẹp Ngã ba Đồng Lộc, không quân Mĩ đánh cháy và đánh hỏng 94 ô tô, phá sập 11 cầu, 10 ngầm (dài 197m); có những cầu, cống bị đánh đi đánh lại hàng trăm lần: (Cống 19 bị địch đánh 50 lần với trên 500 quả bom, cầu Tùng Cóc 69 lần với trên 1600 quả bom, cầu Cơn Bạng 123 lần với trên 2.800 quả bom, Khe Út 119 lần với 2900 quả bom… tổng cộng địch đánh các mục tiêu này là 1.460 lần với 30.000 quả bom, trong đó có hơn nửa là bom nổ chậm), 48 chiến sĩ giao thông vận tải đã anh dũng hy sinh và 97 người bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra,máy bay Mĩ còn đánh rộng đến các khu vực quanh Ngã ba Đồng Lộc nhằm đẩy lùi các lực lượng chiến đấu của ta ra xa trọng điểm, gây cho ta nhiều thiệt hại lớn về người và của. Chỉ trong hơn 200 ngày đêm, không quân Mĩ đã oanh tạc trên 2 nghìn lần với gần 5 vạn

quả bom các loại trút xuống khu vực Ngã ba Đồng Lộc [1,tr. 55]. Có thể nói trong thời gian Mĩ tiến hành “ném bom hạn chế” miền Bắc Ngã ba Đồng Lộc như một “cửa tử” trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc- Nam. Ở Đồng Lộc như tựu trung cho tất cả những khó khăn, gian khổ, ác liệt nhưng cũng hào hùng nhất của mặt trận giao thông vận tải trên địa bàn Khu IV và Hà Tĩnh nói chung. Tại đây đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giưũa “ngăn chặn” và “chống ngăn chặn” với một sự nỗ lực cao nhất của cả hai phía địch và ta. Thực hiện quyết tâm bảo đảm giao thông thông suốt bằng mọi giá, được

sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải Khu IV, của Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh ủy Hà Tĩnh và sự tăng cường lực lượng từ Trung ương, quân và dân Đồng Lộc đã vượt lên bom đạn khốc liệt, vượt lên muôn vàn gian khổ, hy sinh để giữ mạch máu giao thông không ngừng chảy. Từng chuyến xe hàng, từng đoàn cán bộ, chiến sĩ hành quân qua đây, từng khẩu súng, cân gạo đến được với tiền tuyến lớn đã phải đổi bằng biết bao giọt mồ hôi, cả máu và nước mắt của quân và dân nơi đây. Dưới làn bom đạn của địch, trong tiếng gầm rú của từng đoàn máy bay Mĩ đủ loại, lực lượng và phương tiện, hàng hoá qua trọng điểm vẫn luân chuyển không ngừng. Trong 7 tháng “ném bom hạn chế” tại đây lực lượng đã bắn rơi 19 máy bay, rà phá hàng nghìn quả bom nổ chậm và 2.615 bom từ trường, kéo hàng trăm xe qua trọng điểm, cứu hàng ngàn lượt xe đổ, bốc dỡ và vận chuyển hàng chục tấn hàng, đảm bảo chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam. Quân và dân các xã ở Đồng Lộc đã góp 185.450 ngày công, có 12.620 lượt người tham gia phục vụ chiến đấu, đào đắp 95.209 m3 đất đá, vận chuyển 45m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi để chống lầy cho xe [7, tr.130].

Ở những thời điểm cam go nhất, khi mà vận chuyển bằng cơ giới gặp nhiều khó khăn, hiệu suất vận tải đạt thấp thì chính phương thức vận tải thô

sơ đã được vận dụng hiệu quả tại Ngã ba Đồng Lộc. Kết quả vận chuyển bằng phương tiện thô sơ với sự đóng góp nỗ lực của quân và dân Đồng Lộc một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của phương châm kết hợp cơ giới và thô sơ trên địa bàn Khu IV, khẳng định sự thất bại của đế quốc Mĩ trong chiến lược “chiến tranh ngăn chặn”. Một ký giả người Mĩ sau khi đến “tuyến lửa” Khu IV đã viết trên tạp chí Diễn đàn Niu Oóc số ra ngày 4 tháng 5 năm 1966, rằng “ những đoàn thồ bằng xe đạp hồi chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) nay lại xuất hiện trên các ngả đường, nhưng với số lưọng lớn hơn và chở những thứ hàng nặng hơn nhiều. Khi các tướng lĩnh ở Lầu năm góc ( Bộ quốc phòng Mĩ ) tuyên bố có thể chặn đứng tuyến giao thông vận tải bằng cách ném bom những kho dầu ở Hà Nội và những nơi khác, họ đã đánh giá thấp khả năng vận tải của người Việt Nam” [11, tr.97].

Rõ ràng là phải thông qua những diến biến cụ thể trên chiến trường mà không ai có thể phủ nhận được: quân dân miền Nam liên tục đẩy mạnh tiến công đợt 2 và 3, quân dân miền Bắc đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đã đưa đến kết cục ngoại dự kiến của Mĩ. Ngày 31 tháng 10 năm 1968, bỏ qua sự phản ứng gay gắt của chính quyền Sài Gòn, tổng thống Mĩ Giônxơn đã đơn phương tuyên bố chấm dứt hoàn toàn mọi hành động chống phá nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mà không còn đưa ra điều kiện đòi ta phải ngừng chi viện cho cách mạng miền Nam, công nhận đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại hội nghị Pari mà trước đó Mĩ khăng khăng phủ nhận. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn, một thành công trong chiến lược chỉ đạo nhất quán của ta và là thành quả đấu tranh không mệt mỏi của quân và dân ta ở cả hai miền cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới. Chúng ta đã buộc được Mĩ phải đơn phương xuống tiếp một nấc thang chiến tranh trong khi trên chiến trường quân số Mĩ - Ngụy và chư hầu tiếp tục tăng lên

đến đỉnh cao. Sau gần 15 năm đấu tranh không mệt mỏi của quân dân hai miền Nam- Bắc, chiến thắng nhiều loại hình chiến tranh của Mĩ cùng những kết quả to lớn không thể phủ nhận được trong năm 1968 đã đưa cuộc kháng chiến đến mộy bước ngoặt lớn, một thời kỳ mới: thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Để giành được thắng lợi đó, quân và dân Khu IV, quân và dân Đồng Lộc đã góp sức cùng quân dân cả nước trải qua những tháng ngày cam go, thử thách chấp nhận gian khổ, hy sinh để làm tròn cả hai nhiệm vụ của tiền tuyến lớn và hậu phương.

Thắng lợi trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải ở Ngã ba Đồng Lộc trở thành biểu tượng cho chiến thắng của quân dân Hà Tĩnh, quân khu IV trong cuộc chiến đấu chống chiến lược “ngăn chặn” của không quân và hải quân Mĩ. Sức sống mãnh liệt và những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm giao thông vận tải tại mảnh đất Ngã ba Đồng Lộc anh hùng đã gây cho địch sự hoang mang, sợ hãi. Ngã ba Đồng Lộc thông suốt thì tuyến chi viện Bắc - Nam không thể bị cắt đứt. Lực lượng và phương tiện vẫn ngày ngày vượt qua “trọng điểm” ác liệt này đem theo sức mạnh vật chất và niềm tin lớn lao cho cả tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mĩ xâm lược.

Khi nói đến Ngã ba Đồng Lộc, đại tướng Văn Tiến Dũng đã viết: “Địa danh này và nhiều địa danh khác như đèo Mụ Giạ, phà Long Đại, Xuân Sơn, cua Chữ A…đã đi vào nhân gian như những truyền thuyết, đi vào lịch sử như những “cọc tiêu” chiếu rọi con đường trường chinh tới độc lập tự do của dân tộc” [19,tr.21].

Thắng lợi trên mặt trận giao thông vận tải tại Ngã ba Đồng Lộc là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết, quyết tâm đánh Mĩ của quân và dân Hà Tĩnh. Đó chính là thắng lợi của ý chí, trí tuệ và khát vọng độc lập, thống nhất của cả dân tộc Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đề tài Ngã ba Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước(thời kì 1965-1968).doc (Trang 54 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w