Sinh đẻ

Một phần của tài liệu Luận văn: VĂN HÓA CỦA NGƢỜI TÀY Ở HUYỆN ĐỊNH HÓA TỈNH THÁI NGUYÊN potx (Trang 62 - 65)

7. Bố cục luận văn

3.1.2. Sinh đẻ

Khi phụ nữ mang thai, với mong muốn đứa con khỏe mạnh, họ phải kiêng nhiều thứ. Trước khi ăn cơm, người phụ nữ phải uống một chén nước để sau này dễ sinh. Người phụ nữ khi mang thai kiêng không bước qua dây buộc ngựa vì sợ chửa 12 tháng như ngựa, không đun củi ngược vì sợ đẻ ngược. Trong quá trình mang thai, người phụ nữ kiêng không làm các công việc nặng nhọc nhưng vẫn phải tham gia lao động sản xuất và làm các việc trong gia đình.

Người phụ nữ đẻ được chăm sóc chu đáo và phải kiêng cữ trong thời gian 40 ngày. Trong suốt tháng ở cữ, người mẹ phải ăn cơm nóng, thịt gà xào gừng, nghệ, rượu. Người ta còn bồi dưỡng sức khỏe cho người mẹ bằng chân giò hầm với mít non, đu đủ, rượu nếp để có nhiều sữa cho con bú… Tuyệt đối không ăn cổ, cánh, lòng, dọc sống lưng của gà, lợn. Riêng rau xanh, chỉ được ăn rau ngót, su hào, khoai tây, bắp cải xào thịt. Còn các loại rau khác kiêng không ăn vì nhiều lý do, chẳng hạn, ăn rau cải sẽ bi ho, ăn rau bí sẽ làm cho cả mẹ lẫn con bị ngứa… Trong suốt thời gian ở cữ, sản phụ chỉ được ở trong buồng của mình, kiêng tắm gội, không đến chỗ bàn thờ tổ tiên, chỗ nấu rượu. Sản phụ cũng không được lui tới bất cứ một nhà người khác nào vì người ta cho rằng thân thể sản phụ không sạch sẽ sẽ đem rủi ro tới gia đình họ. Đây là thể hiện lối sống văn minh lịch sự của người sản phụ trong quan hệ hàng xóm láng giềng. Mặt khác sức khỏe của sản phụ đang ở thời kỳ bình phục dần sau khi sinh đẻ, việc hạn chế đi lại là có lợi cho sức khỏe của bà mẹ sau này.

Khi nhà có người mới đẻ, người ta treo ở trước cửa một cành lá xanh báo hiệu cho người ngoài biết để khỏi vào nhà. Khi đứa trẻ vừa được sinh ra người ta tắm cho trẻ bằng nước lá thơm như lá đào, lá bưởi… Ngay sau khi người phụ nữ sinh, nhờ một người khỏe mạnh, tháo vát, làm ăn giỏi lên nhà thăm hỏi đứa trẻ với mong muốn đứa trẻ sau này cũng mạnh khỏe, giỏi giang như vậy.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Sinh được ba ngày, gia đình đi mời thầy cúng tới làm lễ nhằm xua đuổi tà ma xâm nhập, rửa sạch nhà cửa sau khi đẻ và làm lễ cầu mong sức khỏe cho cháu nhỏ. Cũng vào hôm đó người Tày làm lễ dựng bàn thờ mụ cho đứa trẻ. Thông lệ, khi con dâu sinh con đầu lòng, bên ngoại mang thịt lợn, gà, gạo nếp, ống hương, hao giấy… sang làm bàn thờ mụ cho cháu.

Khi trẻ được một tháng tuổi, người Tày ở Định Hóa có tục làm lễ đầy tháng cho trẻ. Đây là nghi lễ không thể bỏ qua đối với bất kỳ một đứa trẻ nào khi được sinh ra. Ngày lễ đầy tháng với ý nghĩa là mừng cháu khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, mừng phúc đức của gia đình đồng thời cũng có ý nghĩa báo với Bà Mụ biết là đứa con của Bà Mụ ban cho đã ra đời, ghi công ơn của Bà Mụ đã ban phúc và cũng xin Bà Mụ tiếp tục phù hộ, che chở cho đứa trẻ trưởng thành.

Trong lễ đầy tháng đồng bào Tày phải mời thầy đến để cầu an, cầu phúc và đặt tên cho đứa trẻ. Khi thầy làm lễ xong sẽ buộc một sợi chỉ ngũ sắc vào tay và một túi vải nhỏ trong có đựng lá bùa (bản mệnh) đeo vào cổ để bảo vệ đứa trẻ khỏi tà ma. Trong ngày này, ông bà nội sẽ đan tặng cháu một chiếc nôi đan bằng tre, bên bà ngoại khâu tặng cháu chiếc địu từ tấm vải mà chàng rể tặng ngày trước. Chiếc địu đó được dùng lâu dài cho những đúa con sau này, không được cho người khác mượn. Nôi và địu làm xong trước, khi cho đứa trẻ xuống nôi nằm, người ta nín thở đặt vào nôi một cái chổi quét nhà để trẻ không bị giật mình. Những người khách được mời có các tặng phẩm cho đứa trẻ như: quần áo, tã lót, vòng tay, vòng cổ bằng bạc, mũ khăn… cho đứa trẻ. Người Tày ở đây có tục, khi những người đến dự lễ nếu thấy đứa trẻ bụ bẫm thì không được khen vì người Tày sợ ma dữ sẽ bắt hồn đứa trẻ.

Khi bữa cơm trưa kết thúc, người ta chọn một người nhanh nhẹn, phúc hậu hay một cháu nhỏ khỏe khoắn, lanh lợi địu cháu bé đi khỏi nhà một quãng và mang theo túi sách, bút, xâu bánh đi phát cho trẻ con trong bản tỏ ý hòa

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

nhập và sau này đứa trẻ cũng sẽ ham học và hiếu thảo với mọi người. Hôm đầy tháng người ta cắt tóc cho trẻ rồi gói lại cẩn thận không được vứt lung tung vì sợ người khác yểm bùa, trên đỉnh thóp phải để lại một chỏm tóc bởi theo quan niệm của đồng bào Tày thì đây là nơi trú ngụ của hồn vía đứa trẻ.

Sau 40 ngày, người mẹ hết thời gian kiêng khem và bắt đầu đi làm bình thường. Nếu cho trẻ đi chơi xa như về thăm ông bà ngoại người ta phải xâu kim, cài kim băng vào mũ đứa trẻ, bôi nhọ nồi vào trán, thậm chí còn thắp hương báo tổ tiên phù hộ cho đứa trẻ.

Trong việc nuôi dạy con cái, người Tày rất ít khi mắng chửi con cái mà chỉ dùng lời nói nhẹ nhàng để khuyên bảo con mỗi khi nó mắc khuyết điểm. Trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái người Tày không phân biệt đối xử dù trai hay gái, con cả hay con thứ đều được chăm sóc và đối xử như nhau.

Thời kỳ đầu, đứa trẻ chủ yếu được bú sữa mẹ, sau khoảng ba bốn tháng trẻ được bón thêm nước cơm, cháo nấu với rau non và xương hầm.

Người Tày có tục làm lễ sinh nhật cho trẻ khi trẻ được tròn một năm tuổi. Trong lễ đầy năm, gia đình sửa soạn mâm cúng thường đồng thời mua sách, mua bút, gương, lược, que thêu đặt trước mặt đứa trẻ, nếu đứa trẻ cầm vào thứ gì trước có thể tiên đoán được tính cách của đứa trẻ sau này.

Trước đây, trong quá trình nuôi dưỡng, nếu trẻ bị ốm đau việc đầu tiên là mời thầy cúng giải bệnh. Bên cạnh đó người Tày ở Định Hóa cũng có nhiều kinh nghiệm dùng thuốc nam chữa bệnh. Ngày nay, phần lớn khi trẻ bị ốm đều được đưa đến bệnh viện, trạm y tế.

Khi trẻ đã biết nhận thức, người Tày thường dạy con cái cách ăn nói, ứng xử với mọi người theo truyền thống của dân tộc mình. Khi sắp đến tuổi trưởng thành, đối với trẻ em gái, được mẹ hướng dẫn cách ăn mặc, ứng xử, các công việc nội trợ… Và đặc biệt, các em còn được mẹ hướng dẫn xe bông dệt vải để chuẩn bị tư trang khi lập gia đình.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn Tóm lại, tập tục sinh đẻ và nuôi dạy con cái của đồng bào Tày có nhiều sắc thái riêng mang đậm đặc trưng văn hóa tộc người. Tập tục đó của người Tày ở huyện Định Hóa phản ánh truyền thống tốt đẹp của người Tày nơi đây trong mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.

Một phần của tài liệu Luận văn: VĂN HÓA CỦA NGƢỜI TÀY Ở HUYỆN ĐỊNH HÓA TỈNH THÁI NGUYÊN potx (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)