1. Phạm trù lý luận
Lý luận là hệ thống những tri thức được khái quát từ những kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh những mối liên hệ bản chất, tính quy luật của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan.
Kinh nghiệm và lý luận đều là những tri thức, những hiểu biết của con người về sự vật, hiện tượng nhưng ở những trình độ khác nhau. Kinh nghiệm được nảy sinh trực tiếp từ cuộc sống và thực tiễn. Nó không chỉ là kết quả của hoạt động trực quan cảm tính, mà còn có sự tham gia của yếu tố lý tính. Kinh nghiệm do đó đã mang tính trừu tượng và khái quát, song mới là bước đầu và còn hạn chế. Nó chỉ mới đem lại sự hiểu biết về các mặt riêng lẻ, về các mối liên hệ bên ngoài của sự vật, hiện tượng.
Còn lý luận là những tri thức được khái quát từ những kinh nghiệm thực tiễn, “là sự tổng kết kinh nghiệm của loài người” (Hồ Chí Minh) thông qua sự trừu tượng hóa và khái quát hóa của tư duy. Bằng sức mạnh của sự trừu tượng hóa và khái quát hóa, lý luận đem lại sự hiểu biết sâu sắc về bản chất, tính tất nhiên, tính quy luật của sự vật, hiện tượng.
2. Vai trò của lý luận đối với thực tiễn
Kinh nghiệm và lý luận đều có vai trò đối với thực tiễn. Kinh nghiệm do sự hạn chế của nó nên phạm vi vận dụng (cả thời gian, cả không gian) hẹp hơn, đồng thời hiệu quả thường không cao. Còn lý luận thể hiện tính chân lý sâu sắc hơn, chính xác hơn, hệ thống hơn, nghĩa là có tính bản chất sâu sắc hơn, do đó phạm vi vận dụng rộng hơn và có hiệu quả cao hơn.
Nhờ có ưu điểm trên đây, lý luận có vai trò rất to lớn đối với thực tiễn. Cụ thể:
Một là: lý luận hướng dẫn, soi đường, dẫn dắt chỉ đạo thực tiễn, giúp cho
thực tiễn hoạt động đúng hướng, có hiệu quả, tránh mò mẫm, tự phát.
Hai là: lý luận góp phần giáo dục, động viên cổ vũ, tổ chức quần chúng,
biến thành niềm tin và phong trào quần chúng cải tạo hiện thực: “lý luận mỗi khi thâm nhập vào quần chúng sẽ biến thành một sức mạnh vật chất vô cùng to lớn” (C. Mác).
Ba là: lý luận, do sức mạnh trừu tượng hóa, nó có khả năng dự kiến được sự
vận động và phát triển cảu sự vật trong tương lai, từ đó chỉ ra những phương hướng mới cho sự phát triển của thực tiễn.
3. Ý nghĩa
Trong thời đại văn minh trí tuệ ngày nay, lý luận có vai trò cực kỳ to lớn. Trên một ý nghĩa nào đó nó quyết định sự thành bại của một chủ thể, của một quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, nước ta hiện nay đang định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Sự nghiệp đó sẽ không thành công nếu thiếu lý luận khoa học soi đường.
Trong khi đó, thứ nhất, lý luận của chúng ta còn bất cập so với yêu cầu của thực tiễn. Mặc dù lý luận ở nước ta đã có những bước phát triển quan trọng, nhận thức về con đường và mô hình chủ nghĩa xã hội càng ngày càng rõ ràng và đầy đủ hơn, nhưng nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn đổi mới, lý luận chưa lý giải được, hoặc chưa lý giải được một cách thuyết phục. Một số vấn đề ở tầm quan điểm, chủ trương lớn chưa được làm rõ, nên chưa đạt được sự thống nhất cao về nhận thức và do đó thiếu dứt khoát trong hoạch định chính sách, chỉ đạo điều hành.
Thứ hai, trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu
so với thực tiễn. Điều đó biểu hiện trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn vẫn thường rơi vào bệnh kinh nghiệm (tuyệt đối hóa kinh nghiệm, chỉ đạo thực tiễn bằng kinh nghiệm) và bệnh giáo điều (vận dụng lý luận như những công thức cứng nhắc, nhận thức lý luận chỉ dừng lại ở câu chữ, lý luận suông).
Do đó, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đất nước phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, đồng thời phải tăng cường công tác giáo dục lý luận trên cơ sở đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lý luận.