Nghiên cứu họa tiết chạm khắc phức tạp

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG NGHIÊN CỨU VỐN CỔ DÂN TỘC (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM MỸ THUẬT) (Trang 38 - 41)

4. Tính lưỡng nguyên trong nghệ thuật tạo hình

2.2. Nghiên cứu họa tiết chạm khắc phức tạp

Nói tới nghệ thuật tạo hình dân gian, người ta thường nghĩ ngay đến chạm khắc, trang trí trên sập gụ, tủ chè hình chùm nho, con sóc, bộ ghế chạm con rối, chữ Phúc-Lộc-Thọ... Bên cạnh đó, nền nghệ thuật chạm khắc dân gian đồ sộ ở người Việt còn được lưu giữ trên các ngôi đình, chùa, đền nằm rải rác ở mỗi làng quê vây quanh bởi luỹ tre xanh thầm lặng, mà cho đến ngày nay chúng vẫn là những gì tinh tuý nhất góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Việt Nam.

Nghệ thuật chạm khắc dân gian của người Việt rất đa dạng, độc đáo và luôn song hành với chạm khắc chính thống, tức nghệ thuật chạm khắc phục vụ cho cung đình, cho tầng lớp quý tộc. Nghệ thuật chạm khắc dân gian và nghệ thuật chạm khắc chính thống không có sự phân định rõ rệt, có chăng chỉ ở những chi tiết rất nhỏ như hình tượng con rồng gắn với vua chúa thì có 5 móng biểu hiện quyền hành của vua với 5 phương, còn con rồng trong dân gian gắn với vũ trụ, với những ước vọng của người dân nên chỉ có từ 4 móng trở xuống... Hệ tư tưởng phong kiến thống trị có ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật chạm khắc, nhưng khi ảnh hưởng của nó đã suy giảm thì nghệ thuật dân gian lại nở rộ. Khác với các loại hình nghệ thuật khác như dân ca, tục ngữ ca dao được thể hiện bằng lời nói, chạm khắc dân gian không thể hiện qua lời nói mà được thể hiện ở những hình chạm hoa văn về những biểu hiện của tự nhiên, của cuộc sống và những sinh hoạt thường ngày của người dân được thể hiện một cách rõ nét. Ta có thể nhận thấy nghệ thuật chạm khắc dân gian có một lịch sử phát triển khá phong phú với những hình tượng độc đáo về thiên nhiên, về con người Việt Nam từng thời kỳ dưới dạng thần linh hay con người thế tục.

Từ thời sơ sử đến thời Lý-Trần, Mạc, Nguyễn... mỗi thời kỳ đó, họa tiết chạm khắc lại mang một phong cách đặc trưng riêng. Thời kỳ này người ta không đặt ra quan niệm rành mạch thế nào là nghệ thuật dân gian. Vào thời tiền sử, các hoa văn được trang trí trên đồ gốm rất đơn giản dưới dạng hoa văn dập, hoa văn dấu nan đan, hoa văn khắc vạch hình đường thẳng, hình sóng, hoa văn ấn nép vỏ sò... Các hoa văn này biểu tượng cho sức mạnh, quyền lực và thể hiện những khao khát ước mơ của người dân thời ấy.

Đến thời Đông Sơn, người Việt cổ tập trung vào trang trí hoa văn trên đồ đồng mà tiêu biểu là trên trống đồng. Với những họa tiết hoa văn phong phú và đa dạng hơn rất nhiều so với thời tiền sử. Hoa văn trong thời kỳ này được chia thành hoa văn hiện thực và hoa văn hình học. Hoa văn hiện thực có thể kể đến như hoa văn tả người, động vật hay thực vật là mảng hoa văn chủ đề mà người xưa muốn gửi gắm vào đó những suy nghĩ, tâm tư, ước nguyện của mình về cuộc sống ấm no hạnh phúc. Còn hoa văn hình học chỉ mang tính chất trang trí, làm nền cho hoa văn hiện thực. Nhưng chính nhờ đó mà khối hoa văn hiện thực trở nên nổi nét hơn, đặc sắc hơn.

Cùng với thời gian, nhiều biểu tượng hoa văn đã mất đi, nhưng cũng nhiều biểu tượng vẫn còn được lưu lại trong nền mỹ thuật tạo hình thời đại sau.

Sang đến thời Lý-Trần từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14 là thời kỳ Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa thịnh hành, nên nghệ thuật chạm khắc dân gian đa phần là những đề tài phục vụ cho tôn giáo và thờ thần nông nghiệp như: rồng chầu lá đề, một biểu tượng của nhà Phật, tiên nữ dâng hương, hoa cúc, hoa sen tượng trưng cho ý nghĩa nhân quả của Phật pháp... Ở thời kỳ này, những họa tiết hoa văn xuất hiện trên rất nhiều chất liệu như gốm, đá, gỗ nhưng tiêu biểu cho thời kỳ này là tác phẩm chạm khắc trên bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần ở chùa Thầy, chùa Bối Khê, chùa Dương Liễu. Bệ đá cao khoảng 1 mét, chiều ngang 2,5 mét, rộng 1,5 mét, được chia 5 phần và chạm khắc theo những đề tài khác nhau như: rồng chầu lá đề, hoa sen, chim thần, con dê, hoa cúc, cây cỏ, hình sóng nước... người nghệ sỹ xưa đã biết tìm tòi, sáng tạo, những đường nét tuy đơn giản nhưng sống động, hấp dẫn. Họ đã gửi gắm vào trong đó bao tâm huyết, ước nguyện từ cuộc sống hàng ngày, về cách sống và đạo lý làm người. Mỹ thuật thời Lý - Trần có mối quan hệ chặt chẽ với dân tộc, gần gũi với dân gian, đường nét dứt khoát, hình khối mạnh chắc thể hiện phong cách chạm khắc độc đáo, riêng biệt mà không thể nhầm lẫn với bất kỳ phong cách chạm khắc của thời kỳ nào.

Nhà Mạc thay nhà Lê, chấm dứt thời hoàng kim của ý thức hệ Nho giáo. Con người được tự do hơn, mọi xu hướng mỹ thuật dân gian trước kia được phát triển mạnh mẽ. Những nét kế thừa mỹ thuật thời Trần còn in đậm trên các trang trí kiến trúc chùa Cói, đình Tây Đằng... với những hình rồng, hoa lá, hình sóng, hình bông hoa sen được chạm điêu luyện, và điều đáng chú ý là những vân ốc lớn như đứng trung tâm cả mảng trang trí. Vào thời kỳ này, trên kiến trúc đình làng, chùa làng xuất hiện nhiều chạm khắc dân gian rất đặc sắc. Tiêu biểu cho trang trí trên kiến trúc là đình Tây Đằng. Nét độc đáo ở đình Tây Đằng là những bức chạm khắc trong các cấu kiện kiến trúc với những đề tài về thiên nhiên, hoa cỏ và đặc biệt là mảng đề tài thiên về hoạt động của con người ở làng xã Việt Nam thế kỷ 16 như: cảnh thầy đồ dạy học, mẹ gánh con, lễ hội, bơi thuyền, uống rượu... tất cả đều tự nhiên, mộc mạc bộc lộ cá tính của tác giả và mang đậm tính chất dân tộc.

Vào thế kỷ 16, nghề buôn bán trên biển tương đối phát triển và tượng Phật Quan Âm Nam Hải như một yêu cầu của nghề sông nước để cầu cho các thương thuyền ở phương Nam được thuận buồm xuôi gió. Tượng phật Quan Âm Nam Hải ngồi trên đài sen được chạm khắc tinh xảo, sống động. Đài sen gồm 4 tầng cánh sen xếp kên nhau, các cánh sen đều múp phồng và được trang trí hoa văn. Dưới nữa là thân bệ gồm 3 tầng với những hoa văn chạm nổi hình rồng, hình hổ phù và hình hoa lá, sóng nước với những nét chạm phóng khoáng, tự do mang cá tính, phong cách cá nhân chìm lẫn trong các hình tượng thần Phật và được duy dưỡng bởi cộng đồng làng xã Việt Nam.

Có thể nói mỹ thuật dân gian khoảng cuối thế kỷ 17 mới phát triển, thời kỳ này đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng đã tan về làng xã và đây là giai đoạn điêu khắc tượng tròn phát triển khá mạnh mẽ. Vào thế kỷ 17, 18 chạm khắc dân gian phát triển khá mạnh và phổ biến với những chất liệu như gỗ, đá, đồng... Một loại hoa văn hầu như không thể thiếu vắng trên các bia đá thời kỳ này là hình hoa dây kiểu tay mướp leo. Ngoài ra còn có những hình hoa lá, cây cỏ, chim muông... tạo nên không khí sinh động và vui nhộn. Bên cạnh chạm khắc trên đá, chạm khắc trên gỗ có phần đa dạng hơn. Hình trang trí trong thời kỳ này rất vui nhộn với nhiều loại thú như hổ, voi, ngựa, rồng... chơi tung tăng, đùa nghịch. Những hình tượng rồng, phượng, hoa lá, đặc biệt là chim thú, con người được thẩm mỹ dân gian chấp nhận để trở thành mẫu mực trang trí.

Với sự phát triển mạnh mẽ thẩm mỹ dân gian, những hình chạm thế kỷ 17, 18 đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Khi mà phép vua không hạn chế được lệ làng, giai

cấp thống trị cũng cảm thấy bấp bênh và tìm đến Phật giáo, Đạo giáo. Điều đó đã tạo điều kiện cho mỹ thuật phát triển trên nhiều dạng di tích khác nhau như đình, chùa, đền, miếu... Vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, song hành giữa chạm khắc dân gian là chạm khắc chính thống. Thời kỳ này, chạm khắc trang trí trên kiến trúc đình làng, chùa làng dường như chững lại ở những hoa văn hình rồng, ngựa, rùa, hoa sen, hoa cúc... Khác với trang trí trên kiến trúc, ở thời Nguyễn, các phù điêu độc lập và đồ ứng dụng được phát triển rộng rãi. Như phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân tại đình Bình Đà, Thanh Oai, Hà Tây, với nội dung ca ngợi và ghi nhớ công đức của Người. Hay bức phù điêu Thập điện Diêm Vương tại chùa Huyền Kỳ, Thanh Oai, Hà Tây, mang ý nghĩa dăn dạy người đời phải sống nhân hậu hơn và cư xử với nhau tốt hơn. Cũng trong thời Nguyễn, chạm khắc trên các đồ ứng dụng bày biện trong đình, chùa, đền như hương án, bát bửu, hoành phi câu đối, kiệu, ngai... phát tiển rất mạnh. Họa tiết hoa văn trang trí trên các đồ ứng dụng chủ yếu là hình hoa lá, cây cỏ và đặc biệt trang trí với hình tượng con vật được các nghệ nhân thực sự quan tâm. Nếu họa tiết hoa lá, cây cỏ chỉ bao gồm hình sóng nước, hình hoa sen, hoa cúc thì hình tượng các con vật lại rất đa dạng như: con rồng, nghê, phượng, voi... Mỗi hình tượng, đường nét chạm khắc được thể hiện tinh xảo, sâu sắc mang đậm phong cách dân gian đặc trưng của thời kỳ nhà Nguyễn.

Hoa văn cây cỏ là đề tài xuyên suốt trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Sự hỗ trợ của cây cỏ đã làm cho ngôi đền, ngôi chùa, ngôi đình cổ trở nên ấm áp hơn, linh thiêng hơn. Cây cỏ trong tạo hình của thời nào cũng vậy, nó phản ánh đúng tư tưởng, tình cảm của người đương thời, phản ánh những mơ ước cháy bỏng về một cuộc sống yên bình, no đủ.

Những con vật trong chạm khắc dân gian chủ yếu là linh vật, còn được gọi là những con vật trong vũ trụ như rồng, phượng, lân, nghê... Người đời đã gán cho chúng những khả năng siêu phàm có thể chi phối đến cuộc sống nhân thế ở những mức độ khác nhau. Linh vật không mang hình tượng nhân cách nhưng lại hội tụ những chức năng cụ thể nhằm tất cả vì con người, vì mối quan hệ nhân sinh, vũ trụ. Nối tiếp hình tượng con người từ thời kỳ đồ đồng, các thời kỳ tiếp theo đề tài này luôn được người Việt quan tâm để có một vị trí xứng đáng.

Đề tài con người

Trong trang trí, tính chất dân dã thể hiện qua đề tài con người là sâu đậm nhất. Hầu như trong bất kể hình thức nào tính chất đó cũng được bộc lộ rõ ràng. Và khi đi vào cuộc sống thường nhật như: cảnh đánh cờ, chèo thuyền, đấu vật, ôm gà... tất cả đều nói lên một giá trị điêu khắc rõ rệt với các khối được diễn tả căng no đủ trong một hình thức đơn giản, khái quát cao, thể hiện tinh thần vui chơi, hồn hậu của truyền thống dân tộc.

Hình tượng Rồng

Với con người và văn hóa Việt Nam, từ xa xưa đến tận bây giờ và lâu dài nữa, hình tượng Rồng là biểu tượng linh thiêng kết tinh khí phách quật khởi và khát vọng hùng cường của núi sông xứ sở, của dòng giống Lạc Hồng… Rồng là hóa thân của sức mạnh siêu nhiên, thiêng liêng, huyền bí, được tôn thờ với cả lòng biết ơn, cầu mong lẫn nỗi sợ hãi, trong tâm thức cư dân lúa nước Việt cổ, ngay từ khi vừa đốt rẫy làm nương trên các triền đồi trung du.

Và thế là tư duy hình tượng của tổ tiên chúng ta vốn đã bay bổng cùng biết bao là hình vẽ sóng nước, cỏ cây, chim thú, đua thuyền, tấu nhạc, hát múa, cả hình “giao long” có thật là cặp đôi cá sấu giao hoan trên thạp đồng Đào Thịnh… đã hình dung ra, phác họa nên hình tượng Rồng riêng cho xứ sở, một loài thiêng vốn vẫy vùng trong sông nước mà có quyền năng biến hóa giữa không trung làm ra sấm chớp mây mưa bão tố. Và một khi hình tượng rồng của mây mưa, lúa nước xuất hiện, thì thế giới tâm linh, tinh thần và thẩm mĩ của dân Lạc Việt mở ra cả một vũ

trụ mênh mông cho rồng bay lượn cùng tư duy sáng tạo Lạc Việt, mang theo đến vô cùng khát vọng của con người về mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân cư sinh sôi đông đúc, sống bình an không tai ương bão lũ, thủy quái, tà ma…

Còn như trong kinh nghiệm sinh sống dân gian, thì trong nghìn năm chống chọi đồng hóa văn hóa ấy, dân Lạc Việt đã chiêm nghiệm thấy, mà thấy hiển nhiên cả hình bóng lẫn sức mạnh siêu nhiên của rồng, khi “Người” ẩn trong đám mây giông thả cái vòi rồng xuống trần gian hút nước, và lập tức ào ào xối xả cơn lốc tố gió xoáy mưa trút ghê người. Dân gian truyền tụng rằng có khi rồng tuôn cả một cơn mưa tôm cá rong rêu, có khi thóc lúa ngô khoai bầu bí, lại có khi rồng ghé thăm dinh quan lớn nào đấy, hốt sạch châu báu bạc tiền đem vãi xuống làm mưa cứu đói cho dân làng xã…

Sự thể bắt đầu khi trong tâm tưởng nhà Thiền học, nhà chính trị mở đầu Thái tổ Lý Công Uẩn, bay lên bóng Rồng Lạc Việt khi mũi thuyền dời đô của người chạm đất Đại La, vào ngày thu tròn nghìn năm trước, và thế là kinh đô mang tên mới Thăng Long.

Rồng Lý tuyệt mĩ về tạo hình và nhân văn thuần khiết do phản chiếu chân thực hình bóng rồng vừa dân dã, vừa thiêng và gần gũi thuần phác, trong tâm linh dòng giống Lạc Hồng, toàn dân Đại Việt, mà chưa bị vương quyền biến cải hay bóp méo khi độc chiếm nhằm thiêng hóa quyền uy và trang trí cho đẳng cấp xa hoa quyền quý. Rồng Lý tích hợp nhiều đặc sắc riêng có của Đại Việt, những đặc sắc ấy trở thành qui cách cơ bản để tạo hình Rồng trong các thế kỷ nhà Lý - đầu nhà Trần. Rồng Lý thân tròn dài mềm mại, uốn hình sin 12 khúc tượng trưng 12 tháng trong năm, tạo dáng uyển chuyển, biến hóa, bay. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch, đều đặn. Đầu có bờm dài, râu cằm, không sừng. Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh ngắt lên. Đặc biệt là cái mào ở mũi, lượn sóng đều đặn chứ không giống mũi thú như rồng nơi khác. Lưỡi mảnh rất dài. Miệng luôn ngậm viên châu mà không cầm ngọc bằng chân trước như rồng xứ Bắc.

Từ nửa sau đời Trần, nhất là ở thời Lê, khi vua chúa thâu tóm quyền năng tối thượng trên cả thần linh, vua có quyền ban mĩ tự và tước vị cho cả thành hoàng... thì hình rồng ngày càng xa tâm thức dân gian, bị tước đoạt để làm biểu tượng của quyền uy. Rồng nửa cuối Trần thân đậm đạp, trông bệ vệ, không còn mềm mại lượn bay; mào lửa ngắn lại, mọc thêm cặp sừng và đôi tay... Rồng Lê đầu to, bờm lớn ngược ra sau, chiếc mũi to thay thế mào lửa. Thân trông nặng nề bởi chỉ còn lượn hai khúc lớn. Chân mọc năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn.

Nhưng rồi triều Nguyễn áp đặt nền chuyên chế hà khắc, nên rồng nhà Nguyễn đại thể hao hao rồng nhà Lê, nhấn nhá thêm để phô phang hết mức quyền uy. Đầu to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Râu uốn sóng từ dưới mắt vểnh ra hai bên. Rồng thường bốn móng, nhưng dùng cho vua thì phải năm móng…

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG NGHIÊN CỨU VỐN CỔ DÂN TỘC (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM MỸ THUẬT) (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w