Giàu tính nhân bản

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG NGHIÊN CỨU VỐN CỔ DÂN TỘC (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM MỸ THUẬT) (Trang 32)

Phù điêu trang trí đình làng đồng bằng Bắc Bộ là bài ca về cuộc sống và con người. Tính trữ tình và biểu cảm tràn ngập trong các bức chạm khắc. Người nông dân Bắc Bộ sống hoà hợp với thiên nhiên, muông thú. Các môtíp cây-hoa-lá rất nhiều và luôn quấn quýt xung quanh nhân vật. Những cảnh sinh hoạt được phản ánh rất bình dị như: mẹ cho con bú, gánh con, chăn lợn, cày ruộng, dắt ngựa, uống rượu, chọi gà, đánh vật, làm xiếc, hội làng... Nguyễn Đỗ Cung đã nhận định: “Cảnh vật tự nhiên mộc mạc, cuộc sống và những cuộc đấu tranh hàng ngày liền được biểu hiện với những hình thức giản dị, trực tiếp, vật và người trong đời sống bình thường được thể hiện trong nghệ thuật, lấn át những con vật thần thoại và những nhân vật có tính ước lệ cao”.

Chủ yếu là những đề tài ca ngợi tình cảm đằm thắm của con người với con người, con người với thiên nhiên, muông thú, như: cảnh trai gái vui đùa, tắm đầm sen, đấu vật... Không chỉ tình cảm của con người mà tình cảm của con vật cũng được biểu hiện sinh động mạnh mẽ như bức chạm “rồng ổ” ở rất nhiều đình làng, cảnh đàn khỉ đang ôm ấp đùa nghịch nhau (đình Hương Lộc, Nam Định)... Trong các tác phẩm điêu khắc đình làng cũng không có những nhân vật hung ác. Con rồng là linh vật thiêng liêng, qua bàn tay tạo tác của người nghệ nhân cũng trở nên quen thuộc. Cô tiên trong đồ án trang trí thần thoại như: tiên-hạc, tiên-rồng, tiên múa, tiên đánh đàn... trông rất bình dị, hiền lành như những cô thôn nữ ở làng.

Đặc biệt, hình tượng người phụ nữ được thể hiện khá phong phú. Nếu tư tưởng Nho giáo coi phụ nữ là “phụ nhân nan hóa”, “thập nữ viết vô”; phong bế dục vọng, nam nữ “thụ thụ bất thân”... thì trong điêu khắc đình làng các người nghệ sĩ nông dân công khai bộc lộ dục vọng, lạc thú của con người, miêu tả một cách hiện thực cảnh trai gái tình tự, giao hoan, cảnh phụ nữ khỏa thân, tắm đầm sen... như ở đình Đông Viên (Ba Vì), đình Đại Phùng (Hoài Đức), đình Phù Lão (Lạng Giang, Bắc Giang)... Có thể nói, đề tài của điêu khắc trang trí đình làng đã hướng về con người, thể hiện những nhu cầu sống, những khát vọng, ước mơ về một cuộc sống no đủ, lạc thú, hạnh phúc và thanh bình của những người nông dân chất phác mộc mạc, yêu đời.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG NGHIÊN CỨU VỐN CỔ DÂN TỘC (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM MỸ THUẬT) (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w