Kết hợp huyền thoại và hiện thực, trang trí và tả thực

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG NGHIÊN CỨU VỐN CỔ DÂN TỘC (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM MỸ THUẬT) (Trang 27 - 28)

Trong chạm khắc trang trí người nghệ nhân xưa đã kết hợp hai yếu tố của cõi huyền và cõi thực thông qua thủ pháp kết hợp trang trí và tả thực vào trong một bố cục, tạo nên đặc trưng

độc đáo của điêu khắc đình làng. Ngay từ những chạm khắc của những ngôi đình từ thế kỷ XVI đã thể hiện rõ tư duy này. Hai cô tiên có cánh, tay cầm hoa sen đứng (hay là bay) hai bên, ở giữa có hai người cầm quạt ngồi; những vân xoắn lớn đầy chất trang trí như những đám mây thiêng, trùm phía trên, phía dưới có người mẹ gánh hai đứa con dường như đang vội vã đi chợ; voi lồng, voi cày trong nền cảnh đầy chất trang trí huyền thoại với những họa tiết vân xoắn lớn (đình Tây Đằng). Hai người đánh vật được tạc rất mộc mạc, sinh động ở giữa, hai bên có hai rồng chầu hai bên (đình Phù Lưu)... Đặc biệt ở ngôi đình cổ nhất Việt Nam vừa mới phát hiện gần đây, đình Thụy Phiêu (Hà Tây) được dựng năm 1531, trên cột của gian gác thờ, được làm bổ sung vào thế kỷ XVII, có chạm trổ hình rồng với đường nét chạm khắc mang tính nghiêm nhặt, nhưng ở đuôi rồng phía trên người nghệ nhân tạc một con lợn béo, khối thô mộc. Cột bên cạnh phía dưới, một con thạch sùng dường như đang vờn với con rồng. Con rồng tâm linh và con lợn, con thạch sùng hiện thực. Đó là hai thế giới đối lập nhau và ở đó còn chứa đựng một nụ cười về thế sự, nhân sinh.

Sang thế kỷ XVII, khuynh hướng này ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngôi đình. ở đình Chu Quyến hoạt cảnh uống rượu, đánh cờ, đánh vật trên nền cảnh những con rồng vây quanh. Chạm khắc đình Giang Xá có hoạt cảnh một người ngồi bó gối, sau vai có hai con rồng quấn phía sau. Rồi giữa hoạt cảnh của nhiều hoạt động như đi săn (có hai người gánh một con thú săn được), phía sau có một con chó săn, cảnh hái củi, dắt ngựa... có con rồng huyền thoại bình thản hoà mình vào khung cảnh của đời sống hiện thực (đình Hương Canh, Vĩnh Phúc).

Thế kỷ XVIII thủ pháp này được sử dụng hạn chế dần, ở đình Dư Hàng (Hải Phòng) có một bức chạm đầu rồng, dưới ngay miệng rồng có một con chó quay đầu lại nhìn vào mặt rồng. Dường như người nghệ sỹ nông dân trong khi sáng tạo đồng thời sống trong cõi thực và cõi mơ.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn nhận định: “Xem trong nghệ thuật cổ truyền dân tộc, thì rõ ràng chính cái vốn về chạm trổ lại giàu có, độc đáo còn hơn cả vốn hội họa về những đức tính tạo hình rất sáng tạo của người xưa, đã kết hợp nhuần nhuyễn tài tình hai tính chất tưởng như không đi được với nhau: tính hiện thực với tính trang trí”.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG NGHIÊN CỨU VỐN CỔ DÂN TỘC (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM MỸ THUẬT) (Trang 27 - 28)