Về thành phần loài

Một phần của tài liệu diễn biến đa dạng sinh học lưỡng cư bò sát tại khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn cần giờ (Trang 27 - 28)

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.3.1. Về thành phần loài

Sự biến đổi về thành phần loài bao gồm những loài được bổ sung vào và những loài bị mất đi so với trước đây (1997).

- Các loài bổ sung vào khu hệ: Đã bổ sung được 9 loài (bao gồm 2 loài ếch nhái, 2 loài thằn lằn và 5 loài rắn) vào khu hệ Lưỡng cư – Bò sát khu vực Cần Giờ. Đây là những loài rất phổ biến, có phân bố rộng ở nước ta. Cần Giờ là khu vực có rừng được bảo vệ, có nhiều dạng sinh cảnh khác nhau cho các loài cư trú. Phía Tây Bắc là Thành phố Hồ Chí Minh, là khu vực đã chịu ảnh hưởng nhiều từ các hoạt động của con người; phía Đông Nam giáp biển Đông; phía Tây ngăn cách với tỉnh Long An bởi sông Soài Rạp; phía Bắc và Đông ngăn cách tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu bởi sông Đồng Tranh và sông Thị Vải. Như vậy khu vực Cần Giờđã được cách li và bao quanh là những khu vực ít thích hợp hơn hoặc không thích hợp cho các loài trên phân bố. Do đó có thể cho rằng 9 loài trên là những loài sẵn có ở khu vực nghiên cứu, không phải từ nơi khác di chuyển đến. Điều này có nghĩa là nguyên nhân các loài bổ sung vào khu hệ là do kết quả khảo sát của chúng tôi chi tiết hơn. 9 loài này đã hiện diện trước đó (1997) ở khu vực nghiên cứu nhưng chưa được ghi nhận. Điều này là thường thấy khi nghiên cứu về khu hệđộng vật: khảo sát càng nhiều đợt thì số loài ghi nhận sẽ càng tăng, sau đó mới đến mức tối đa về số loài.

- Các loài bị mất đi: Đây là dấu hiệu về sự suy giảm đa dạng sinh học ở khu vực nghiên cứu.

22

1. Rắn ri cóc Acrochordus javanicus: Loài này dần biến mất khỏi các thủy vực thiên nhiên ở Nam bộ, không chỉ riêng ở Cần Giờ, là điều dễ nhận thấy trong những năm gần đây. Vào những năm 1970, đây được xem là một loài rất phổ biến ở các vùng cửa sông Nam Bộ, đặc biệt là các vùng kênh rạch, các cửa sông thuộc sông Cửu Long (Campden-Main, 1970). Năm 1997, Hoàng Đức Đạt và nnk đã ghi nhận loài này ở Cần Giờ qua quan sát và đánh giá ở mức độ ít gặp [6]. Qua khảo sát thực địa từ 2006- 2007-2008, kết hợp với phỏng vấn cán bộ kiểm lâm, dân địa phương và các cơ sở thu mua rắn ở Cần Giờ, chúng tôi không ghi nhận được thông tin gì về loài này trong gần 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân loài này bị biến mất là do môi trường sống của chúng bị thu hẹp và ô nhiễm do những hoạt động của con người. Đây là loài rắn sống hoàn toàn trong nước [5]. Do đó rất nhạy cảm với những thay đổi từ môi trường. Thêm vào đó, chúng cũng bị khai thác để làm thực phẩm, nuôi cảnh (như nuôi trong công viên Đầm Sen) nên số lượng hiếm dần ngoài thiên nhiên.

2. Cá sấu hoa cà Crocodylus porosus: Đây là loài bò sát rất có giá trị kinh tế nên bị săn bắn để lấy thịt và da. Từ đó làm cho số lượng cá thể ngoài thiên nhiên bị giảm sút nghiêm trọng. Theo Hoàng Đức Đạt và nnk (1997), con cá sấu hoa cà cuối cùng được biết đến ở Cần Giờ bị bắn chết vào năm 1987. Đến thời điểm 1997, các tác giả này cũng không ghi nhận được thông tin gì khác về loài cá sấu này [6]. Lê Đức Tuấn và nnk (2002) cũng xác nhận loài này cũng được xác nhận không còn thấy xuất hiện trong tự nhiên [10]. Kết quả khảo sát và phỏng vấn của chúng tôi cũng xác nhận không có thông tin gì về loài cá sấu hoa cà tồn tại ngoài thiên nhiên ở Cần Giờ. Do vậy nguyên nhân cá sấu hoa cà không còn xuất hiện ở Cần Giờ một phần do chịu ảnh hưởng của các hoạt động của con người từ nhiều năm trước.

3. Rắn đai lớn Cyclophiops major: Loài này được đưa ra khỏi danh lục các loài Lưỡng cư – Bò sát ở Cần Giờ vì xác nhận chúng không phân bốở rừng ngập mặn phía Nam. Theo Nguyễn Văn Sáng và nnk (2005), Uetz P. et al. (2007), loài rắn này ở nước ta chỉ phân bốở phía Bắc (Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc và Hà Tây), trên thế giới chúng phân bố ở Trung Quốc, Lào và Mianma [9], [11].. Campden-Main (1970) cũng không ghi nhận loài này trong nghiên cứu của mình về các loài rắn ở phía Nam [5]. Loài này cũng không được thu mẫu vào năm 1997 ở Cần Giờ [6]. Có lẽ việc ghi nhận loài này ở Cần Giờ năm 1997 là một sự nhầm lẫn.

Như vậy trong biến đổi về thành phần loài Lưỡng cư – Bò sát ở Cần Giờđáng chú ý là sự biến mất của hai loài Rắn ri cóc (Acrochordus javanicus) và Cá sấu hoa cà (Crocodylus porosus) do các hoạt động của con người gây nên.

Một phần của tài liệu diễn biến đa dạng sinh học lưỡng cư bò sát tại khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn cần giờ (Trang 27 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(52 trang)