Bài toán đặt ra ở đây giải quyết nguyên nhân cốt lõi là việc chuyển đổi giữa các ca, lô sản xuất cũng như là các loại sản phẩm tốn nhiều thời gian và tỉ lệ sản phẩm hỏng cao. Vậy để giải quyết bài toán này cần phải hạn chế sự chuyển đổi sản xuất giữa các lô (sản xuất với số lượng lớn và ổn định), không thay đổi sản xuất liên tục xen kẻ giữa các loại tã giấy với nhau. Công ty đang sản xuất để tồn kho và sau đó sẽ đáp ứng đơn đặt hàng khi có yêu cầu, do đó sản xuất với một lượng như thế nào để hạn chế chi phí quá lớn cho tồn kho cũng như sản lượng sản xuất cần được giải quyết đồng bộ.
Ví dụ như cứ hàng tháng chúng ta phải sản xuất đồng thời 3 loại tã là BINO, BINBIN, KYHOPE thì việc phân bổ sản xuất như thế nào cho phù hợp với số lượng tồn kho còn và đáp ứng kịp thời đơn hàng. Cụ thể nếu cuối tháng trước chúng ta đang sản xuất lô BINBIN thì đầu tháng này chúng ta nên tiếp tục sản xuất lô BINBIN và chỉ thay đổi cở size. Như vậy quy trình sản xuất sẽ được liên tục hơn là chúng ta phải sản xuất loại tã giấy khác và tốn thời gian canh chỉnh khoảng 24 giờ so với 2 giờ như khi thay Size. Sau đó chúng ta sẽ tiếp tục sản xuất loại sản phẩm khác dựa trên khả năng tiêu thụ của sản phẩm này. Và tất nhiên là loại sản phẩm sản xuất cuối cùng của tháng nên được tiếp tục sản xuất vào tháng tiếp theo. Thực sự thì không cần phải cứng nhắc theo một sự thay đổi sản phẩm để sản xuất, tuy nhiên điểm cốt lõi của giải pháp này là hạn chế sự sản xuất xen kẻ giữa các loại sản phẩm như số liệu thống kê của 4 tháng qua. Chính điều này làm cho tỉ lệ sản phẩm không phù hợp luôn ở mức cao.
Chương 5: Xây dựng giải pháp
Khi nhóm đem ý tưởng về giải pháp này để trao đổi với cấp quản lý trực tiếp, về bản chất, họ cũng đã nghĩ đến điều này tuy nhiên có một vài lý do dẫn đến việc họ vẫn sản xuất theo lối xen kẻ giữa các lô. Sản phẩm tã giấy BINO dùng cho phân khúc của những người thu nhập khá và dùng để xuất khẩu. Bên cạnh việc đơn hàng được đặt vào đầu mỗi tháng thì sẽ thường xuyên có những đơn hàng bất ngờ và với số lượng không nhiều do vậy công ty cố gắng sản xuất vì dù sao cũng bán được liền và không phải tồn kho, song song với đó còn có thể giữ chân được khách hàng này. Do vậy sẽ nảy sinh lý do thứ 2 là họ chưa định lượng được mức độ lãng phí của sản phẩm không phù hợp tạo ra so với việc doanh thu từ việc bán các lô hàng nhỏ này khi sản xuất xen kẻ.
Để giải quyết những vướng mắc trên công ty cần có một kế hoạch sản xuất hàng tháng cụ thể và linh động. Nếu nhìn vào số liệu thống kê tỉ lệ sản phẩm không phù hợp 4 tháng qua của tã giấy BINO sẽ dễ dàng nhận ra khi sản xuất với mức độ ổn định và xuyên suốt (Lô 035 -> 036 -> 037; Lô 060 ->061 ->062), tỉ lệ sản phẩm hỏng luôn giảm. Do vậy nếu đơn hàng đặt vào đầu mỗi tháng bao gồm nhiều lô tã BINO, tã BINBIN và KYHOPE thì công ty nên lên hoạch sản xuất liên tục cho các lô BINO sau đó sẽ tiếp tục sản xuất tã BINBIN hoặc KYHOPE tùy vào lượng sản phẩm còn trong kho và mức độ yêu cầu về đáp ứng đơn hàng. Còn nếu những đơn hàng đặt bất ngờ và cần gấp mà trong kho không thể đáp ứng thì chỉ nên sản xuất xen kẻ khi máy đang chạy là sản phẩm BINBIN hoặc BINO thì có thể chuyển đổi cho nhau nhưng nếu dây chuyền đang chạy là tã KYHOPE thì khả năng phức tạp khi chuyển đổi là cao thì cần nên cân nhắc xem xét của bộ phận quản lý.