Tính đa dạng và cấu trúc di truyền của các quần thể được khảo sát

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tính đa dạng di truyền của quần thể Thông đỏ (Taxus wallichiana Zucc.) tại Lâm Đồng bằng kỹ thuật sinh học phân tử (Trang 46 - 47)

3. KẾT QUẢ & BÀN LUẬN

3.1.4 Tính đa dạng và cấu trúc di truyền của các quần thể được khảo sát

Các mẫu khảo sát được thu thập ở 6 địa điểm khác nhau được xem là từ 6 quần thể khác nhau. Thuật ngữ “quần thể” ở đây không mang ý nghĩa là quần thể sinh học mà đơn thuần chỉ là những địa điểm khác nhau nơi các mẫu được thu thập.

Trong số 6 quần thể khảo sát thì 3 quần thể chỉ thu duy nhất 1 cá thể, đó là NT (Vimedimex), XT (Xuân Trường) và TQ (Hòa Bình). Với 3 quần thể còn lại thì quần thể có số mẫu nhiều nhất là Núi Voi với 36 mẫu (NV1 – NV36), kế đến là Hồ Tiên với 8 mẫu (HT1 – HT8) và còn lại là Bidoup với 3 mẫu BD1, BD2, BD3. Hệ số đa dạng di truyền (Nei’s index) của quần thể (Hs) và của toàn bộ mẫu khảo sát (Ht) được tính cho từng mồi. Các hệ số này sau đó được sử dụng để tính mức độ biến động di truyền trong quần thể (Hs/Ht) và mức độ khác biệt về di truyền giữa các quần thể (Gst).

Bảng 3.3: Các hệ số đa dạng di truyền dựa trên phân tích Nei về sự đa hình trong

và giữa các quần thể thông đỏ. Mồi Ht Hs Hs/Ht Gst Nm OPX-04 0.3176 ± 0.0292 0.1298 ± 0.0038 0.4087 0.5914 0.3454 OPC-06 0.3692 ± 0.0253 0.1757 ± 0.0046 0.4759 0.5240 0.4543 OPA-07 0.2592 ± 0.0258 0.0797 ± 0.0045 0.3075 0.6925 0.2220 OPA-12 0.2583 ± 0.0292 0.1108 ± 0.0061 0.4290 0.5711 0.3756 OPP-04 0.1824 ± 0.0288 0.0884 ± 0.0028 0.4846 0.5155 0.4700 OPN-09 0.3817 ± 0.0172 0.1596 ± 0.0024 0.4181 0.5820 0.3591 OPX-14 0.2863 ± 0.0416 0.1205 ± 0.0053 0.4209 0.5789 0.3637 OPX-15 0.2931 ± 0.0426 0.1133 ± 0.0053 0.3866 0.6135 0.3150 Trung bình 0.2930 ± 0.0300 0.1207 ± 0.0048 0.4119 0.5881 0.3500

Chú thích: Trung bình hệ số di của quần thể (Hs) và của tổng thể mẫu khảo sát (Ht)

theo từng mồi, độ khác biệt di truyền giữa các quần thể (Gst) và hệ số dòng chảy

Kết quả Bảng 3.3 cho thấy hệ số đa dạng di truyền tổng thể tính được là 0.2930 (±0.0300), dao động trong khoảng 0.1824 (OPP-04) đến 0.3817 (OPN-09) giữa các mồi. Hệ số đa dạng di truyền tính theo quần thể là 0.1207 (±0.0048), dao động trong khoảng 0.0797 (OPA-07) đến 0.1757 (OPC-06) giữa các mồi.

Biến động di truyền bên trong quần thể tính được là Hs/Ht = 41.99%, dao động trong khoảng từ 30.75% (OPA-07) đến 48.46% (OPP-04) giữa các mồi. Trong khi đó, mức độ khác biệt di truyền giữa các quần thể là Gst = 58.81%, dao động trong khoảng từ 51.55% (OPP-04) đến 69.25% (OPA-07) giữa các mồi. Hệ số dòng chảy gen trung bình cho toàn bộ mẫu trên 8 mồi là 0.3500, dao động trong khoảng từ 0.2220 (OPA-07) đến 0.4700 (OPP-04) giữa các mồi.

Với Gst > Hs/Ht, sự đa dạng di truyền tính được giữa các quần thể thông đỏ Lâm Đồng lớn hơn sự đa dạng di truyền bên trong mỗi quần thể. Và đó chính là cấu trúc đa dạng di truyền của thông đỏ Lâm Đồng.

Mức độ khác biệt di truyền giữa các quần thể T. wallichiana Lâm Đồng tính được là khá cao so với các loài cây giao phối cùng giống khác (Gst=0.22 hay 22%) và cao hơn so với các cây hạt trần khác (Gst=0.18 hay 18%) [58]. Mức khác biệt cao về mặt di truyền giữa các quần thể T. wallichiana này là bất thường so với các loài thân gỗ lâu năm, giao phối cùng giống, thụ phấn nhờ gió, và hạt được phân phối nhờ động vật có xương sống [36]. Tuy nhiên, điều này có thể được giải thích là do sự giới hạn của dòng chảy gen. Các quần thể thông đỏ Lâm Đồng phân bố không tập trung và phân tán rải rác trong các rừng nguyên sinh, nơi tốc độ và mức độ thổi của các cơn gió thấp. Từ đó dẫn đến khả năng phân tán hạt phấn thấp. Hệ số dòng chảy gen do đó cũng thấp [63]. Trong nghiên cứu này, hệ số dòng chảy gen tính được là Nm= 0.35. Điều này phù hợp với giả thiết bên trên và cho thấy phạm vi phân tán hạt phấn Taxus nhờ gió là không xa.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tính đa dạng di truyền của quần thể Thông đỏ (Taxus wallichiana Zucc.) tại Lâm Đồng bằng kỹ thuật sinh học phân tử (Trang 46 - 47)