Nếu như trong các chương trình phát thanh thu sẵn, thính giả nghe chương trình một cách thụ động, thì khi thực hiện phát thanh trực tiếp thính giả nghe chương trình một cách chủ động hơn. Tính chủ động được thể hiện ở chỗ: Người làm chương trình có thể đáp ứng yêu cầu tức thì của người nghe. Với các phương tiện kỹ thuật đơn giản là điện thoại, dù ở bất cứ đâu người nghe có thể gọi điện tới phòng phát thanh trực tiếp, yêu cầu người đang thực hiện chương trình đáp ứng nhu cầu của mình. Chính điều này tạo ra luồng thông tin hai chiều giúp người làm chương trình không chỉ đáp ứng
được tức thì yêu cầu của người nghe mà còn nắm được nhu cầu của người nghe để điều chỉnh thông tin hoặc điều chỉnh chương trình. Thông qua đây, người làm chương trình cũng biết được vấn đề mình đang trình bày, đang thực hiện thu hút được sự chú ý của thính giả như thế nào?
Ví dụ: Trong chương trình Thời sự chiều ngày 04/9/2005, đạo diễn đã mời thính giả quan tâm đến vấn đề sách giáo khoa cho học sinh tham gia chương trình bằng cách đạt câu hỏi cho đại diện Ban soạn thảo sách giao khoa lớp 1 (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Khi thiết kế chương trình này, đạo diễn và biên tập viên chương trình muốn tạo ra một diễn đàn trước thời điểm năm học mới bắt đầu để đại diện Ban soạn thảo sách giao khoa giải đáp thêm những vấn đề thính giả quan tâm. Qua đối thoại trực tiếp giữa thính giả và khách mời, thông tin được chuyển trực tiếp đến thính giả và nếu người nghe chưa thoả mãn, có thể đặt câu hỏi tiếp theo.... Với cách làm chương trình như thế, độ tin cậy của thông tin với thính giả rất cao.
Trên Hệ Thời sự - Chính trị Tổng hợp của Đài Tiếng nói Việt Nam hiện nay, chương trình thể hiện rõ nhất thông tin hai chiều này là các chương trình "Khách mời trực tiếp" do các Ban Kinh tế, Thời sự và Văn hoá - xã hội đảm trách. Trong chương trình này, thình giả có thể trực tiếp tham gia vào chương trình thông qua số máy điện thoại được quảng bá trước và được thông báo trong phần dẫn chương trình. Có chương trình phát thanh trực tiếp, những câu hỏi của thính giả đã gợi mở để BTV chuyển chủ đề của cuộc tọa đàm trực tiếp, tạo cho chương trình phát thanh những sắc thái mới.…. Sự trao đổi, giao lưu hai chiều đã giúp cho thính giả đến với phát thanh nhiều hơn, và họ cảm thấy được trân trọng mỗi khi được đáp ứng những thông tin theo nhu cầu của họ.