Các phương pháp khám tim mạch kể trên có lúc không phát hiện được những bệnh của hệ tim mạch, nhất là lúc chưa có những triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài. Tim lúc đầu còn có khả năng làm bù, và trong các trường hợp ấy, người ta dùng các phương pháp khám chức năng.
Khám chức năng tim bằng cách tạo một điều kiện cho tim làm việc mạnh, và qua phản ứng của hệ tim mạch để đánh giá chức năng của nó. Kiểm tra chức năng thường dùng các phương pháp sau:
1. Bắt con vật chạy.
Bắt con vật chạy 10 phút trên đường thẳng rồi kiểm tra xem tần số mạch, tần số hô hấp tăng bao nhiêu lần so với bình thường; và sau bao nhiêu thời gian thì trở lại bình thường.
Ngựa: sau 10 phút chạy, mạch tăng 50 - 65 lần/phút, và trở lại bình thường sau 3 - 7 phút. Trong trường hợp tim bị rối loạn, mạch có thể lên đến 90 lần/ phút, và trở lại bình thường sau 10 - 30 phút.
2. Bịt mũi.
Bịt mũi, mồm con vật trong 30 - 45 giây, rồi sau đó xem phản ứng của tim.
Sau khi bắt con vật ngừng thở, do trong máu tích tụ nhiều khí CO2 sẽ kích thích trung khu hô hấp và làm tim đập nhanh. Nếu con vật khoẻ thì huyết áp động mạch và huyết áp tĩnh
mạch tăng. Nếu chức năng tim bị rối loạn, hoạt động tim không thay đổi hay thay đổi rất ít. Lúc tim bị tổn thương, mất khả năng làm bù thì huyết áp giảm rõ rệt.
Phương pháp này có thể áp dụng cho các loại gia súc và vào bất kỳ lúc nào; đặc biệt để chẩn đoán sớm rối loạn cơ tim, thoái hoá cơ tim, xơ hoá cơ tim.
Câu hỏi ôn tập
- Trình bày hiện tượng tim đập động?
- Các tiếng tim bệnh lý?
- Thế nào là mạch đập và vị trí kiểm tra, phương pháp bắt mạch?
- Tĩnh mạch đập dương tính, âm tính, đập động?
- Huyết áp là gì, cách đo huyết áp động mạch?
- Các phương pháp kiểm tra chức năng tim?
Tài liệu tham khảo
- Hệ tuần hoàn – Wikipedia tiếng Việt: http://vi.wikipedia.org/wiki
- Bệnh tim mạch: http://www.cimsi.org.vn/TimMach/Default.asp?act=2b24
- Điện tâm đồ - Wikipedia tiếng Việt: http://vi.wikipedia.org/wiki/Điện_tâm_đồ - 30k