Phân loại mạch:

Một phần của tài liệu Bài giảng chẩn đoán bệnh thú y phần 1 đh huế (Trang 48 - 51)

IV. Khám mạch máu

5.Phân loại mạch:

Căn cứ vào tốc độ mạch nẩy lên, tụt xuống nhanh hay chậm mà ta chia mạch ra:

Mạch nhanh (mạch nhảy): mạch nẩy lên rồi tụt xuống rất nhanh. Mạch nhanh là biểu hiện van động mạch chủ đóng không kín. Còn gặp trong các bệnh gây sốt cao, cường năng tuyến giáp trạng.

Mạch chậm: mạch nẩy lên tụt xuống chậm. Nguyên nhân do lỗ động mạch chủ hẹp. Gặp trong bệnh xơ cứng động mạch.

Mạch chậm không có nghĩa là tần số mạch giảm.

6. Loạn nhịp

Cũng như hoạt động của tim, mạch thường đập theo một cường độ nhất định, khoảng cách giữa các lần đập bằng nhau. Nếu trình tự đó rối loạn ta gọi là loạn nhịp. Rối loạn thường thể hiện bằng sự thay đổi số lần đập, hoặc thay đổi nhịp điệu đập.

Thường kiểm tra loạn nhịp kết hợp với nghe tim, bắt mạch và ghi điện tâm đồ.

Nguyên nhân gây loạn nhịp có thể do thần kinh phó giao cảm bị hưng phấn hoặc rối loạn thực thể trong tim, có thể chia ra làm 4 loại:

a) Loạn nhịp do chức năng hình thành xung động bị rối loạn

Do những nguyên nhân thần kinh ngoài tim làm rối loạn chức năng hưng phấn của nốt Keith - Flack, dẫn đến rối loạn hoạt động của tim.

- Tim đập quá nhanh do nốt Keith - Flack: nguyên nhân thường là do thần kinh phó giao cảm bị ức chế, thần kinh giao cảm hưng phấn gây nên. Kết quả là tim đập nhanh và tần số mạch tăng.

Trong nhiều trường hợp, tần số mạch tăng do tim đập nhanh chỉ là các phản ứng sinh lý như: lúc trời nóng bức, con vật vận động, sợ hãi…

Tần số mạch tăng trong các trường hợp bệnh lý như: sốt cao, thiếu máu, suy tim, huyết áp thấp, con vật bị tiêm atropin, adrenalin, cafein.

- Tim đập chậm do nốt Keith - Flack: ngược với trường hợp trên, tim đập quá chậm do thần kinh phó giao cảm hưng phấn hoặc do rối loạn hình thành xung động ở nốt Keith - Flack. Tim đập chậm, tần số mạch giảm so với bình thường, trên điện tâm đồ thấy đoạn T - P dài hơn bình thường.

Tần số mạch giảm ít gặp. Thường do những bệnh làm áp lực sọ não tăng như: u não, thuỷ thũng não, cơ tim biến tính, suy tim nặng.

Loạn nhịp do hô hấp

Thể hiện bằng tim đập nhanh khi con vật hít vào và đập chậm lúc thở ra. Khi khám phải vừa bắt mạch, vừa quan sát động tác hô hấp.

Loạn nhịp do hô hấp là do có sự liên quan giữa thần kinh hoạt động của tim và của phổi. ở cuối giai đoạn hít vào, các phế nang căng rộng, thần kinh phó giao cảm hưng phấn sẽ ức chế nốt Keith - Flack dẫn đến hình thành xung động chậm. Vừa lúc thở ra thì tim đập chậm, đến

cuối kỳ thở ra là lúc hít vào, thần kinh phó giao cảm tác động yếu lên nốt Keith - Flack làm tim lại đập nhanh.

ở chó, loạn nhịp do hô hấp là hiện tượng sinh lý, ở ngựa lại là hiện tượng bệnh lý và thường do các bệnh làm áp lực trong phổi tăng, thần kinh phó giao cảm hưng phấn mạnh.

b) Loạn nhịp do tính hưng phấn bị rối loạn

Bình thường tim đập là do xung động hình thành một cách đều đặn ở nốt Keith - Flack. Nếu tim bị bệnh hoặc thần kinh tim bị kích thích sẽ gây loạn nhịp.

Các hình thức loạn nhịp:

- Nhịp ngoại tâm thu: là xuất hiện một lần tim đập vào kỳ nghỉ của lần đập trước và sớm hơn lần đập bình thường.

Đặc điểm: nhịp ngoại tâm thu là một lần đập nhỏ ngay sau kỳ tâm trương và tiếp đó là kỳ nghỉ bù. Lần tim đập bình thường sau đó mất và kỳ nghỉ bù kéo dài cho đến lần đập sau. Thời gian kỳ nghỉ bù bằng tổng thời gian hai lần nghỉ bình thường.

Thường nghe tim và ghi điện tâm đồ để xác định nhịp ngoại tâm thu. Bắt mạch có thể sờ được lần đập nhẹ đến trước những lần đập bình thường. Cũng có khi, do kích thích gây nhịp ngoại tâm thu đến quá sớm, tim co nhưng mạch không nẩy. Lần đập đó không cảm nhận được bằng bắt mạch. Đến lần đập sau, do làm bù mà tim đập mạnh hơn bình thường, dẫn tới mạch nẩy hơn bình thường. Những lần mạch khuyết như vậy biểu hiện khi nghe tim thấy tiếng thứ nhất mạnh.

Nguyên nhân gây lên nhịp ngoại tâm thu do kích thích bệnh lý ngay trong hệ thống thần kinh tim: viêm cơ tim, bệnh ở van tim, trúng độc, di chứng của bệnh truyền nhiễm, các trường hợp chướng hơi dạ dày, ruột, viêm dạ dày, viêm gan nặng.

Các kích thích bệnh lý này đến sớm hơn xung động hình thành từ nốt Keith - Flack. Những kích thích bệnh lý có thể gây hưng phấn tim bất kỳ lúc nào, nhưng tim chỉ có thể đáp ứng bằng một lần đập phụ vào kỳ tâm trương và do đó chỉ có nhịp ngoại tâm thu.

Nhịp ngoại tâm thu có thể phát ra không theo một quy luật nào, cũng có thể phát ra xen kẽ sau mỗi lần tim đập bình thường, sau hai lần tim đập bình thường, hoặc sau một quãng thời gian nhất định. Qua bắt mạch cũng có thể biết được những rối loạn đó.

Tuỳ bệnh xảy ra ở bộ phận nào của tim mà nhịp ngoại tâm thu có những đặc điểm khác nhau:

Nếu hưng phấn bệnh lý khởi nguồn từ nốt Keith - Flack, thì không có thời gian nghỉ bù sau nhịp ngoại tâm thu. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nếu hưng phấn bệnh lý từ tâm nhĩ, thì sóng P trên sơ đồ điện tim xuất hiện sớm, có khi như liền với sóng T.

Nếu hưng phấn bệnh lý từ giữa nhĩ thất, thì sóng P hầu như hơi gần với sóng tổng hợp QRS, và sóng QRS liền sát nhau.

Nếu hưng phấn bệnh lý ở tâm thất, thì nghe tim chỉ có tiếng thứ nhất; trên sơ đồ điện tim không có sóng P, thời gian nghỉ bù rõ. Nguyên nhân thường do máu vào tâm thất ít, áp lực máu ở tâm thất thấp.

- Tim đập nhanh từng đợt (loạn nhịp từng đợt): là những lần tim đập nhỏ, nhẹ và nhanh. Thực chất là nhịp ngoại tâm thu xuất hiện liên tiếp xen lẫn với những lần đập bình thường. Hiện tượng này có thể kéo dài đến vài phút hoặc vài ngày gây rối loạn tuần hoàn nghiêm

trọng. Nguyên nhân thường do bệnh ở cơ tim, các bệnh gây đau đớn, thần kinh thực vật bị rối loạn.

- Loạn nhịp hoàn toàn: là mạch đập không có quy luật, lúc đầy lúc vơi, lúc nhanh lúc chậm, có khi mạch khuyết. Nghe tim cũng phát hiện được những dấu hiệu tương tự.

Trên sơ đồ điện tim không có sóng P mà chỉ có những gợn lăn tăn do cơ tâm nhĩ co bóp tạo thành.

Loạn nhịp hoàn toàn thường do bệnh của tim. Những kích thích bệnh lý vào cơ tim làm cho một đám cơ ở tâm nhĩ hoặc tâm thất co bóp không cùng một lúc. Nếu rối loạn chỉ xảy ra ở tâm nhĩ thì tuần hoàn có ảnh hưởng nhưng không đáng kể. Nếu rối loạn xảy ra ở tâm thất thì tuần hoàn bị rối loạn nặng, và con vật có thể chết đột ngột.

c) Do dẫn truyền trong tim rối loạn

Những xung động được hình thành đều đặn từ nốt Keith - Flack lan truyền đến tâm nhĩ, đến nốt Aschoff - Tawara, rồi theo bó His lan ra khắp tim, làm tim đập đều đặn. Sự dẫn truyền đó bị trở ngại ở bất kỳ một vị trí nào trên đường dẫn truyền đều là nguyên nhân dẫn đến tim đập rối loạn.

Dẫn truyền trong tim bị rối loạn có thể do tính dẫn truyền của tim yếu, hoặc do những tổn thương bệnh trên đường dẫn truyền gây nên. Rối loạn dẫn truyền trong tim bao gồm:

- Loạn nhịp do rối loạn dẫn truyền xung động từ nốt Keith - Flack xuống tâm nhĩ:

Khi dẫn truyền xung động từ nốt Keith - Flack xuống tâm nhĩ bị trở ngại làm tim không co bóp trong những khoảng rất ngắn và gây hiện tượng tim mất một vài lần đập (mạch khuyết) xen kẽ với những khoảng hoạt động bình thường. Hiện tượng này xảy ra không theo quy luật nào cả.

Kiểm tra bằng cách nghe tim, bắt mạch và ghi điện tâm đồ thì có thể phát hiện được hiện tượng mạch khuyết.

Loạn nhịp do rối loạn dẫn truyền từ nốt Keith - Flack xuống tâm nhĩ thường do thần kinh mê tẩu quá hưng phấn, ức chế nốt Keith - Flack hình thành xung động. Loạn nhịp sẽ mất nếu cho con vật vận động. Vì lúc vận động, thần kinh giao cảm hưng phấn, thần kinh phó giao cảm bị ức chế. Tác dụng của phó giao cảm lên nốt Keith - Flack sẽ yếu đi hoặc mất hẳn.

Loạn nhịp này thường thấy ở ngựa.

- Loạn nhịp do dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất bị rối loạn.

Xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất qua bó His, ứng với khoảng P – Q trên sơ đồ điện tim. Dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất trở ngại gây hiện tượng rối loạn tim đập (loạn nhịp). Dẫn truyền xung động xuống tâm thất có thể bị trở ngại hoàn toàn hoặc không hoàn toàn.

Nếu xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất trở ngại không hoàn toàn, thì xung động đến tâm thất chậm. Do đó tâm thất co bóp chậm và có khi thiếu một lần co bóp so với tâm nhĩ. Khi đó trên sơ đồ điện tim, khoảng P - Q kéo dài.

Dẫn truyền bị trở ngại không hoàn toàn có thể do thần kinh phó giao cảm quá hưng phấn tác động, cũng có thể do bệnh biến thực thể ở bó His. Nếu do thần kinh, thì ảnh hưởng đến tuần hoàn không lớn, vì lúc làm việc sẽ mất. Nếu do tổn thương ở bó His thì nguy hiểm hơn.

Nếu xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất trở ngại hoàn toàn, thì khi bắt mạch thấy tần số mạch giảm. Trên điện tâm đồ thấy sóng P tăng, sóng P và sóng tổng hợp QRS thay đổi.

Nguyên nhân chính thường do viêm cơ tim. Những con vật bị bệnh thường làm việc yếu và có thể chết đột ngột do tim ngừng đập.

d) Do cơ tim co bóp rối loạn

Tính hưng phấn của tim bình thường nhưng cơ tim co bóp vẫn bị rối loạn, có khi chỉ có một bộ phận co bóp, do đó tần số tim đập vẫn không thay đổi, nhưng lực đập không đều, mạch đầy, mạch vơi xen kẽ.

Kiểm tra loại loạn nhịp này phải bắt mạch. Nghe tim thường không phát hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là do suy tim, cao huyết áp. Tiên lượng thường là không tốt. Tuỳ theo nguyên nhân và mức độ loạn nhịp mà có thể làm con vật chết đột ngột hoặc có thể không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của gia súc.

Một phần của tài liệu Bài giảng chẩn đoán bệnh thú y phần 1 đh huế (Trang 48 - 51)