Như đã nói ở trên, DNNQD có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một nền kinh tế năng động, có hiệu quả, tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thu hút mọi thành viên trong xã hội tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bộ phận các doan nghiệp này có sức năng động rất cao, có thể phát triển sản xuất kinh doanh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tận dụng mọi thứ để phát triển kinh tế, không để lãng phí nguồn lực của quốc gia. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào sức của các doanh nghiệp này thì không thể phát triển một cách mạnh mẽ và hiệu quả. Bởi vì, phần lớn các DNNQD ở nước ta chủ yếu thuộc loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với khu vực kinh tế Nhà nước, vốn phần lớn được hỗ trợ từ ngân sách, còn DNNQD thì không có sự hỗ trợ này mà nguồn vốn kinh doanh chủ yếu là vốn tự có, vốn huy động trên thị trường và các nguồn đi vay. Vốn tự có của các DNNQD hầu như không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh, lại càng không thể đáp ứng nhu cầu mở rộng và phát triển. Việc huy động vốn trên thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải có quy mô lớn, có uy tín và một thị trường vốn hoàn chỉnh. Vì vậy DNNQD cần vay vốn từ các NHTM. Đây là nguồn vốn dồi dào có thể đáp ứng được nhu cầu mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, DNNQD do rất năng động,
thích nghi với mọi điều kiện, lại phải tự bỏ vốn kinh doanh nên thường làm ăn rất có hiệu quả, nếu được sự tư vấn giúp đỡ của NH về tài chính cũng như trong sản xuất kinh doanh thì sẽ đem lại lợi nhuận rất cao cho cả doanh nghiệp cũng như NH. Do đó, các NH cần phải đẩy mạnh hoạt động cho vay của mình đối với các DNNQD vừa để phát triển đất nước, vừa đáp ứng được mục tiêu lợi nhuận trong kinh tế thị trường.